Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam vẫn có sự chênh lệch lớn giữa phụ nữ và nam giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo, ra quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay. Tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cấp vụ và thứ trưởng trở lên đều thấp hơn 30%.

Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn đến năm 2030.
Đề án đặt mục tiêu, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; hợp lý về cơ cấu, chất lượng, độ tuổi; có tỷ lệ phù hợp cán bộ nữ cấp chiến lược, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể và ngày càng có nhiều phụ nữ giữ các trọng trách quan trọng trong cấp ủy Đảng, bộ máy nhà nước, các cấp chính quyền và thể hiện được vai trò và đóng góp của mình trong công cuộc phát triển đất nước.

Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị; nhiệm kỳ 2016-2021 tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ 2006-2011...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với các chỉ tiêu đề ra thì tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý đang còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của các tầng lớp phụ nữ. Có sự chênh lệch quá lớn giữa phụ nữ và nam giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo, ra quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay. Việt Nam có duy nhất 01 bộ trưởng nữ trong nhiệm kỳ này (2016-2021) và tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 47% (14/30).

Chỉ ra nguyên nhân của hạn chế trên, Bộ Nội vụ cho rằng, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cấp vụ và thứ trưởng trở lên đều thấp hơn 30% do phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức như tuổi bổ nhiệm, các tiêu chuẩn từng vị trí lãnh đạo. Tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch thấp, thường ở vị trí cấp phó.

Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt trong công tác cán bộ của Ðảng, nhưng việc tạo cơ chế, chính sách, đãi ngộ đối với cán bộ nữ vẫn ở trong tình trạng chung chung, cào bằng, chưa tính tới đặc thù giới. Chưa có chính sách về đào tạo và đề bạt để hỗ trợ phụ nữ trong khoảng thời gian người phụ nữ vừa thực hiện thiên chức làm mẹ và phấn đấu sự nghiệp.

Để tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội bình đẳng tham gia vào vị trí lãnh đạo ở tất cả các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách, đề án đặt mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong tập thể lãnh đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

Đến năm 2030, 75% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo có phụ nữ tham gia ban lãnh đạo; trong đó ít nhất 30% tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt.