Tỷ giá chạm trần, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

ANTĐ - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá trong thời gian vừa qua tăng lên, thậm chí 2 ngày vừa qua tăng lên kịch trần chủ yếu là do diễn biến tâm lý, trước diễn biến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất và diễn biến giảm giá liên tục của đồng Nhân dân tệ (CNY).

Tỷ giá chạm trần, Ngân hàng Nhà nước nói gì? ảnh 1Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý

Qua tổng hợp, nghiên cứu đánh giá thông tin của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định: “Thứ nhất là việc tỷ giá tăng chủ yếu do diễn biến tâm lý, bởi xét yếu tố cung cầu trong mấy ngày vừa qua rõ ràng trên thị trường nhu cầu mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến”.

Mặc dù tỷ giá tăng lên kịch trần nhưng nhu cầu của doanh nghiệp và nguời dân đối với ngoại tệ vẫn được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

“Sáng nay khi FED công bố tăng lãi suất, thị trường ít giao dịch. Chúng tôi cập nhật liên tục cho thấy tỷ giá có tín hiệu giảm liên tục, các giao dịch mua bán lại diễn ra. Điều này cho thấy diễn biến tỷ giá chịu tác động của yếu tố tâm lý”, bà Hồng chia sẻ.

Phó Thống đốc phân tích: "Tháng 10 và tháng 11 chúng ta xuất siêu, như vậy rõ ràng chúng ta có phần xuất siêu về thương mại. Trong khi đó, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, bên cạnh đó là lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về. Qua đó cho thấy, cung cầu ngoại tệ trong thời gian vừa qua không có đột biến”.

Trước những lo ngại về việc tác động của việc FED tăng lãi suất cũng như đồng Nhân dân tệ giảm giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng: “Rõ ràng việc FED tăng lãi suất 0,25% đã gần như được phản ánh trong diễn biến tăng tỷ giá từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015 khi thị trường kỳ vọng”.

Với Việt Nam, vốn ngắn hạn chiếm thị phần rất ít, chủ yếu là vốn trung, dài hạn và vốn FDI. Chúng ta vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế do đó được các nhà đầu tư tin tưởng. Các nhà đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những lợi thế như chi phí nhân công... nên khả năng đảo chiều của dòng vốn FDI là không xảy ra.

Đối với diễn biến đồng Nhân dân tệ giảm giá liên tục thời gian gần đây được các chuyên gia đánh giá là phản ứng đón đầu đợt tăng lãi suất của FED cũng như tác động của các chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không để đồng tiền của mình giảm giá mạnh bởi khi giảm mạnh sẽ làm dòng vốn đảo chiều khiến thị trường tài chính phức tạp hơn.

Tái khẳng định liên quan tới vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Diễn biến thị trường trong những ngày gần đây là do yếu tố tâm lý, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi. Còn giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước là sẽ thực hiện các biện pháp, công cụ cần thiết để ổn định thị trường tỷ giá và ngoại hối”.