Tuyệt đối phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của “siêu biến thể” Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid -19 đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan mà phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch, trước hết là tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, tuân thủ nguyên tắc “5K”.
Người dân, các đơn vị, tổ chức phải luôn cảnh giác trước dịch bệnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19

Người dân, các đơn vị, tổ chức phải luôn cảnh giác trước dịch bệnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19

Triển khai biện pháp chặt chẽ hơn ứng phó biến thể Omicron

Cho dù thế giới đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để phòng chống, song biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiếp tục lây lan tới thêm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dù các nhà khoa học đang khẩn trương nghiên cứu để “giải mã” biến thể Omicron cũng như đánh giá xem biến thể này có nguy hiểm như biến thể Delta hay không… thì nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới đã đề cao cảnh giác, triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo là: “Có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức “rất cao” và có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh”.

Trong bối cảnh đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh tồi tệ do biến chủng Delta gây ra, các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khu vực, đang có những điều chỉnh quan trọng nhằm ngăn ngừa sớm và hiệu quả nguy cơ một làn sóng dịch mới mà tác nhân gây bệnh là biến thể mới Omicron. Đến nay, đã có 69 quốc gia triển khai các biện pháp tạm dừng, hạn chế đi lại quốc tế để phòng chống biến chủng Omicron, trong đó hầu hết đều áp dụng từ chối tiếp nhận hành khách đến từ các quốc gia châu Phi và các khu vực xuất hiện biến chủng Omicron, hoặc tiến hành cách ly y tế, chỉ tiếp nhận hành khách đã tiêm đủ vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Ngay sau khi có thông tin về ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron tại Hàn Quốc vào ngày 30-11, Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Hàn Quốc đã ngay lập tức hạn chế cấp thị thực và hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập vào nước này.

Tương tự, Chính phủ Nhật Bản ngày 1-12 thông báo nước này sẽ không cho phép hành khách nước ngoài, kể cả những người có thị thực dài hạn, nhập cảnh trở lại nếu họ từng đến các quốc gia ở miền Nam châu Phi trong thời gian qua. Ngoài ra, Nhật Bản cũng siết chặt quy định cách ly đối với người nhập cảnh, theo đó yêu cầu tất cả công dân và người nước ngoài thường trú ở nước này trở về từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao phải cách ly bắt buộc tại các cơ sở do chính phủ chỉ định trong 10 ngày.

Trước sự lo ngại sâu sắc trên khắp thế giới về sự nguy hiểm của biến thể Omicron, các chuyên gia cho biết, tới thời điểm này thì các loại vaccine phòng Covid-19 hiện có vẫn chứng tỏ hiệu quả và tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để đối phó với Omicron. WHO thúc giục các nước tăng tốc độ phủ vaccine cho người dân để ngăn chặn mọi biến thể mới trước khi chúng xuất hiện. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, người dân nên tiêm mũi vaccine phòng Cocid-19 tăng cường để tăng độ bảo vệ trước biến thể mới Omicron, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế tuyến đầu.

Cùng với đó, WHO cho rằng, các biện pháp hiệu quả nhất mỗi cá nhân có thể thực hiện để ứng phó với biến thể mới Omicron là giữ khoảng cách ít nhất 1m với người khác nơi công cộng, đeo khẩu trang vừa vặn, mở cửa sổ thông gió, tránh không gian kín hoặc đông đúc, giữ tay sạch sẽ, che khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi và tiêm phòng ngay khi có thể. Tổ chức y tế lớn nhất thế giới này nhấn mạnh, chúng ta có thể lo lắng nhưng đừng vội hoang mang trong lúc chờ đợi các nhà khoa học hiểu rõ hơn biến thể Omicron và đánh giá đúng về hiệu quả của vaccine cũng như thuốc điều trị Covid-19. Tiêm phòng và thực hiện “5K” vẫn là cách tốt nhất hiện nay để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi Covid-19 dù trước biến thể Delta hay Omicron.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng chống dịch bệnh

Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra, thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến biến thể Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia xuất hiện biến thể mới ở miền Nam châu Phi.

Là Thủ đô của cả nước, cửa ngõ ra - vào quan trọng của đất nước với thế giới, Hà Nội cũng đã nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch Covid-19 trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng như khu vực. Nhiệm vụ này càng cấp bách hơn khi diễn biến dịch tại Thủ đô có chiều hướng phức tạp hơn với các ca nhiễm mới gia tăng sau gần một tháng rưỡi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Dù đã dự báo và chuẩn bị các phương án ứng phó khi các ca bệnh gia tăng khi nới lỏng các biện pháp giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, song không thể không lo ngại trước xu hướng gia tăng nhanh của các trường hợp nhiễm mới tại Hà Nội những ngày qua. Trong đó, những ngày gần đây, các ca mắc Covid-19 mới ghi nhận trên địa bàn thành phố gia tăng cao, lên tới 469 trường hợp vào ngày 1-12 sau vài ngày đều ở mức trên 300 ca/ngày. Cũng rất đáng lo ngại là tỷ lệ F1 chuyển thành F0 có xu hướng gia tăng nhanh, tới 14,9% trong giai đoạn từ 11-10 đến 29-11, cao hơn nhiều so với giai đoạn từ đầu đợt dịch thứ tư, từ ngày 29-4 đến ngày 10-10.

Có thể thấy, dù đã thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gần một tháng rưỡi, nhưng không ít người dân, thậm chí cơ quan công quyền và doanh nghiệp, chưa hoàn toàn hiểu thế nào là “bình thường mới”. Bình thường mới hoàn toàn không phải là bình thường mà bình thường mới vẫn đòi hỏi người dân, các đơn vị, tổ chức phải luôn cảnh giác trước dịch bệnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Trong bối cảnh Hà Nội sẽ điều trị F0 thể nhẹ, cách ly F1 tại nhà và nguy cơ xâm nhập của biến thể mới Omicron… càng cần phải ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới.

Trong kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 1-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh đến 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần làm ngay, trong đó yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố nhấn mạnh: “Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan”.