Tuyệt đối không chủ quan, lơ là với đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới vẫn hết sức phức tạp, khó lường, nhất là tại các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam, nên chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là dù chỉ là một giây nếu không sẽ phải trả giá đắt.
Lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép ở biên giới Tây Nam

Lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép ở biên giới Tây Nam

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường khắp nơi

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 16h ngày 16-4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận gần 140 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 3 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 118,8 triệu người.

Quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với gần 580.000 ca tử vong trong tổng số hơn 32,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 174,3 nghìn ca tử vong trong số 14,3 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 366.000 ca tử vong trong số hơn 13,7 triệu bệnh nhân.

Về khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 47 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 846,3 nghìn ca tử vong trong hơn 26,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 587,8 nghìn ca tử vong trong hơn 32,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 290.000 ca tử vong trong hơn 20,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 120.000 ca tử vong, châu Phi có hơn 116,7 nghìn ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.

Điều đáng lo ngại là sau hơn 1 năm hoành hành, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới bấp chấp các biện pháp phòng chống. Nhiều nơi, đại dịch liên tiếp bùng phát dữ dội thành các “làn sóng” dịch thứ ba, thứ tư khiến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phải áp đặt trở lại biện pháp phòng tỏa nghiêm ngặt (lockdown) dù chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á mới đây đang phải chứng kiến một “làn sóng” dịch Covid-19 mới, rất nghiêm trọng. Đặc biệt, một số quốc gia láng giềng sát nước ta như Thái Lan, Campuchia… đang phải đối mặt với “làn sóng” lây lan mới của dịch Covid-19.

Sau “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2”, con số người mắc Covid-19 tại Campuchia vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Với số người nhiễm bệnh tăng 3 con số mỗi ngày, số ca bệnh Covid-19 ở Campuchia đã tăng từ vài trăm trường hợp trước “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2” lên 5.480 trường hợp (tính tới chiều 16-4), trong đó có 38 người tử vong.

Để ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Campuchia ngày 14-4 đã quyết định phong tỏa Thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal) trong 2 tuần, kể từ ngày 15-4. Trong thời gian phong tỏa, người dân bị cấm ra ngoài trừ việc mua thực phẩm hoặc điều trị y tế, song những hoạt động kinh doanh thiết yếu vẫn được phép mở cửa.

Trong tuyên bố đưa ra khi công bố quyết định phong tỏa, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo, Campuchia đang bên “bờ vực sinh tử” và kêu gọi người dân nỗ lực cùng nhau để tránh thảm họa này. Thủ tướng Hun Sen nêu rõ mục đích của lệnh phong tỏa là để chống lại sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời trấn an người dân rằng sẽ không để một ai thiếu thực phẩm trong thời gian phong tỏa.

Tình hình tại Thái Lan cũng rất phức tạp, khó lường trong “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ ba ở nước này. Quốc gia Đông Nam Á này trong ngày 15-4 đã ghi nhận tới 1.543 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng ca nhiễm tại Thái Lan lên 37.453 người, trong đó có 97 người tử vong. Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Natthapon Nakpanick cho biết, đề xuất phong tỏa một phần đất nước đã được thảo luận và việc có thực thi lệnh phong tỏa hay không hiện đang phụ thuộc vào đánh giá từ các cơ quan y tế.

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Với nỗ lực và quyết tâm cao độ cùng các biện pháp mạnh mẽ, đúng đắn và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, bắt đầu cuối tháng 1-2021. Đã nhiều ngày qua, chúng ta không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng.

Tuy nhiên, do diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia láng giềng vẫn hết sức phức tạp và khó lường, Việt Nam luôn đối mặt với nguy cơ bị dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập. Cho dù các lực lượng chức năng đã gồng mình, căng sức 24/24h để tuần tra, kiểm soát ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới nhưng do đường biên giới trên bộ dài hàng nghìn km với vô số đường mòn, lối mở cùng hàng vạn tàu thuyền đánh bắt cả trên biển nên việc phòng ngừa, ngăn chặn người mang mầm bệnh nhập cảnh trái phép là rất khó khăn, nan giải.

Mới đây, tỉnh An Giang ngày 15-4 cho biết đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca nhiễm Covid-19 mới vừa được Bộ Y tế công bố sau khi nhập cảnh trái phép qua Cửa khẩu Long Bình. Trước tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia đang diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang cũng đang phải đối mặt với lượng lớn người về từ Campuchia, có những ngày 10 người nhập cảnh thì 10 người đều dương tính Covid-19.

Bộ Y tế lưu ý, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam và khu vực Tây Nam bộ, do đó cần tăng cường phòng chống dịch khu vực này, thực hiện nghiêm việc cách ly y tế các trường hợp nhập cảnh. Đường biên giới chỉ là cột mốc, có bốt gác nhưng không thể đảm bảo hết được, do đó, các địa phương có người nhập cảnh về cần cách ly ngay, xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tầm soát giám sát, cách ly các ca nhiễm, các cơ sở y tế cần tầm soát thường xuyên, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, quét mã QR code nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, truy vết kịp thời.

Hiện nguy cơ xuất hiện dịch tại nước ta vẫn là rất lớn trong bối cảnh bùng phát dịch tại các nước láng giềng và trên thế giới. Việc kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian tới là thách thức rất lớn. Vì thế, chúng ta không thể một giây phút lơ là, chủ quan, mà phải luôn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, nếu không có thể phải trả giá đắt khi xuất hiện “làn sóng” dịch mới ở trong nước.