Tuyệt đối không "bồi dưỡng" cho cán bộ

ANTD.VN - Cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc nếu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Công dân có quyền yêu cầu bộ phận một cửa trả lời bằng văn bản về những vướng mắc trong thủ tục hành chính

Ngày 23-12, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chung tay cải cách thủ tục hành chính năm 2016”. Báo An ninh Thủ đô lược ghi một số nội dung được độc giả quan tâm nhất.

- Những cán bộ, công chức có biểu hiện, thái độ nhũng nhiễu, hách dịch, thiếu tôn trọng gây khó khăn cho công dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính sẽ bị xử lý như thế nào?

- Ông Nguyễn Bá Vinh, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Sở Tư pháp Hà Nội): Pháp luật nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi.

Nếu cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi gây khó khăn cho công dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử lý: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, giáng chức, buộc thôi việc.

Hình thức xử lý mạnh nhất là buộc thôi việc áp dụng khi công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.

- Tôi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã làm các giấy tờ cần có ở phường và phường nói đã gửi lên quận nhưng không có giấy hẹn. Tôi muốn biết thủ tục hành chính của mình đã được giải quyết chưa thì phải làm gì?

- Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Sở Tư pháp Hà Nội): Trong bất kỳ trường hợp nào, khi thực hiện tiếp nhận hồ sơ hành chính, cán bộ bộ phận một cửa đều phải thể hiện quá trình giao dịch với công dân bằng văn bản và công dân có quyền yêu cầu trả lời bằng văn bản đối với những vướng mắc của mình.

Các văn bản này có thể là phiếu tiếp nhận, phiếu hẹn trả kết quả giải quyết nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; là phiếu hướng dẫn hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ; là văn bản hướng dẫn nếu hồ sơ không thuộc thẩm quyền hoặc từ chối giải quyết.

Vậy, trong trường hợp này công dân có quyền yêu cầu UBND phường cung cấp giấy hẹn trả kết quả hoặc các văn bản hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ hoặc văn bản từ chối giải quyết. Nếu UBND phường không cung cấp các văn bản nêu trên, công dân có thể phản ánh tới Sở Nội vụ Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội hoặc các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ những nội dung yêu cầu của mình hoặc qua các phiếu đánh giá mức độ hài lòng.

-  Tôi muốn làm thủ tục đăng ký khai sinh nhanh hơn tại UBND phường, vậy tôi tự nguyện “bồi dưỡng” thêm cho cán bộ một cửa để được ưu tiên giải quyết có được không?

- Bà Ngô Hồng Thủy, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Thủ tục hành chính khi được tiếp nhận và giải quyết có quy định thời hạn và quy trình cụ thể cho từng thủ tục. Vì vậy, nếu bạn thực sự có lý do chính đáng thì có thể trình bày với cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để ưu tiên giải quyết trước.

Còn tuyệt đối không “bồi dưỡng” cho cán bộ bởi theo quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 và Bộ luật Hình sự 1999 thì các hình thức xử lý kỷ luật hoặc hình sự đối với hành vi tham nhũng rất nghiêm khắc.