Tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập: Dễ bị lợi dụng vì thiếu hiểu biết

ANTĐ - Ngày 19-7, các trường THPT công lập ở Hà Nội đông cứng phụ huynh đến nộp hồ sơ nhận học cho con. Điều đáng nói là không ít phụ huynh chưa nắm được quy định tuyển sinh nên rất hoang mang với nguyện vọng 2. Đây là kẽ hở để “cò” có thể lợi dụng lừa gạt trong việc xin học.

Phụ huynh học sinh có 3 ngày để làm thủ tục nhập học lớp 10 THPT


Trượt nguyện vọng 1 chỉ có ra dân lập?

Với hơn 50.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập, nhiều trường ở Hà Nội sáng 19-7 đông cứng phụ huynh và học sinh đến làm thủ tục nhập học. Mặc dù theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc nhập học kéo dài trong 3 ngày từ 19 đến 21-7 nhưng phần lớn phụ huynh đều đến nộp hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên. Tại trường THPT Việt Đức với chỉ tiêu 645 học sinh, trường này chia thành nhiều khu vực để tuyển sinh theo mức điểm. Cao nhất ở trường này có thí sinh đạt tới 61 điểm.

Chị N.V.Hà, phụ huynh có con đăng ký vào trường cho biết, điểm thi năm nay vào trường quá cao. Con chị được 55 điểm thì đã xếp số thứ tự ngoài 400. Tương tự ở trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm, thí sinh điểm cao nhất vào trường cũng đạt 60,5. Ở mức 55 điểm, thí sinh phải xếp số thứ tự 487 trên tổng chỉ tiêu 645 học sinh. Tại trường THPT Nguyễn Trãi, các phụ huynh ở đây cho biết, số người đến làm thủ tục khá đông nên nhiều người được xếp số buổi sáng và được hẹn chiều quay lại làm thủ tục.

Trước mức điểm trúng tuyển khá cao năm nay của các trường thuộc quận nội thành, nhiều phụ huynh dù chưa trúng tuyển đợt 1 cũng đến trường với tâm lý trông mong vào khả năng hạ điểm đợt 2 vì chỉ thiếu có 0,5 điểm. “Con nhà này được 53,5 điểm cũng đã xếp tận gần số 700, trên có vài chục học sinh khác. Thiếu tý điểm thôi là gay go rồi!” - phụ huynh trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm chỉ vào bảng điểm tham khảo tại trường cho biết. Điều mà các phụ huynh bàn luận ở đây là nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì chỉ còn khả năng ra học dân lập.

Theo các vị phụ huynh này, khả năng trúng tuyển theo nguyện vọng 2 là rất ít. Hầu hết học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Trần Phú đều đăng ký nguyện vọng 2 vào trường THPT Đoàn Kết. Trường này năm nay cũng đã lấy điểm chuẩn là 50 điểm nên nguyện vọng 2 sẽ khó vì phải cộng thêm 1,5 điểm cũng chưa chắc chắn. Khả năng các trường sẽ lấy chỉ tiêu theo nguyện vọng 1, nếu không đủ mới xét đến nguyện vọng 2. “Vì vậy, trượt nguyện vọng 1 thì cứ xác định luôn là ra dân lập học thôi” - chị Nguyễn Phương Linh, một phụ huynh khẳng định.

Chỉ tuyển nguyện vọng 1 là sai

Trước các thắc mắc của phụ huynh về cách thức tuyển sinh nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2, ông Nguyễn Tôn Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa cho biết, trường vẫn đảm bảo tuyển cả nguyện vọng 1 và 2 nếu thí sinh đủ điểm chuẩn và điểm cộng thêm theo quy định của Sở GD-ĐT. “Không có việc chỉ tuyển nguyện vọng 1, nếu thiếu mới xét đến nguyện vọng 2” - ông Nguyễn Tôn Vinh khẳng định.

“Phụ huynh chưa nắm rõ quy định. Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn khá chi tiết về cách thức xét tuyển. Điểm chuẩn của các trường đều đã tính cả thí sinh đăng ký nguyện vọng 2” - ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định. “Các hiệu trưởng đều đã được phổ biến kỹ về cách thức tuyển sinh. Nếu trường nào chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1 là sai quy định. Phụ huynh cần gặp trực tiếp đại diện nhà trường để hỏi rõ về cách thức tuyển sinh chứ không nên hoang mang như vậy” - ông Ngô Văn Chất cho biết. Theo các chuyên gia tuyển sinh thì việc phụ huynh không hiểu rõ cách thức tuyển sinh dẫn tới việc đồn đoán rồi cả tiêu cực “chạy trường”. Bên cạnh đó, nhiều người chưa nắm rõ thông tin, đổ dồn vào các trường ngoài công lập rồi lại xin rút hồ sơ khi biết con mình trúng tuyển nên gặp không ít khó khăn.

“Phụ huynh cần đề phòng vì đã có trường hợp do thiếu hiểu biết đã bị “cò” lợi dụng nhận “chạy” vào trường công lập này kia nhưng thực chất là con em họ đủ điều kiện trúng tuyển theo nguyện vọng 2 hoặc 3. Phụ huynh mất tiền oan, đồng thời ngành giáo dục cũng bị mang tiếng” - ông Ngô Văn Chất cảnh báo.