Tuyển sinh đầu cấp ở đâu cũng..."chạy"

ANTĐ - Đang là thời điểm “nhạy cảm” của cuộc chạy đua vào trường trái tuyến hay đúng tuyến nhưng thiếu chỉ tiêu. Các cuộc gọi vào máy điện thoại của hiệu trưởng trường công lập từ mẫu giáo đến THCS gần như đều không được trả lời hoặc trong tình trạng tắt máy. Hà Nội, mỗi dịp nghỉ hè, cuộc chạy đua vào các trường công lập, trường chất lượng cao lại nóng lên hầm hập.

Có thể phải bốc thăm vào trường mầm non

Thông tư 30 với yêu cầu đổi mới đánh giá bậc tiểu học khiến cho phong trào chạy trường ở bậc tiểu học giảm sức nóng phần nào. Tuy nhiên, với bậc mẫu giáo và THCS, việc chạy trường vẫn chưa hạ nhiệt bởi nhu cầu vào trường công chất lượng cao rất lớn trong khi chỉ tiêu xét tuyển có hạn.

Chị Nguyễn Mai Linh, cư dân của quận Hai Bà Trưng đang có nhu cầu xin cho con vào trường Mầm non Quỳnh Mai theo đúng tuyến nhưng vẫn chưa có lời hứa chắc chắn nào từ phía nhà trường. Chị Linh cho biết, đến giờ nhà trường vẫn chưa cung cấp chỉ tiêu, tuyến tuyển sinh. “Tham khảo các phụ huynh năm học trước, tôi được biết, trường chỉ ưu tiên tuyển đúng tuyến tất cả trẻ 5 tuổi, còn độ tuổi nhỏ hơn, 3 tuổi như con tôi thì chỉ tiêu rất ít. Tôi đang rất lo, không biết năm nay sẽ phải đăng ký theo hình thức nào để có thể có một suất vào trường”.

Đây cũng là mối lo chung của rất nhiều cha mẹ có con 3, 4 tuổi. Nếu không đủ tài chính cho con học trường tư thục, việc chắc chắn một suất vào công lập chỉ có thể được thực hiện bằng biện pháp “mua” suất của cán bộ, giáo viên hoặc kiếm một suất ngoại giao nhờ quan hệ quen biết.

Thêm một vấn đề Hà Nội mấy năm nay phải đối mặt là tình trạng bùng phát số trẻ lứa tuổi mẫu giáo ở các khu đô thị mới gây quá tải cho trường mầm non công lập vốn chưa đủ để phục vụ dân cư gốc trong phường mình. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận tình trạng này và cho biết đang cảnh báo các quận, huyện tập trung nhiều khu đô thị phải tích cực điều tra đúng số trẻ, học sinh đến độ tuổi ra lớp để phân tuyến phù hợp. 

“UBND thành phố và Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo phải đảm bảo trẻ 5 tuổi có chỗ học, các trường ưu tiên cho trẻ trong độ tuổi này nhằm đảm bảo phổ cập trẻ 5 tuổi được đến trường. Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội khi xây dựng khu đô thị mới, chung cư phải bố trí trường học cho trẻ mầm non, lớp 1 và lớp 6. Cụ thể, năm nay, UBND thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở có kế hoạch xây dựng thêm 26 trường học mới, chủ yếu tập trung ở các khu đô thị mới để đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, mức độ di dân của thành phố tương đối lớn, ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng hết yêu cầu này. Để đảm bảo mọi học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, UBND thành phố đã có chủ trương xã hội hóa, kêu gọi nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào giáo dục để mở rộng trường học. Không thể để một lớp học có đến 80 cháu. Các trường sẽ phải chủ động đưa ra biện pháp như giảm trẻ 3, 4 tuổi để ưu tiên trẻ 5 tuổi, cũng không loại trừ phải bốc thăm…” - ông Phạm Văn Đại cho biết.

Vào lớp 6 không thi, vẫn luyện 

Quy định cấm thi tuyển đầu vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT từ kỳ tuyển sinh đầu cấp năm 2015 nhằm mục đích hạn chế học thêm, luyện thi bậc tiểu học. Tuy nhiên, việc 100% học sinh tiểu học đăng ký vào các trường chất lượng cao đều có học bạ “như mơ” thì các tiêu chí phụ đã trở thành tiêu chí chính trong cuộc ganh đua ngày càng khốc liệt ở Hà Nội.

Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục yêu cầu các trường không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Do các hồ sơ đều đạt điểm tuyệt đối nếu chỉ xét trên học bạ nên các trường THCS Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, trường Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, Marie Curie… phải tìm cách lọc cho khớp với chỉ tiêu được giao. Thường các trường này lựa chọn xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho những học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa, thể thao từ cấp quận trở lên, các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng và cả những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ… 

Đại diện trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết, trường này sẽ xét tuyển thẳng những học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích  trong các cuộc thi: Giải Toán qua mạng Internet, Tiếng Anh qua mạng Internet, Olympic Tiếng Anh, Tin học trẻ từ cấp quận, huyện trở lên. Trường Marie Curie cũng dành quyền vào thẳng cho các học sinh đạt giải Ba cấp quận trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 5 (ViOlympic, Olympic Tiếng Anh, IOE...); học sinh đạt loại giỏi, xuất sắc trong kỳ thi IMAS và Kangaroo…

Và để có được những giải này đối với học sinh tiểu học là cả một quá trình đầu tư không tiếc thời gian, tiền bạc của các bậc phụ huynh. Hiện tại, ở Hà Nội đã xuất hiện không ít những trung tâm chuyên dạy làm toán bằng tiếng Anh, các trung tâm luyện thi tiếng Anh cho trẻ tiểu học cũng phát triển như nấm. Học sinh tiểu học, thay vì miệt mài ôn luyện Văn, Toán để thi vào lớp 6 như 2 năm trước thì lại vào các trung tâm này để dùi mài tiếng Anh và Toán.

Khi được hỏi quan điểm về các cuộc thi này, ông Phạm Văn Đại cho biết: “Các cuộc thi đó là một sân chơi. Đã là sân chơi thì phải tự nguyện và nó cũng có những mặt tốt nhất định. Muốn có thành tích phải bỏ công sức lao động mới đạt được”. Tuy nhiên, khi nói về việc bản chất các cuộc thi này cũng gây áp lực không kém gì việc thi tuyển vào lớp 6 trước đây thì ông Phạm Văn Đại cho rằng điều này phải hỏi lên cấp cao hơn.

Điều đáng nói là không phải các cuộc thi này đều là sân chơi công bằng. Đã có những phụ huynh phản ánh, cuộc thi giải toán qua mạng ViOlympic dù thi ở cấp thành phố nhưng vẫn chỉ được tổ chức tại trường, dẫn tới việc giáo viên hoàn toàn có thể can thiệp vào thành tích để được cộng điểm ưu tiên, hay thậm chí vào thẳng các trường như Hà Nội - Amsterdam của một số học sinh là con em trong trường, thay vì thuộc về những học sinh xuất sắc thực thụ. 

Trả lời về vấn đề này, đại diện Ban tổ chức Cuộc thi ViOlympic cho biết, do số lượng học sinh tham gia tại các vòng thi này nhiều nên ban tổ chức các cấp phải bố trí tại nhiều địa điểm thi để đủ số máy tính cho học sinh tham gia. Các cấp khi tổ chức đều phải tuân thủ các quy định theo điều lệ và văn bản hướng dẫn của Bộ. Còn việc cộng điểm cho học sinh đạt giải 

ViOlympic các cấp là theo quy chế tuyển sinh riêng của các tỉnh/thành phố. Số đạt thành tích cao là con số khiêm tốn so với 20 triệu học sinh đã tham gia ViOlympic và thành tích chỉ là biện pháp khuyến khích chứ không phải mục tiêu cuối cùng của sân chơi ViOlympic. Mặc dù vậy, việc lợi dụng sân chơi này để có cơ hội vào các trường tốp đầu của Hà Nội vẫn đang gây bức xúc đối với những bậc phụ huynh mất công đầu tư cho con em họ để dự thi một cách công bằng.

Học sinh lớp 1, lớp 6 sẽ không phải học nhồi nhét

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện số trẻ mẫu giáo là 405.800 trẻ. Trong đó, trẻ 5 tuổi là 134.250 trẻ. Lớp 1 là 132.850 trẻ và lớp 6 là 107.900 học sinh. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở  đã có phương án tính toán để học sinh lớp 1, lớp 6 không phải học trong tình trạng nhồi nhét như một số năm về trước.

Số lượng trường học được xây lên rất nhiều đảm bảo cho học sinh lớp 1, lớp 6 đủ học tại các trường công lập theo đúng tuổi. Sẽ không có chuyện học sinh lớp 1, lớp 6 mà không được vào học, trừ khi phụ huynh muốn vào trường ngoài công lập. Còn với mầm non, hiện mới phổ cập tới 5 tuổi nên trẻ dưới 5 tuổi muốn vào học tại trường mầm non công lập thì phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh: Không giảm áp lực mà còn phát sinh tiêu cực

Tôi cũng nghe nói trong các giải thưởng cuộc thi này, cuộc thi kia có hiện tượng chạy giải. Giải bơi lội dành cho học sinh tiểu học năm 2015 cũng kiện tụng vì thiếu minh bạch. Giải thưởng nếu đúng thực chất thì vẫn có thể tuyển được học sinh có tố chất, nhưng nếu “chạy chọt” thì vô hình trung gây hiện tượng tiêu cực hơn.

Bên cạnh đó, việc học sinh tiểu học không phải luyện thi Toán, tiếng Việt để thi tuyển vào lớp 6 như 2 năm trước đây nay lại chuyển sang luyện thi Toán, tiếng Anh để phục vụ các cuộc thi trên mạng thì cũng không khác gì về bản chất. Như vậy có giảm được căng thẳng cho học sinh tiểu học không?