Tuyến phố Lê Trọng Tấn: Hà Nội không áp đặt màu sắc biển hiệu

ANTĐ - Xung quanh những tấm biển hiệu trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 12-5, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, đại diện các sở ngành và UBND quận Thanh Xuân khẳng định, thành phố không hề ép buộc người dân về màu sắc trên biển hiệu.

Chỉ quy định về kích cỡ 

Những tấm biển hiệu đồng bộ màu xanh - đỏ trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang gây ra cuộc tranh luận. Nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ cho rằng, nên làm như vậy để đảm bảo tuyến phố văn minh đô thị đồng bộ song cũng có ý kiến nói nếu chỉ sử dụng 2 màu đỏ - xanh thì các thương hiệu lẫn hết vào nhau, không có lợi cho việc kinh doanh.

Một số ý kiến chuyên gia về marketing nhìn nhận, ưu thế của việc đồng bộ màu sắc cho biển hiệu sẽ đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy vậy, về phía doanh nghiệp, nếu biển hiệu nào cũng cùng màu sắc thì nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp không còn ý nghĩa, vì thế làm mất đi lợi thế về quảng cáo.

Sáng 12-5, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với biển quảng cáo trên đường, vỉa hè, Sở GTVT quản lý về kích cỡ. Các biển quảng cáo đều phải tuân theo một kích cỡ nhất định. Còn về nội dung trên biển quảng cáo là do Sở Văn hóa - Thể thao quản lý và màu sắc thì tùy doanh nghiệp lựa chọn, thành phố không quy định người dân hay doanh nghiệp buộc phải lựa chọn màu gì trên biển quảng cáo. “Các biển hiệu gắn vào nhà dân thuộc quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là UBND quận Thanh Xuân” – ông Nguyễn Xuân Tân nói.

     Thành phố chỉ quy định về kích cỡ, không quy định về màu sắc của biển hiệu

Đã lấy ý kiến dân và dân đồng tình mới làm

Cũng về vấn đề này, sáng 12-5, bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, về màu sắc trên biển hiệu dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn, UBND quận Thanh Xuân đã giao UBND phường Khương Mai hỏi ý kiến người dân thông qua tổ dân phố. “Thành phố chỉ quy định về kích thước, chúng tôi không hề áp đặt màu sắc trên biển hiệu. Chỉ có biển quảng cáo hiệu quá xấu hoặc cũ nát thì quận mới đề nghị dỡ xuống làm lại biển mới cho đẹp cả tuyến phố. Quận có đưa ra 2 màu sắc (xanh – đỏ) và làm công tác tuyên truyền, vận động để người dân lựa chọn. Người dân đồng tình lựa chọn thì quận mới làm. Bạn thấy thực tế trên tuyến, có đoạn toàn màu đỏ, có đoạn nhiều màu xanh và có đoạn xanh – đỏ sát nhau là do người dân tự chọn” – bà Lê Mai Trang nói.

Trả lời câu hỏi “quận chỉ đưa ra 2 màu (xanh – đỏ) để lấy ý kiến trong khi nhận diện thương hiệu của một số doanh nghiệp lại có màu sắc khác, vậy khi người dân có ý kiến thì quận có điều chỉnh không?”, bà Lê Mai Trang cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin như vậy. Nếu thương hiệu của doanh nghiệp có đặc trưng nhận diện về màu sắc như thế thì quận cũng phải xem xét để cân nhắc, tính toán cho phù hợp”.

Ý kiến của Sở GTVT và UBND quận Thanh Xuân đã làm rõ vấn đề. Ở đây, không hề có chuyện UBND TP Hà Nội áp đặt về màu sắc của các biển hiệu trên tuyến phố Lê Trọng Tấn. Tuy nhiên, việc quận Thanh Xuân đưa có có 2 màu để người dân lựa chọn là hơi ít, không thể bao quát hết được nhận diện thương hiệu của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên tuyến. Để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như không để ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của người dân trên tuyến phố, chúng tôi đồng tình với quan điểm của quận Thanh Xuân là nên cân nhắc, tính toán, đưa thêm màu sắc biển hiệu để người kinh doanh lựa chọn cho phù hợp.