Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Quận Thanh Xuân nói về những ý kiến trái chiều

ANTĐ - Ngày 13-5, xung quanh những ý kiến trái chiều về biển hiệu quảng cáo đồng bộ 2 màu xanh - đỏ trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai quận Thanh Xuân, Hà Nội), phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân.

- Khi chỉnh trang biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân có cung cấp đầy đủ thông tin tới cho người dân không,  thưa bà?

- Khi thực hiện chỉnh trang biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn, UBND quận đã phát tờ rơi tới từng hộ dân để tuyên truyền, vận động về vấn đề này, giúp người dân nắm rõ được các quy định của pháp luật về quảng cáo cũng như kích thước, màu sắc, quy cách biển hiệu mẫu mà quận sắp làm. Theo đó, các biển hiệu cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu theo đúng quy định tại Điều 34 của Luật Quảng cáo nhằm tạo ra sự đồng bộ trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.

Quan điểm của quận Thanh Xuân là tạo điều kiện, ủng hộ tối đa cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh. Thực tế, trên tuyến đường hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn có logo nhận diện thương hiệu vẫn được thể hiện bình thường, được tôn trọng chứ không có chuyện bắt buộc phải thế này, thế kia.

 - UBND quận Thanh Xuân đã tham khảo đơn vị tư vấn như thế nào để chọn ra 2 màu đỏ - xanh và vì sao không phải là 3 hay 5 màu, thưa bà?

- Màu sơn nền biển hiệu do UBND quận Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch Kiến trúc chọn gam 2 màu cơ bản đỏ - xanh. Sơn nhà mặt tiền trên tuyến phố là màu ghi và vàng nhạt; hệ thống cây tạo màu xanh và đèn chiếu sáng LED là ánh sáng trắng, vàng. Thế nên, màu xanh – đỏ được đánh giá là hài hòa với tổng thể tuyến phố như thế. Màu xanh là màu hòa bình, cũng hàm ý nhắc tới Hà Nội là Thành phố vì hòa bình; màu đỏ là màu cờ, màu Tổ quốc. 2 màu này cũng bền màu, phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Hà Nội.

Đa số người dân đồng ý thì quận Thanh Xuân mới chỉnh trang biển hiệu

 - Trong quá trình lấy ý kiến, có người dân không đồng thuận nhưng dường như như ý kiến đó chưa được ghi nhận, thưa bà?

- Trong quá trình thực hiện, ngoài việc phát tờ rơi, quận đã  giao UBND phường Khương Mai lấy ý kiến, giải đáp thắc mắc và tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự đồng thuận. Đây là mô hình mới và nếu bảo phải đạt 100% ý kiến đồng ý mới làm là điều rất khó. Tôi lấy ví dụ, quy chuẩn nói là cứ 8 mét phải trồng 1 cây nhưng vì mặt tiền mỗi nhà dài – ngắn khác nhau nên nếu rập khuôn như thế thì có khi cây trồng giữa cửa nhà dân. Thế nên, với từng trường hợp, quận, phường cũng có phương án xử lý linh hoạt, có bàn bạc với người dân để tạo sự thống nhất. Sở thích mỗi người mỗi khác, người thích màu xanh, người thích đỏ, có người thích màu tím... Do vậy, quá trình làm cũng khó tránh khỏi một vài ý kiến chưa đồng thuận, đó là  thực tế nhưng đa số người dân đồng tình việc này. Nếu không phải như vậy thì quận không thể làm được.

 - Có thông tin quận dùng tiền ngân sách để làm biển hiệu cho dân, bà có thể làm rõ vấn đề này?

- Tôi xin nhấn mạnh là việc chỉnh trang biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn được thực hiện theo phương thức xã hội hóa (nhân dân không phải bỏ tiền). Cụ thể, ở đây, Tập đoàn VinGroup đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng làm 157 biển hiệu trên toàn tuyến. Ở mô hình này, Nhà nước – người dân – doanh nghiệp chung tay chỉnh trang đô thị.

 - Sau khi có những ý kiến phản biện về màu sắc trên biển hiệu, quận rút kinh nghiệm như thế nào và sẽ điều chỉnh lại vấn đề này ra sao?

- Quận luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện với tinh thần cầu thị. Với từng trường hợp hợp cụ thể, người dân hay doanh nghiệp có nhu cầu có thể thông qua tổ dân phố hay UBND phường để nêu ý kiến và cùng với quận bàn bạc để đưa ra phương án phù hợp nhất, tất nhiên vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tôi xin nhắc lại quan điểm của quận Thanh Xuân là tạo điều kiện, ủng hộ tối đa cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh, đóng góp cho quận Thanh Xuân, không chỉ riêng trong lĩnh vực quảng cáo hay biển hiệu mà ở tất cả các lĩnh vực khác.

Tới nay, Văn phòng UBND quận Thanh Xuân chưa nhận được đề xuất, kiến nghị nào từ phía doanh nghiệp trên tuyến phố Lê Trọng Tấn về vấn đề biển hiệu. Chúng tôi khẳng định, chưa gây khó dễ cho bất kỳ doanh nghiệp nào trên tuyến phố Lê Trọng Tấn trong vấn đề đặt biển quảng cáo hay biển hiệu kinh doanh.

 - Giả sử người dân, doanh nghiệp có nhu cầu điều chỉnh biển hiệu thì liên hệ ở đâu, thưa bà?

- UBND quận đã giao cho Phòng Văn hóa Thông tin là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND phường Khương Mai hướng dẫn về thủ tục, trình tự đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu theo đúng Luật Quảng cáo, đảm bảo thuận lợi, thông thoáng, nhanh chóng đối với từng trường hợp cụ thể.   

Điều 34 Luật Quảng cáo: Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh

1. Biển hiệu phải có các nội dung sau:

a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Địa chỉ, điện thoại.

2. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này.

3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 mét (m), chiều cao tối đa là 4 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.