Tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi hơn 81.000 tỷ đồng sẽ được chuyển giao về Hà Nội làm chủ đầu tư?

ANTD.VN - Do gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chuyển dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi sang UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. 

Nhùng nhằng tổng mức đầu tư

Bộ GTVT cho biết, hiện Tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật  thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu  của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu Tổ hợp Ngọc Hồi (HURC1-101). Bộ GTVT đang chờ báo cáo tổng thể dự án với Quốc hội để thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương và giao Bộ GTVT quyết định đầu tư để triển khai thực hiện từ năm 2004.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những khó khăn vướng mắc dẫn đến phải điều chỉnh Dự án và phân chia thành các giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động vốn.

Phối cảnh tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội Yên Viên- Ngọc Hồi

Được sự chấp huận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt phân kỳ điều chỉnh dự án giai đoạn I và đang triển khai thủ tục nghiên cứu điều chỉnh dự án giai đoạn IIA.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có ý kiến chưa đồng thuận về thẩm quyền điều chỉnh và đề nghị phải báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội.

Với việc thay đổi về phạm vi, mục tiêu, nội dung và tổng mức đầu tư dự án nên Bộ Tài chính đề nghị việc điều chỉnh dự án phải thực hiện theo Nghị định số 131/2015/NĐ-CP, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến và yêu cầu cần làm rõ về cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh dự án.

Bộ Xây dựng có đề nghị cần hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi đảm bảo điều kiện báo cáo Quốc hội về tổng thể tình hình thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

Do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để thực hiện công tác GPMB Khu tổ hợp Ngọc Hồi (từ năm 2009 đến 2017 dự án mới được bố trí 388 tỷ đồng, kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 được giao 512 tỷ đồng và mới được bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng) nên khả năng hoàn thành GPMB đáp ứng tiến độ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2024 là khó đạt được.

Bộ GTVT nhận định, với khối lượng mặt bằng đã được GPMB tương đối lớn, trong khi đó tiến độ thực hiện GPMB phần còn lại chậm sẽ khó khăn trong công tác quản lý chống tái lấn chiếm của địa phương.

Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ Tài chính, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư nên việc bố trí vốn đối ứng cho công tác GPMB là không có căn cứ.

Chờ Quốc hội quyết định số phận Dự án

Để xử lý các  vướng mắc, khó khăn của dự án này, trước đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục thực hiện Dự án giai đoạn I nhằm phục vụ trước mắt cho việc di dời cơ sở hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội và ga Giáp Bát hiện có ra Ngọc Hồi, đáp ứng yêu cầu là khu đầu mối phía Nam Hà Nội của đường sắt quốc gia và là tiền đề phát triển đường sắt đô thị sau này.

Đồng thời, sẽ nghiên cứu điều chỉnh dự án giai đoạn IIA và các đoạn còn lại để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo.

Tuy nhiên, đến nay còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án (nếu cần thiết) tương tự như dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận báo cáo Quốc hội, cho phép Bộ GTVT tạm thời điều chỉnh kế hoạch vốn đối ứng năm 2019 (phần còn lại chưa giải ngân) để thực hiện công tác GPMB của dự án giai đoạn I (Khu tổ hợp Ngọc Hồi) cho các dự án khác của ngành GTVT nhằm đảm bảo kế hoạch giải ngân trong thời gian chờ Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ  giao Bộ GTVT tiếp tục là cơ quan chủ quản đầu tư đối với các hạng mục công trình đường sắt quốc gia thuộc giai đoạn I (Khu Tổ hợp Ngọc Hồi) nhằm hoàn trả chức năng của ga Hà Nội, ga Giáp Bát và một số khu chức năng cho các tuyến đường sắt quốc gia trong tương lai.

Đối với các hạng mục còn lại thuộc Khu Tổ hợp Ngọc Hồi (các khu chức năng, công trình liên quan đến đường sắt đô thị) và đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến Yên Viên, sẽ chuyển giao nhiệm vụ chủ quản đầu tư cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận để tiếp tục triển khai đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ (về tiêu chuẩn, công nghệ áp dụng…) của dự án cũng như đồng bộ với các dự án khác đang triển khai, tạo thuận lợi trong việc điều hành, kết nối với hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn.

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, Dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Hiện tại, tuyến metro số 1 gồm các dự án thành phần: Giai đoạn I điều chỉnh; Giai đoạn IIA điều chỉnh và Giai đoạn IIB. Tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỷ đồng.