Tuyên chiến với tin tặc

ANTĐ -  Cảm thấy khó có thể đơn thương độc mã trong cuộc chiến nhằm bảo đảm an ninh mạng, Chính phủ Mỹ đã phải bắt tay với giới công nghiệp nước này để chống lại botnet, những máy tính bị tin tặc kiểm soát.

Máy tính của người dùng có thể bị tin tặc bắt cóc mà không hay biết

Theo sáng kiến mới giữa Nhà Trắng và các tập đoàn công nghiệp lớn của Mỹ công bố ngày 30-5, chính phủ và các tập đoàn hàng đầu nước này sẽ bắt tay nhau cùng chống “hiểm hoạ chung” - tin tặc, tấn công mạng... - nhằm bảo đảm an ninh mạng. Các cơ quan Chính phủ Mỹ như Bộ An ninh Nội địa, Bộ Quốc phòng... sẽ hợp tác cùng Tập đoàn Công nghiệp Botnet - một nhóm gồm 9 hiệp hội thương mại và các tổ chức phi lợi nhuận - và nhiều tập đoàn khác tuyên chiến với cái gọi là “botnet”, tức là những máy tính, mạng máy tính mà tin tặc kiểm soát thông qua việc lan truyền virus.

Điều phối viên an ninh mạng của Nhà Trắng Howard Schmidt cho rằng, vấn đề botnet hiện đã lớn hơn mọi nền công nghiệp hay quốc gia và đó là lý do tại sao chính phủ Mỹ muốn có quan hệ đối tác với các doanh nghiệp. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Liên minh Phần mềm doanh nghiệp Mỹ Robert Holleyman nhấn mạnh, cần phải hành động vì một nghiên cứu cho thấy gần 5 triệu máy tính trên toàn thế giới đã “gia nhập các botnet một cách bí mật”. 

Sáng kiến hợp tác giữa chính phủ và các tập đoàn Mỹ ra đời khi mà an ninh mạng đã trở thành mối nguy cơ nghiêm trọng, thậm chí có thể đe doạ tới an ninh quốc gia, với cường quốc hùng mạnh này cũng như cả thế giới. Trong đó, vấn đề các hệ thống gồm nhiều máy tính bị nhiễm virus, hay còn gọi là botnet, hiện đang là vấn đề nhức nhối bậc nhất với Mỹ và nhiều quốc gia. 

Khi máy tính bị tin tặc “bắt cóc”, khống chế, nó có thể được sử dụng để tự động gửi các quảng cáo bất hợp pháp, phát tán thư rác, mã độc hoặc tiến hành các cuộc tấn công trá hình, đánh cắp dữ liệu, lừa đảo trực tuyến... và đáng sợ hơn là các cuộc tấn công mạng nguy hiểm.

Trong khi ông Schmidt thừa nhận hiện cứ 10 máy tính ở Mỹ thì có 1 máy tính đã bị tin tặc bí mật “bắt cóc” thì các quan chức Mỹ vừa tiết lộ đã phát hiện và ngăn chặn một kế hoạch tấn công mạng có thể gây rối loạn hoặc tê liệt hệ thống điều khiển đường ống dẫn khí gas của nước này. Trước đó, mạng lưới điện quốc gia của Mỹ cũng từng là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng mà nếu thành công có thể làm cắt điện toàn nước Mỹ.

Đó là chưa kể việc các cơ quan chính phủ, những cơ sở nghiên cứu, sản xuất quan trọng của Mỹ như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), hãng Lockheed Martin chế tạo máy bay tàng hình F-35 hiện đại... đều đã bị tấn công, lấy cắp các thông tin tuyệt mật. Khó có thể biết được thiệt hại cũng như tổn thất với nước Mỹ nếu tin tặc, đặc biệt nếu tin tặc là những kẻ khủng bố, có thể làm tê liệt hay chiếm quyền kiểm soát hệ thống máy tính của một cơ quan như NASA hay các trung tâm điều khiển vũ khí quan trọng.

Trước hiểm hoạ trên, chính phủ và các tập đoàn của Mỹ đã hợp tác, thống nhất một loạt nguyên tắc nhằm chống lại mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng gia tăng do các botnet gây ra. Trong đó có việc phát hiện và thông báo ngay cho người sử dụng máy tính bị nhiễm virus, tư vấn, giúp đỡ miễn phí cho khách hàng cách khắc phục virus...