Tuyên chiến với cướp biển

ANTĐ - Trong nỗ lực đối phó với nạn cướp, ăn cắp dầu và buôn lậu trên biển tại khu vực biển Tây và Trung Phi, đặc biệt là tại Vịnh Guinea, cuộc diễn tập hải quân mang tên “Obangame Express 2012” đã được tiến hành tại Calabar, Nigeria.

Phát biểu trước báo giới tại Calabar, người đứng đầu Lực lượng hải quân   Nigeria O. Ibrahim cho biết, tàu chiến của hải quân 11 nước tham gia diễn tập gồm Mỹ, Bỉ, Tây Ban Nha, Nigeria, Cameroon, Gabon, Ghana, Cộng hòa Congo, Benin, Sao Tome và Principe cùng Togo đã có mặt tại căn cứ của Sở chỉ huy hải quân miền đông Nigeria để chuẩn bị tham gia cuộc diễn tập kéo dài một tuần. Mục tiêu của cuộc diễn tập nhằm tăng cường hợp tác chống các hoạt động tội phạm trên biển, chia sẻ thông tin, phối hợp tác chiến, nâng cao kỹ năng và tinh giản các thủ tục đối phó với các thách thức về an ninh hàng hải.

Nạn cướp biển đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. Tạp chí chính trị châu Phi dẫn nguồn tin từ Văn phòng hàng hải quốc tế cho biết, trong vòng 20 năm trở lại đây trung bình mỗi năm xảy ra gần 4.000 vụ cướp biển. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 142 vụ tấn công của cướp biển Somalia, chủ yếu ở Ấn Độ Dương. Cướp biển đã trở thành mối đe dọa không chỉ với ngành hàng hải mà đối với cả nền kinh tế thế giới, đến mức ông J. Lang, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về các vấn đề pháp lý liên quan đến hải tặc, đã gọi đối tượng này là “ngành công nghiệp cướp biển”.

Nạn cướp biển ảnh hưởng đến kinh tế vì hàng hải là con đường huyết mạch của thương mại thế giới, đặc biệt là trong chuyên chở dầu mỏ. Trung bình mỗi năm có 16.000 lượt tàu đi lại trên biển, chuyên chở 80% tổng lượng hàng hóa của thế giới. Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), mỗi năm kinh tế thế giới, đặc biệt là ngành công nghiệp vận tải biển, bị thiệt hại hơn 10 tỷ USD do cướp biển gây ra. Trong năm 2011, cộng đồng quốc tế đã phải chi khoảng 7 tỉ USD để chống nạn hải tặc, song các vụ tấn công tàu thuyền và bắt cóc con tin đòi tiền chuộc vẫn tiếp tục gia tăng.

Trước đây, mục tiêu chủ yếu của bọn cướp biển là của cải trên những con tàu. Nay chúng không chỉ nhắm đến lượng hàng hóa trên tàu mà cả những khoản tiền chuộc khổng lồ mà các chủ tàu phải trả để đổi lấy tự do cho thủy thủ đoàn và con tàu. Nhiều chủ tàu đã phải bỏ tuyến đường hàng hải truyền thống đi vòng qua châu Phi. Tuy nhiên, vì phải đi vòng rất xa, chi phí cho quá cảnh cũng tăng lên. Thêm vào đó, nguy cơ tàu bị cướp biển tấn công ngày càng tăng nên phí bảo hiểm cho tàu cũng tăng. Chẳng hạn khi đi qua Vịnh Aden, vốn bị xem như “vùng chiến sự”, phí bảo hiểm phải tăng gấp 10 lần.

Cuộc diễn tập hải quân “Obangame Express 2012 trên Vịnh Guinea, một trong những khu vực dầu lửa có trữ lượng hứa hẹn nhất thế giới, chính là biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn nạn cướp biển trên vùng biển châu Phi, châu lục hiện chiếm 10% trữ lượng dầu mỏ toàn thế giới và còn nhiều tiềm năng về "vàng đen" chưa bộc