"Tuyên chiến" với cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những cuộc gọi từ số máy lạ, giới thiệu, chào mời người dùng sử dụng dịch vụ: bảo hiểm, ngân hàng, mua nhà đất, chăm sóc sắc đẹp… liệu có còn khi các nhà mạng áp dụng biện pháp kỹ thuật để chặn lại? Từ ngày 1-7, nhà mạng bắt đầu chặn các cuộc này, song hiệu quả ra sao vẫn là dấu hỏi lớn.

"Tuyên chiến" với cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng ảnh 1

Thuê bao thực hiện cuộc gọi rác sẽ bị cắt liên lạc

Mất ngủ, phiền hà bởi “cuộc gọi rác”

Là một khách hàng lâu năm của VinaPhone, anh Nguyễn Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) rất  bức xúc vì liên tục nhận được các “cuộc gọi rác”. “Số lượng cuộc gọi mời chào tôi mua bất động sản, bảo hiểm là nhiều nhất. Có hôm tôi đang ngủ trưa thì bất ngờ có cuộc gọi từ số lạ, nghe máy mới biết họ chào mời dịch vụ, thế là mất giấc ngủ. Họ còn biết rõ tôi tên gì và một số thông tin khác” - anh Nguyễn Chính kể.

Trong khi đó, một khách hàng của MobiFone là chị Thanh Hà (Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay: “Tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi mời chào đi hội thảo du lịch, nghỉ dưỡng hoặc từ các trung tâm tiếng Anh. Không hiểu sao họ có số máy của tôi? Cứ bấm nhận cuộc gọi là đầu dây bên kia nói “tràng giang đại hải” vài phút. Có lúc tôi quá bận nên thông báo với đầu dây bên kia rồi cúp máy, mà họ vẫn “kiên trì” hỏi khi nào rảnh để gọi lại. Dù tôi không trả lời bao giờ rảnh, nhưng đúng đơn vị cung ứng dịch vụ đó sau một thời gian gọi lại, rất phiền phức”.

Cuộc gọi rác lâu nay luôn làm người dùng điện thoại khó chịu, cảm thấy bị quấy nhiễu bởi các nhà cung cấp dịch vụ luôn “thao thao bất tuyệt” về dịch vụ mà đa số người nghe không quan tâm. “Thời buổi này, có rất nhiều cách để tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ cần thiết. Nếu tôi có nhu cầu, tôi có thể lên mạng Internet, sau đó gọi theo số đường dây nóng… thay vì tôi bị động nghe một cuộc gọi “giời ơi đất hỡi”, tốn thời gian” - chị Thanh Hà phản ánh.

Cùng với SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác là “rác viễn thông” cần được ngăn chặn. Trước đây, tin nhắn rác từng có một thời điểm gây quá nhiều phiền phức cho người sử dụng điện thoại di động. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), các nhà mạng đã phải tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác. Sau khi tin nhắn rác giảm thì cuộc gọi rác lại gia tăng. 

Theo một chuyên gia về marketing, tiếp thị qua điện thoại vốn là một kênh khá hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không những chưa khai thác được lợi thế của kênh tiếp thị này mà còn khiến nó bộc lộ quá nhiều mặt trái, phản cảm. Do đó, ở một phương diện nhất định, những cuộc gọi kiểu này cũng cần phải hạn chế.

Tiêu chí để xác định cuộc gọi rác

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) vừa có Công văn số 2568/CVT-TNTK ngày 29-6 về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, nhằm ngăn chặn triệt để hơn tình trạng cuộc gọi quấy rối (cuộc gọi rác) gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Để phân biệt cuộc gọi rác và cuộc gọi thông thường, Cục Viễn thông cùng các doanh nghiệp đã thống nhất đưa ra 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng.

Các tiêu chí này được sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (big data) và máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng đưa ra 4 bước để nhà mạng ngăn chặn các cuộc gọi này. Theo đó, nhà mạng sẽ thu nhập ý kiến phản hồi của khách hàng đã nhận cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác với những cuộc gọi thuộc diện nghi ngờ. Việc thu nhập ý kiến này sẽ được thực hiện qua tin nhắn và khách hàng có thể trả lời bằng cách nhấn nút có hoặc không.

Các thuê bao phát tán cuộc gọi rác sẽ bị chặn chiều gọi đi nếu số lượng phản hồi (theo quy định) càng nhiều càng tốt từ khách hàng. Cục Viễn thông cũng giao nhà mạng phải có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn các hành vi quấy rối này. Trường hợp doanh nghiệp viễn thông không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết, từ ngày 1-7, MobiFone đã là nhà mạng đầu tiên thực hiện chặn cuộc gọi rác. Theo đó, MobiFone đã hoàn thiện xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc rác sử dụng công nghệ Dữ liệu lớn (big data), Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (machine learning). Nhằm phân tích xác định tập thuê bao nghi ngờ. Hệ thống này cũng sẽ thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ phía khách hàng MobiFone để tiến hành xác định các thuê bao là cuộc gọi rác, đưa ra các ngưỡng phù hợp để thực hiện chặn các thuê bao phát tán cuộc gọi rác. 

Theo thông tin từ Viettel, việc thực hiện chặn cuộc gọi rác sẽ được nhà mạng triển khai trong tháng 7 này. Đại diện VinaPhone cũng thông tin, đến thời điểm hiện tại, VNPT đã xây dựng hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật có thể giúp xác định chính xác tập thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác thông qua ứng dụng AI qua phân tích cước và kết hợp  phản ánh của khách hàng; Thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng bị gọi để khẳng định thuê bao có phát tán cuộc gọi rác hay không.

Và theo kế hoạch của Cục Viễn thông, 6 công ty cổ phần: Viễn thông di động Vietnamobile, Viễn thông Đông Dương, Viễn thông Hà Nội, Hạ tầng CMC, Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Viễn thông FPT triển khai trước ngày 1-10-2020. Mốc thời điểm thực hiện chặn cuộc gọi rác với từng nhà mạng được đưa ra khá cụ thể, cho thấy cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã “tuyên chiến” với cuộc gọi rác, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này vẫn cần thời gian mới chứng minh được.

Khó chặn ngay cuộc gọi rác

Theo thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông, chỉ trong 1 tháng (tháng 3-2020), hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác đang triển khai thí điểm tại Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác từ hơn 26,7 nghìn số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, giống như với tin nhắn rác, chặn triệt để cuộc gọi rác là thách thức.

“Trước đây, tin nhắn rác từ số máy lạ (chủ yếu từ thuê bao 11 số) gửi đến người dùng điện thoại giảm bớt thì tin nhắn quảng cáo kiểu khác lại phát sinh, trong đó có nhiều tin nhắn giới thiệu dịch vụ của chính nhà mạng. Mặt khác, một trong những căn cứ để chặn thuê bao phát tán tin nhắn rác trước đây là tin nhắn đó không đúng cú pháp quy định của Bộ TT-TT, đầu tin nhắn phải có chữ “QC”; đồng thời, tin nhắn phải cho người nhận đồng ý hoặc từ chối nhận tin quảng cáo, cho thấy dù áp dụng biện pháp kỹ thuật song nhà mạng cũng cần sự phối hợp rất lớn từ người dùng”- vị chuyên gia nói. 

Theo vị chuyên gia này, việc chặn cuộc gọi rác cũng đang được tiến hành theo cách này khi nhà mạng “chờ” sự phản ánh, hợp tác từ phía khách hàng. “Chưa có thống kê chính thức nào về việc bao nhiêu người nhận tin nhắn rác trước đây gửi tin nhắn phản hồi đồng ý hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo nên với cuộc gọi rác, không biết tỷ lệ người dùng phản hồi lại nhà mạng để chặn cuộc gọi rác như thế nào, hay đa số người dùng bỏ qua? Hiệu quả của biện pháp này rõ ràng rất khó nói”- vị chuyên gia phân tích. 

Mặt khác, theo đại diện VNPT, bên cạnh việc tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng đang phải suy nghĩ về một số vấn đề như: cần hoàn thiện về mặt quy định quản lý Nhà nước như việc xử lý thế nào với các khách hàng là chủ thuê bao phát tán cuộc gọi rác; Có mở trở lại cho các thuê bao có cam kết không phát tán cuộc gọi rác; Xử phạt ra sao các thuê bao tái phạm lần 2… 

Tuy vậy, thể hiện rõ thái độ “tuyên chiến” với cuộc gọi rác, Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các doanh nghiệp viễn thông để đánh giá hiệu quả ngăn chặn cuộc gọi rác của từng doanh nghiệp để người sử dụng có thêm thông tin hữu ích giúp lựa chọn nhà mạng có chất lượng cung cấp dịch vụ tốt nhất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng tốt nhất. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông nếu không ngăn chặn hiệu quả cuộc gọi rác cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm những cuộc gọi quấy nhiễu như trên. 

Cục Viễn thông sẽ công bố định kỳ kết quả ngăn chặn cuộc gọi rác của các doanh nghiệp viễn thông để đánh giá hiệu quả ngăn chặn cuộc gọi rác của từng doanh nghiệp để người sử dụng có thêm thông tin hữu ích giúp lựa chọn nhà mạng có chất lượng cung cấp dịch vụ tốt nhất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng tốt nhất. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông nếu không ngăn chặn hiệu quả cuộc gọi rác cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm những cuộc gọi quấy nhiễu như trên.