Tùy thuộc vào tầm nhìn

ANTĐ - Trong kỳ họp tháng 10 này Quốc hội sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Để đảm bảo việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bền vững, lâu dài, bộ luật quan trọng này sẽ xây dựng định hướng, tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất đai; quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, nổi cộm nhất trong thời gian qua là bất cập trong thu hồi đất.

Tại cuộc hội thảo “Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn”, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường nhận định, với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa, quỹ đất của nước ta bị khai thác quá mức cho các mục đích phi nông nghiệp. Do kinh tế phát triển nóng cộng với đầu tư dàn trải, thu hút đầu tư bằng mọi giá của các ngành, địa phương đã gây ra những hệ lụy về kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực thu hồi đất, hạn chế lớn nhất của Luật Đất đai năm 2003 thiên về việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư, xem nhẹ lợi ích của người dân. Hơn thế, giá đất để tính tiền bồi thường thiệt hại vẫn nặng về áp đặt, khiến người dân phản ứng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong đó có Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Đại học Luật, một khi đã coi đất đai là hàng hóa, thừa nhận sự tồn tại của thị trường thì việc thu hồi đất cũng cần phải thay thế bằng công cụ cơ chế thị trường. Thị trường hóa, tức là giảm bớt việc lạm dụng quyền lực Nhà nước. Chẳng hạn, về vấn đề thu hồi đất có thể thay thế bằng trưng mua quyền sử dụng đất hoặc để cho chủ đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển quyền theo cơ chế thị trường. Ngay cả những dự án quan trọng, quy mô sử dụng đất lớn, khó có thể tạo sự đồng thuận, thì Nhà nước mới nên thu hồi. Tuy vậy, việc bồi thường cũng phải theo thời giá thị trường. Thực tế cho thấy, chính sự chênh lệch quá lớn khi áp dụng loại giá đất khác nhau, tính tiền sử dụng đất, tiền bồi thường thu hồi đất theo giá Nhà nước quy định, đã khiến cho thị trường quyền sử dụng đất rối loạn. Vẫn theo ý kiến của chuyên gia, Nhà nước vẫn phải thu hồi trong trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, hết hạn sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang phí. 

Luật Đất đai năm 1993 ổn định được đến năm 2003; Luật Đất đai năm 2003 “sống” được đến năm 2013. Năm nay lại sửa đổi luật, liệu 10 năm sau có tái diễn chu kỳ này không? Rõ ràng, sức sống của bộ luật quan trọng này tùy thuộc vào tầm nhìn xa hàng chục năm trong lĩnh vực đất đai.