Tương tác người với máy tính bằng chip silicon cấy trong não

ANTĐ - Gần đây, một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Hàn Quốc đã nghiên cứu và phát triển thành công con chip có thể cấy ghép vào bộ não, sau đó chúng có thể tự hòa tan. 

Tương tác người với máy tính bằng chip silicon cấy trong não  ảnh 1Chip silicon có thể cấy ghép và hòa tan trong não

Chip có thể hòa tan trong não

Không ít người lo ngại rằng, chương trình nghiên cứu này nằm trong những dự án bí mật của tổ chức hay chính phủ nước nào đó nhằm mục đích do thám các hoạt động của đối phương. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Illinois (Mỹ), nơi nghiên cứu và phát triển con chip silicon này khẳng định nó chỉ phục vụ cho mục đích từ thiện, y tế. Nó có thể giúp các bác sĩ dễ dàng theo dõi tình trạng bệnh tật của bệnh nhân, đặc biệt là những người vừa trải qua đại phẫu hoặc bị tổn thương ở vùng não. 

Với kích thước nhỏ hơn hạt gạo, rất mỏng và được làm từ vật liệu silicon sinh học có khả năng tự phân hủy, sau khi được cấy vào não bộ, con chip này có nhiệm vụ ghi nhận những thông tin về nhiệt độ, áp lực dưới hộp sọ và tình trạng bề mặt của bộ não. Cũng trong thời gian này, con chip bắt đầu hòa tan cùng dịch não tủy cho tới khi nó hoàn thành nhiệm vụ của mình và nguyên tử silicon sẽ được hòa tan và hấp thụ vào cơ thể của chúng ta mà không cần phải tiến hành phẫu thuật để lấy con chip ra khỏi cơ thể.

Hiện các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois đang chuẩn bị tiến hành cấy ghép con chip này trên não của chuột rồi so sánh nó với những bộ máy giám sát hiện đại, cồng kềnh và nhiều khi yêu cầu phải truy cập kết nối với internet. Trong tương lai, họ hy vọng rằng, những thiết bị giám sát nhỏ gọn, tiện lợi này sẽ được sử dụng nhiều bởi nó không gây ảnh hưởng tới não bộ, hoặc thậm chí có thể cấy sâu hơn nữa vào não để có thể theo dõi các sóng điện hay các bộ phận, cơ quan khác trong cơ thể con người.

Não người và máy tính giao tiếp với nhau bằng con chip

Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang lên kế hoạch khởi động dự án “Thiết kế hệ thống kiến trúc thần kinh” (NESD) để chế tạo một con chip có thể cho phép não người giao tiếp trực tiếp với máy tính.

Theo đó, “dự án mới được triển khai nhằm mục đích phát triển một giao diện thần kinh có thể cấy ghép vào trong bộ não có khả năng cung cấp tín hiệu phân giải và băng thông cao nhằm truyền trực tiếp dữ liệu tốt nhất từ người và máy tính. Hay nói cách khác, nó có thể “phiên dịch”, chuyển đổi ngôn ngữ, tín hiệu điện hóa sử dụng bởi các tế bào thần kinh thành tín hiệu mã nhị phân của kỹ thuật số”, DARPA cho biết.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đa số những thiết bị kết nối giao tiếp mạng hiện nay không đủ tốc độ để chuyển đổi các tín hiệu thần kinh từ não người. Tuy nhiên, những thách thức đó không khuất phục các nhà khoa học của DARPA vì họ cho rằng, trước mắt dự án có thể mở đường cho những phương pháp điều trị mới đối với các chứng bệnh về rối loạn thần kinh, hay phát triển các thiết bị hỗ trợ người khuyết tật khiếm thính và khiếm thị, bởi thông tin kỹ thuật số về thính giác sẽ được truyền tới não bộ với độ phân giải cao.

Hiện tại, khó khăn đối với các nhà nghiên cứu là giao diện thần kinh như vậy mới chỉ đáp ứng được việc ghi nhận hàng triệu thông tin từ mạng lưới thần kinh trong não bộ. Điều này có thể cho kết quả không chính xác, do đó các nhà khoa học DARPA muốn thực hiện cấy ghép nó để giao tiếp với các tế bào thần kinh trong khu vực nhất định của  não với khả năng xử lý thông tin nhanh và chính xác hơn.

Bên cạnh đó là việc phát triển phần cứng và thiết bị xử lý khối lượng dữ liệu, thông tin có thể được ghi nhận thông qua việc cấy ghép chip trong não người kết nối, giao tiếp với máy tính. Tuy nhiên, các nhà khoa học quyết tâm phát triển thành công bởi nó là một trong những sáng kiến của Tổng thống Barack Obama đưa ra nhằm tìm ra những phương pháp mới trong điều trị và phòng ngừa bệnh rối loạn và chấn thương não.