Tưởng nhớ R. Tagore: “Gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời”

ANTĐ - Bạn đọc ơi, Bạn là ai, mà sẽ đọc thơ tôi một trăm năm sau nữa? Không chỉ khiêm tốn như tiên liệu trên đây của thơ ông,  nhân loại sẽ còn đọc thơ Tagore không phải chỉ một trăm năm, mà hàng trăm, thậm chí có thể cả nghìn năm nữa. Người không chỉ là thiên tài thi ca, mà  còn là một thiên tài âm nhạc từng viết hàng nghìn bản nhạc và là nhà thơ duy nhất thế gian làm quốc ca cho hai nước, bản Jana Gana Mana được làm quốc ca của Ấn độ và bản Amar Shona Bangla cho Bangladesh, hơn thế, người còn là một tài năng hội họa và trên tất cả, với lý tưởng cao đẹp, người là một vị thánh của tình yêu và lòng nhân ái… Kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất Rabindranath Tagore, nhân loại nhắc nhớ đến một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX…

Cuộc đời thực đáng thương yêu

Đó là câu thơ của Tagore. Vâng. Chính vì cuộc đời thực đáng yêu như vậy mà trong đời mình Tagore đã dành để ngợi ca tình yêu, không chỉ tình yêu đôi lứa, không chỉ tình yêu vạn vật mà đó là tình yêu bao la với cuộc sống vốn hữu hạn của đời người… Quan niệm của Tagore về tình yêu là những hoan lạc nhưng không dung tục, mà là tình cảm lành mạnh của tự thức:

"Nếu đời anh là một viên ngọc quý./ Anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh/ Xâu thành một chuỗi và quàng lên cổ em..../ Nhưng em ơi, đời anh lại là một trái tim/ Nào ai biết được chiều sâu và những bến bờ của nó/ Em là nữ hoàng của vương quốc đó/ Vậy mà em có biết gì về biên giới của nó đâu" 

Tuổi thơ tôi bị những câu thơ lặng lẽ và da diết của Tagore mê hoặc khi buổi đầu biết mơ hồ yêu, mơ hồ nghĩ đến xa xôi những chân trời chữ nghĩa. Chỉ với thơ thôi, Tagore đã vĩ đại rồi. Thơ Tagore đầy ắp tình yêu thương và niềm tin vào cuộc đời dẫu cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp. Cuộc sống như nó vốn có, nhưng tình yêu cuộc sống không phải ai cũng có được một cách đằm thắm, đầy lạc quan như Tagore. 

Bằng cặp mắt say sưa
tôi đã từ cửa sổ lòng tôi
nhìn chăm chú vào lòng cuộc sống
Và cảm thấy rằng
Với tất cả điều hay điều dở
Cuộc đời thực đáng thương yêu. 

Thơ Tagore, làm ta  luôn có cảm giác ông thật gần gũi, thân thiện. Ông là người dường như trong tim luôn có một niềm khao khát được sẻ chia gần gũi. Người thèm một bàn tay nắm lấy bàn tay, một ánh mắt cảm thông trìu mến. 

Bạn ơi! Đừng chôn chặt trong tim những nỗi niềm thầm kín/ Hãy kể tôi nghe, chỉ riêng tôi, kể trong bí mật..../..tôi sẽ nghe lời bạn kể bằng tim chứ không phải bằng tai..../Hãy kể tôi nghe qua nước mắt ngập ngừng/ qua đau thương thấm lịm, qua tủi hổ lặng trầm những nỗi niềm thầm kín trong tim!

Hình ảnh nhà thơ in đậm trong tâm trí tôi như một pho tượng chân dung đẹp. Đó là ấn tượng về ông với vóc dáng cao lớn, với đôi mắt to và sáng lạ kỳ, bộ râu dài và mái tóc dài trắng muốt... Chàng Hoàng tử Blamon ngày nào, khi về già đẹp như một vị Thánh, cả hình hài và đức tin…Ông là một nhà hiền triết phương Đông, khi sự trầm tĩnh ấy chứa chất cả nỗi niềm xuất thế, hiểu nỗi phù du cuộc đời lại như mang khát khao trần thế, muốn thụ hưởng sắc hương mà Thượng đế ban tặng, và nếm trải cả hạnh phúc lẫn khổ đau. 

Tình yêu ơi, trái tim anh ngày đêm mong gặp em
Bởi cuộc hẹn hò chính là cái chết
Nó sẽ cuốn phăng anh như một trận bão, lấy đi tất cả mọi thứ của anh
Đập vỡ giấc ngủ anh, cướp đoạt giấc mơ anh.
Lấy đi của anh thế giới.
Trong nỗi tuyệt vọng đó, trong tinh thần trần trụi vô cùng
Chúng ta hãy trở thành một, trong cái Đẹp vô ngần.

Trong thế giới thơ ông, có cảm giác như ta đang lạc vào khu rừng thần bí của âm thanh và sắc hương lạ lùng. Nhưng khi tĩnh tâm lại, ta sẽ thấy ở đấy tất cả sự thân thuộc, những sắc hương quen thuộc và cất lên từ sâu thẳm những lời ca yêu đời khiến lòng ta xúc động…

Nếu em muốn
Anh sẽ ngừng bài hát của anh
Nếu điều đó khiến trái tim em rộn nhịp
Đôi mắt anh sẽ tránh nhìn mặt em
Nếu điều đó khiến bước chân em thảng thốt
Anh sẽ đứng sang bên, chọn đường khác cho mình.

Tagore là một nhà thơ tình nổi tiếng của thế giới. Bản chất hào hoa và tính cách nghệ sĩ với tâm hồn đa cảm của Tagore khiến nhiều cô gái không chỉ ở Ấn Độ yêu mến. Những cuộc gặp gỡ với thi sĩ - nghệ sĩ Tagore đều để lại trong lòng họ những tình cảm tươi đẹp. Năm 24 tuổi, theo quyết định của cha, ông đã lấy vợ là một cô gái 10 tuổi cùng đẳng cấp với ông. Mối tình ấy về sau càng nồng thắm để ông viết những vần thơ tặng nàng.

“Em ơi thi sĩ của em định tặng em một bản trường ca. Nhưng than ôi, anh đã vô tình để bản trường ca đó đụng phải mắt cá chân em và tai hại nó đã tan thành mảnh thơ rơi dưới chân em”. 

Khi người vợ thân yêu bé nhỏ qua đời, ông đã viết những vần thơ sầu muộn, nhớ thương…Tagore là người tình tuyệt vời nhất bởi chàng thi sĩ - nghệ sĩ bậc thầy ấy  luôn có một tình yêu đằm thắm, và chàng đã viết nên những áng thơ tình tuyệt vời ngợi ca tình yêu.

 Năm Tagore 63 tuổi, có một mối tình khác, thật sâu đậm dù ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng đặc biệt trong tim ông. Đó là một nữ văn sĩ người Arghentina, người đã đọc tập Thơ Dâng của ông và thần tượng nhà thơ xứ Bengali cho đến khi họ gặp nhau nhân chuyến Tagore đi châu mỹ Latinh. Và trong cái buồn bị ốm đau có niềm vui gặp gỡ với người đàn bà dòng dõi quý tộc đã đem lòng yêu say đắm thi nhân… Victoria Ocampo, 34 tuổi vừa góa chồng, xuất hiện  bất ngờ trong đời ông. Mệnh phụ ấy đã đón tiếp ông nồng hậu và để có tiền thuê một tòa villa làm nơi  ông nghỉ ngơi dưỡng bệnh, bà thậm chí đã bán đi chiếc mũ nạm kim cương của mình... Đó là mối quan hệ lạ thường vừa thuần khiết của một tình yêu thần tượng lại vừa có tính lãng mạn… Cuối cùng, sau một thời gian ngắn, vì nghĩa vụ với Tổ quốc, ông từ biệt nàng để về nước và họ bắt đầu sống cho nhau trong mộng tưởng. “Thật khó cho em để tưởng tượng được sự cô đơn khủng khiếp tôi đang phải gánh chịu”… 

Lời nàng ta chẳng hiểu /Chỉ hiểu đôi mắt nàng/Đôi mắt buồn rười rượi /Ẩn hiện trong giấc mơ.

Đó là những câu thơ ông viết tặng người yêu xa xôi trước khi từ biệt thế giới vào năm 1941… 

Và một vị thánh mang tâm Phật        

Sinh năm 1861 tại Calcutta, trong một gia đình đại quý tộc, Tagore có nghĩa là Thiên thần mặt trời, ông được nhân loại xếp hàng đầu những nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX vừa đi qua. Khi đã đủ trải nghiệm, Người đã viết nên một tuyệt tác mà khi vừa xuất bản đã chiếm trọn cảm tình của dư luận Âu châu và sau đó, vào năm 1913 Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao nhà thơ giải Nobel văn chương. Đó là tập Thơ dâng. Từ đất Mỹ, không về nhận giải thưởng danh giá, Tagore chỉ viết một bức thư cảm ơn: “Tôi xin chuyển tới Viện Hàn lâm Thụy Điển sự cảm kích biết ơn của tôi về tầm nhìn rộng đã đem xa lại gần, và biến người lạ thành anh em…”. Với những câu thơ gợi sự suy tư sâu sắc, Người hiểu mọi phù vân rồi trả hết phù vân:

Thời gian là vô tận trong tay Người, hỡi Chúa của con. Không ai đếm được những phút của Ngườì

Ngày và đêm qua đi, năm tháng nở rồi tàn như những bông hoa. Người biết chờ đợi.

... Lúc ngày tàn, con vội vã vì sợ chẳng may cửa của Người sẽ đóng; nhưng rồi con nhận thấy vẫn còn thời gian. (Thơ Dâng, 82)

Dư chấn của tập Thơ Dâng đã khiến Togore nổi tiếng khắp thế giới. Thiên tài thi ca cũng như tài năng âm nhạc, vẽ, viết truyện, kịch…nhưng đóng góp của ông còn là đấu tranh cho quê hương Ấn độ, mà cao cả hơn, ông là một lãnh tụ của đức tin. Ông đến với đạo Phật không phải với tư cách là một người yêu đất nước Ấn độ, hay một nhà đông phương học. Vị hoàng tử Bà la môn bị thu hút từ ý niệm Từ bi vô lượng của giáo lý Thích ca và sự thực ông trở thành một đệ tử của Thích ca. Với Tagore, đức Phật giải thoát con người khỏi mọi tín ngưỡng dị đoan, mọi nghi thức, xóa bỏ mọi chướng ngại về sắc tộc, giữa con người. Và Tagore đã xuống núi để trao truyền cái vô hạn tình yêu giữa hữu hạn đời người. Cái tiến bộ của ông là dám thể hiện sự bất bình trước những nỗi bất công, và trước nỗi khổ con người. Hãy đọc những câu thơ từng làm sởn gáy không ít người tu sĩ có đặc quyền đặc lợi trong xã hội: Hãy từ bỏ những tràng hạt/Và những lời tụng niệm hát ca/… Hãy mở mắt nhìn xem/ Thượng đế ở nơi/ Người nông dân đang cày trên mảnh đất khô cằn/và phu đường đương đập đá/ Thượng đế ở cùng với họ/Trong nắng trong mưa…Tám mươi năm đời ông (1861 -1941) Tagore lênh đênh qua hai thế kỷ mà ở đó, nhiều bão táp thời đại. Là bạn của Mahatman Gandhi - người tái sinh Ấn độ bằng hòa giải giành độc lập cho Ấn độ ngày đó, Tagore được xem như vị cha già dân tộc, Người đã góp phần giác ngộ những lớp người trẻ đang ở ngã ba đường, rằng hãy tìm lấy con đường cho riêng mình, ấy là kẻ có tự trọng. Trong khu di tích và bảo tàng Tagore không có tượng thánh nào. Hình như là có ý đồ. Bởi với nhiều người Ấn, Tagore gần như hình ảnh một vị thánh, bên cạnh thánh Gandhi…” 

Vâng! Ông là một vị thánh trên trần thế trong tâm thức người Bengali. Ông đổ bóng xuống cuộc đời, xuống thời đại không chỉ trăm năm, như thơ ông mơ ước...