Tương lai ảm đạm của 34 triệu nam giới Trung Quốc "tồn kho"

ANTD.VN - Với sự đảo ngược của chính sách 1 con, người ta hy vọng rằng sự chênh lệch giới tính ở Trung Quốc có thể được giảm bớt. Tuy nhiên, chừng nào sự mất cân bằng giới tính không được giải quyết, hậu quả không chỉ đàn ông Trung Quốc và cha mẹ họ phải gánh chịu mà còn ảnh hưởng đến cả kinh tế - xã hội của quốc gia này.

Tương lai ảm đạm của 34 triệu nam giới Trung Quốc "tồn kho" ảnh 1Sự chênh lệch giới tính là hệ quả của chính sách 1 con đầy hà khắc kéo dài suốt 35 năm qua ở Trung Quốc

Nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 34 triệu người

Ba năm đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc công bố bãi bỏ chính sách 1 con, nhưng hồi ức và những tổn thương gần như vẫn nguyên vẹn. Năm 1995, ông Li Shunming cùng vợ Dai Ronghua, chuyên bán thực phẩm tươi sống ở tỉnh Giang Tô đang mong đợi cô con gái thứ 3 chào đời thì cán bộ chính quyền địa phương tìm đến. Vợ chồng họ trốn thoát, nhưng cảnh sát đã lấy đi mọi thứ mà họ có. Ông Li Shunming kể lại: “Họ phá nhà của chúng tôi. Họ trèo lên mái nhà và đập nát từng viên ngói một”. Vợ ông nói, họ còn xô cả ngôi nhà xuống một cái hố đào ở giữa sân.

Việc thực thi nghiêm ngặt chính sách này kéo theo sự phẫn nộ, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Hệ quả là, phụ nữ đã bị lôi ra khỏi nhà để đến bệnh viện phá thai. Những biện pháp độc ác và cực đoan kết hợp với quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội Trung Quốc cùng sự tiếp tay của siêu âm lựa chọn giới tính dẫn đến nhiều thai nhi là nữ bị bỏ.

Theo một ước tính, 37 triệu thai nhi nữ đã bị loại bỏ kể từ khi chính sách một con của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 1980. Con số này vượt qua số người thiệt mạng trong các cuộc diệt chủng lớn trong thế kỷ qua. Hiện số nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 34 triệu người. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, đến năm 2055, số nam giới độc thân ở nước này sẽ trội hơn so với nữ giới là 30%.

Phổ biến những ngôi làng… “độc thân” 

Sự mất cân bằng giới tính ở vùng nông thôn là nghiêm trọng nhất. Khắp Trung Quốc, những ngôi làng… “độc thân” khá phổ biến, và vì có quá nhiều đàn ông “tồn kho”, nên nhiều gia đình có nguy cơ mất người nối dõi. Wang Haibo, công nhân nhà máy ở huyện Qishan, tỉnh Thiểm Tây mới 28 tuổi nhưng có vẻ khá chật vật khi muốn tìm vợ. Ở khu vực này, độ tuổi kết hôn trung bình của cả hai giới là 20 nên tuổi của anh đã được coi là có nguy cơ “ế”.

“Chỉ có hai cô gái mà có tới 50 chàng trai trong danh sách quan tâm. Hai cô gái đó có học thức cao, đều là cử nhân hoặc thạc sĩ. Tôi đã bị sốc khi thấy những đòi hỏi cao mà họ đặt ra”, mẹ anh Wang nói.

“Chừng nào con trai chưa lấy vợ, tôi còn chưa yên lòng vì tôi đã không hoàn thành nghĩa vụ của  một người cha. Tôi từng nghĩ con trai cả của tôi, năm nay 32 tuổi sẽ kết hôn ngay khi có công việc ổn định sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi có một cậu con trai khác ít tuổi hơn. Anh chưa lấy vợ thì em cũng phải giậm chân tại chỗ”, lão nông Xing Gengshan (68 tuổi) tâm sự.

Ở tỉnh Hải Nam, hòn đảo lớn nhất của Trung Quốc, tỷ lệ giới tính được xếp vào loại chênh lệch nhất cả nước: Khoảng 130 nam trên 100 phụ nữ. Ông Zuo Yahe (57 tuổi), sống ở đây với 4 người cháu trai. Những người nghèo, chưa kết hôn như ông thường được xem là nỗi hổ thẹn cho gia đình và cộng đồng trong một nền văn hóa coi trọng sự giàu có cũng như địa vị xã hội. Ông Zua Yahe thời mới lớn từng hẹn hò với một cô gái nhưng họ chia tay vì ông quá nghèo.

“Tôi không dám mang cô ấy về nhà. Vì vậy, tôi không theo đuổi cô ấy nữa. Một người khác đã bảo vệ cô ấy”. Sau đó, ông bỏ học trung học và bắt đầu làm việc tại một trang trại dưa hấu ở một ngôi làng lân cận. Thời gian trôi qua, ông đã mất hết động lực để tìm một người bạn đời, trong khi nhiều phụ nữ bỏ đến nơi khác tìm chồng.

Tương lai ảm đạm của 34 triệu nam giới Trung Quốc "tồn kho" ảnh 2Nghề “mai mối” ở Trung Quốc cũng gặp thách thức vì đôi khi 50 đàn ông đăng ký chỉ có 2 ứng viên là nữ

Hậu quả của hiện tại lẫn tương lai

Liệu sự đảo ngược chính sách 1 con ở Trung Quốc có quá muộn? Điều gì sẽ xảy ra đối với những người đàn ông độc thân này nếu Chính phủ hiện nay không giải quyết được những xu hướng nhân khẩu học mất cân đối? Đó là chưa kể, mức độ già hóa dân số ngày một tăng lên. 

Năm 1980, độ tuổi trung bình của người Trung Quốc là 22, tạo ra nguồn lực cho sự bùng nổ kinh tế của đất nước. Hiện tại, con số đó là 37 và đến năm 2050, nó sẽ tăng lên 49. Hiện nay, 10% dân số Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên, nhưng đến năm 2050, sẽ tăng lên khoảng 26%, cao hơn hầu hết các nước phát triển. Số lượng lớn người độc thân sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

“Họ không góp phần vào sự tăng trưởng dân số trong tương lai. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho vấn đề già hóa dân số vì nhiều người trong số họ sẽ không có ai chăm sóc lúc về già”, Tiến sĩ Jiang Hongyi, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị và Hành chính công thuộc Đại học Hải Nam nhận định.

Trước thực trạng nam giới luôn đông hơn nữ giới, nhiều người đàn ông Trung Quốc tìm kiếm cô dâu nước ngoài nhưng nhu cầu này làm nảy sinh hiện tượng buôn bán người. Đây là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi phụ nữ chủ yếu được bán cho nam giới khu vực nông thôn và đặc biệt là ở những vùng nghèo khổ. Nhiều nông dân nhận thấy “mua” một cô dâu nước ngoài rẻ hơn là trả tiền hồi môn cho một cô dâu Trung Quốc.

Trong năm 2012, Cảnh sát Trung Quốc đã giải cứu và hồi hương 1.281 phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc, phần lớn là từ Đông Nam Á. Năm 2015, Chính phủ Campuchia cũng giúp 85 cô dâu bị bán sang Trung Quốc về với gia đình.

“Những hoạt động bất hợp pháp đang ngày càng trở nên phổ biến, và điều này có thể gây bất ổn cho xã hội” - nghiên cứu viên cao cấp Zhao Litao từ Viện Đông Á của trường Đại học Quốc gia Singapore phân tích - “Nếu vấn đề mất cân bằng giới tính không giải quyết được, nếu hàng chục triệu người Trung Quốc này không thể tìm được bạn đời, sẽ là một vấn đề lớn cho xã hội, đến mức nó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”. 

Không hẳn bế tắc nhưng cần phải có thời gian

Sau khi việc dỡ bỏ chính sách 1 con được chấp thuận rộng rãi, những người như ông Zuo chỉ có thể hy vọng vào thế hệ các cháu trai của mình, rằng họ sẽ không phải chịu số phận như ông. “Chúng vẫn khỏe mạnh, làm việc chăm chỉ, vẫn nên tìm một người vợ. Còn tôi đã quá già, tìm vợ gì nữa”, ông nói một cách miễn cưỡng. 

Tình thế không phải là không có giải pháp. Trung Quốc có thể mở chiến dịch tích cực khuyến khích các gia đình có thêm con. Những người đàn ông độc thân cũng cần cố gắng hơn nữa để nâng cao kỹ năng làm việc, từ đó tăng thêm triển vọng tìm kiếm đối tác. “Trung Quốc đang hiện đại hóa với tốc độ mạnh mẽ. Nếu những đàn ông độc thân ở khu vực nông thôn có thể hưởng lợi từ sự hiện đại hóa của Trung Quốc và cải thiện cuộc sống của họ, đó sẽ là một giải pháp tuyệt vời”, Tiến sĩ Jiang nói.

Người ta còn hy vọng, cùng với thái độ trân trọng phụ nữ hơn, các gia đình sẽ muốn có thêm con gái để cân bằng dân số. Tuy vậy, thay đổi một truyền thống lâu đời cùng với hệ quả của một chính sách kéo dài 35 năm đòi hỏi cần phải có thời gian.

Nam giới nông thôn dư thừa, phụ nữ thành phố cũng ế

Chính vì là “của hiếm” nên các gia đình có con gái ở Trung Quốc đều đặt ra yêu cầu với ứng viên tiềm năng là sở hữu ít nhất 1 ngôi nhà và 1 chiếc xe ô tô trong thành phố, nếu không họ sẽ không cân nhắc gặp mặt. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ nữ như Ashley - Giám đốc điều hành công ty quan hệ công chúng ở Thượng Hải, dù ở tuổi 30 nhưng chưa kết hôn. Cô từ chối cơ hội làm quen với những người đàn ông xuất thân ở nông thôn bởi quan niệm vợ chồng nên có chung nền tảng học vấn, môi trường nuôi dưỡng, hai bên thông gia cũng dễ hòa nhập với nhau hơn. “Ở nông thôn thì hàng chục triệu nam giới dư thừa, còn thành phố đầy phụ nữ chưa kết hôn. Việc này càng khó để xúc tiến hôn nhân”, Tiến sĩ Jiang Hongyi, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị và Hành chính công thuộc Đại học Hải Nam đánh giá.