Tượng đài Hà Nội - Ký ức đô thị, nguồn lực phát triển trong tương lai (3): Tượng đài của Hà Nội trong tương lai - nguồn lực phát triển thành phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tượng đài nằm trong hệ thống các công trình nghệ thuật công cộng. Bên cạnh vai trò lưu giữ ký ức, làm đẹp cho thành phố, theo giới chuyên môn, tượng đài Hà Nội cần nâng tầm lên mức cao hơn là đem lại nguồn lực về kinh tế cho thành phố.

Huy động sáng tạo đóng góp ý tưởng

Phố bích họa Phùng Hưng được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Hà Nội đang cần nhiều hơn các không gian nghệ thuật như thế

Phố bích họa Phùng Hưng được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Hà Nội đang cần nhiều hơn các không gian nghệ thuật như thế

Muốn có nguồn lợi kinh tế, thu hút khách du lịch, chắc chắn các tượng đài của Hà Nội phải đẹp. Đó là điều đương nhiên và có tính logic trong hoạt động sáng tạo gắn kết với du lịch. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn, phần lớn tượng đài của Hà Nội còn tồn tại những hạn chế nhất định nên mới dừng lại ở việc ngợi ca, lưu giữ ký ức thành phố. Cho dù đã có các cuộc thi được tổ chức để tuyển chọn mẫu tượng nhưng giới chuyên môn vẫn có thái độ e dè, ngần ngại nên hầu hết các nhà điêu khắc, họa sĩ đã đứng ngoài cuộc những cuộc thi như thế.

Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, giảng viên khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc dựng tượng đài là công việc phức tạp, có nhiều đơn vị cùng tham gia, liên quan tới nhiều người và nhiều khâu thực hiện. Thậm chí, nhiều vấn đề vượt ra ngoài tác phẩm, không kiểm soát được. Do vậy, nhà điêu khắc thích làm các tác phẩm mang tính cá nhân, dù nhỏ nhưng không bị ảnh hưởng bởi các bên liên quan.

Chính thái độ thờ ơ, không mấy mặn mà của các nhà điêu khắc đối với các cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài, đã tước đi cơ hội để Hà Nội sở hữu các tượng đài có ngôn ngữ nghệ thuật mới, giải quyết những lối mòn trong ngôn ngữ tạo hình. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội đã đón nhận danh hiệu “Thành phố sáng tạo” do UNESCO trao tặng trong lĩnh vực thiết kế, Thủ đô cần nhiều hơn nữa sự chung tay đóng góp ý tưởng làm đẹp cho thành phố của giới sáng tạo. Để làm được điều này, các cuộc thi tuyển chọn mẫu tượng cần thực hiện minh bạch, công khai. Sân chơi cho cộng đồng sáng tạo cần rộng mở bằng các chính sách, các giải thưởng tôn vinh người tài, người có năng lực sáng tạo.

Còn đứng ở góc độ người thụ hưởng, tượng đài trong thành phố mỗi lần xuất hiện thường được người dân mặc định là một sự lãng phí với những thắc mắc như “với số tiền tỷ ấy, sao không dùng để xây trường học, các công trình thiết yếu mà lại là tượng đài?”. Theo các chuyên gia xã hội học, những thắc mắc của người dân là do công tác truyền thông chưa tốt. Người dân không biết xuất phát từ đâu lại có việc dựng tượng đài. Vì về mặt nguyên tắc, không chỉ có tượng đài mà một công trình xây dựng xuất hiện trong thành phố phải có tính logic và có những phân tích cụ thể để chứng minh tượng hay nhà xuất hiện ở ví trí đó là hợp lý.

Do bị đứng ngoài cuộc trong suốt quá trình dựng tượng đài nên người dân thường không có sẵn kiến thức và tâm thế để đón nhận một công trình nghệ thuật mới. Những ý kiến trái chiều, các nhận xét nóng vội nhiều khi ngay từ đầu đã phủ nhận ý nghĩa về công trình tượng đài mới dựng. Để tránh việc không hay cho những công trình nghệ thuật mới của Hà Nội sẽ ra đời trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm tới công tác truyền thông, hướng dẫn người dân tới nguồn thông tin chính thống và có định hướng.

Từ một nơi vứt rác của người dân, dự án nghệ thuật Phúc Tân đã thành điểm đến của các hoạt động văn hóa như trình diễn thời trang, tham quan, trải nghiệm thành phố

Từ một nơi vứt rác của người dân, dự án nghệ thuật Phúc Tân đã thành điểm đến của các hoạt động văn hóa như trình diễn thời trang, tham quan, trải nghiệm thành phố

Kích hoạt giá trị kinh tế

Hiện nay, Hà Nội chưa có quy hoạch thẩm mỹ nên tượng dựng trong không gian công cộng thường gặp lỗi về cảnh quan. Kiến trúc sư Lê Việt Hà, Chủ tịch Ashui.com cho rằng, nếu muốn làm tượng đài một cách hệ thống, trong kế hoạch xây dựng phải có quy hoạch rõ ràng, không thể coi tượng đài hay các công trình nghệ thuật là phần phụ. “Hiện nay, các công trình xây dựng đang coi trọng nhà ở là chính, phần đất thừa mới tính đến không gian công cộng, cảnh quan, tượng đài. Cái này cần phải quan tâm lại cho thấu đáo và chính xác. Bởi dựng tượng đài rất quan trọng để làm cho đô thị hấp dẫn hơn, nhất là tăng chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Tượng đài vừa truyền tải văn hóa, tăng giá trị cho nghệ thuật cộng đồng, vừa tăng giá trị kinh tế, thu hút du lịch”, ông Lê Việt Hà khẳng định.

Chủ tịch Ashui.com chia sẻ, ở nước ngoài, khi làm các công trình tượng đài hay công trình nghệ thuật công cộng đều đặt trọng yếu tố đem lại nguồn thu, thậm chí đặt lên hàng đầu. Công thức mà hầu hết các quốc gia đều sử dụng trong phát triển văn hóa nghệ thuật đối với những vùng đất mới là thu hút giới sáng tạo đến làm tác phẩm, thông qua nghệ thuật để kích hoạt giá trị về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của vùng đất. Từ đó thu hút khách du lịch và mở rộng các dịch vụ kinh doanh, dịch vụ. Người dân được hưởng lợi từ những công trình như thế sẽ ủng hộ các công trình nghệ thuật mới.

Kiến trúc sư Lê Việt Hà nhận định, hệ thống tượng đài có bề dày lịch sử của Hà Nội đã hoàn thành sứ mệnh của mình, những công trình tượng đài mới khi bắt tay vào thực hiện cần tính toán tới bài toán kinh tế, phục vụ hoạt động du lịch của Thủ đô.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - một người có nhiều dự án nghệ thuật công cộng đóng góp cho Hà Nội đánh giá, trong đô thị, cây xanh và các tác phẩm nghệ thuật để cân bằng lại cái ngột ngạt bức bối của đời sống hiện đại, có thể coi như lá phổi xanh để cứu rỗi con người trước sức ép cuộc sống. Ở châu Âu, cái nôi của nghệ thuật dựng tượng đài đã có sự chuyển dịch, thoát khỏi mô thức tượng đài truyền thống để trở thành các tác phẩm điêu khắc ngoài trời làm đẹp cho thành phố.

“Với trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, tượng đài không thể xây dựng tràn lan trong thành phố. Mỗi công trình tượng đài mới được dựng lên cần có tính nghệ thuật, hài hòa với cảnh quan chung, phù hợp với cách tiếp cận của con người mới ngày nay. Xã hội càng phát triển, ranh giới giữa tượng đài tưởng niệm và tượng nghệ thuật càng mờ đi”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

Hơn thế, so với các công trình nghệ thuật công cộng, dựng tượng đài hiện nay đang sử dụng ngân sách, tức tiền thuế của dân. Trong khi đó, các công trình nghệ thuật công cộng như phố bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật Phúc Tân đều được xã hội hóa. Vì vậy, sự dịch chuyển mô thức tượng đài sang các công trình nghệ thuật công cộng phù hợp với xu thế chung, đặc biệt với các khu đô thị, các chung cư mới đang rất cần những không gian đẹp, có sự vào cuộc của tư nhân.

Có thể nói, tượng đài Hà Nội đã có những cuộc chuyển mình theo lịch sử, là dấu ấn của thời gian, là ký ức đô thị và văn hóa của một vùng đất hào hùng trong đạn bom, năng động trong hiện tại và hướng về tương lai với niềm tin và hy vọng dựng xây thành phố xanh - sạch - đẹp - hiện đại. Yếu tố “đẹp” trong thành phố sẽ có những tiếp biến và thích nghi với đời sống cư dân hiện đại, những cái cũ cần thay thế bằng cái mới với sự học hỏi và trao truyền thế hệ. Tượng đài Hà Nội sẽ không nằm ngoài cuộc chuyển biến này và là một trong những yếu tố góp phần hình thành diện mạo về Thủ đô thời đổi mới, chắn chắn như thế!

Đài phun nước ở vườn hoa con cóc là đài phun nước cổ nhất ở Hà Nội. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông và phương Tây

Đài phun nước ở vườn hoa con cóc là đài phun nước cổ nhất ở Hà Nội. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông và phương Tây

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Ít dần xu hướng dựng tượng đài trong thành phố

- PV: Thưa ông, tượng đài dường như là một vấn đề nhạy cảm, bởi mỗi lần xuất hiện một công trình mới luôn nhận được những chê bai thẳng thừng?

- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Đô thị Hà Nội cũ mà người Pháp đã tạo nên với ngôn ngữ kiến trúc kinh điển không chấp nhận bất cứ thứ gì thêm vào. Sự xuất hiện của tượng đài ở khu vực này đã vấp phải một không gian chật chội, không đụng cái này thì đụng cái khác. Tượng đài Hà Nội sẽ khó thoát khỏi tâm điểm của dư luận cũng vì lẽ đó. Nhưng tôi nghĩ, khen chê thế nào để thể hiện văn hóa của người Hà Nội mới là chuyện đáng nói. Cái nhìn cần khách quan, đa chiều. Việc vội vàng đưa ra những đánh giá cho tượng đài mới chưa thật sự công bằng, làm mất đi giá trị của công trình khi các hạng mục như cây xanh, giao thông chưa hoàn thiện, chưa thể đánh giá hết được vẻ đẹp của công trình đó.

- Trong không gian vốn đã rất hẹp của đô thị cũ, Hà Nội cần tính toán thế nào để bài toán dựng tượng đài sẽ “đẹp lòng” tất cả các bên?

- Hiện nay đang có xu hướng xê dịch dựng tượng đài sang dựng điêu khắc ngoài trời ở khu vực mới của Hà Nội. Tức là tượng đài tưởng niệm ca ngợi cũng đang ít dần đi, trừ những dự án quan trọng, không thể không có sẽ thực hiện. Còn lại Hà Nội cần giải quyết không gian thẩm mỹ cho những khu chung cư, khu đô thị mới với ngôn ngữ mới, kể những câu chuyện của ngày hôm nay. Để làm điều này cần sự vào cuộc của những tập đoàn kinh tế lớn. Ngân sách Nhà nước không đủ để giải quyết câu chuyện này. Các nhà đầu tư họ cũng “trông giỏ bỏ thóc”, cân nhắc tính toán nên để huy động các tập đoàn kinh tế cùng đóng góp cho Hà Nội, Nhà nước và thành phố cần có các chính sách ưu tiên, thúc đẩy doanh nghiệp chủ động đầu tư cho phát triển văn hóa.

- Ngôn ngữ tượng đài Hà Nội mấy chục năm qua vẫn “bó mình” trong ngôn ngữ hiện thực. Dường như các tác giả vẫn lựa chọn phương án an toàn, thay vì mạnh dạn đổi mới?

- Việc sử dụng ngôn ngữ nào trong dựng tượng đài và các công trình nghệ thuật công cộng phụ thuộc vào “đề bài” đưa ra, yêu cầu tả thực thì tả thực, yêu cầu cách điệu thì cách điệu. Các tác giả sẽ có những tính toán để giải quyết đề bài một cách ổn thỏa, đáp ứng về thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật. Đấy không phải là việc dễ dàng gì! Mỗi thế hệ có cách giải quyết khác nhau. Những nhà điêu khắc đi trước đã xong phần việc của mình. Những nhà điêu khắc đến sau để tránh lặp lại vết chân của người đi trước thì không gì khác là phải học, thừa hưởng bài học kinh nghiệm từ những người làm tượng đài đi trước để rút ra bài học kinh nghiệm, tránh những va vấp hay tạo ra những luồng dư luận đáng tiếc.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, Viện Mỹ thuật: “Tượng đài nên làm nhỏ, phù hợp với năng lực tạo hình của nghệ sĩ”

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, Viện Mỹ thuật:

“Dựng tượng đài ở Việt Nam luôn có sự không tương thích giữa năng lực tổ chức và năng lực thực hiện. Tượng đài ở dạng “nhà nghèo nuôi voi cưỡi chơi”, tốn kém so với quy mô kinh tế và nhu cầu thẩm mỹ của người dân. Tác phẩm tượng đài ít khi đạt được sự đồng thuận giữa Hội đồng nghệ thuật - tác giả - dư luận xã hội. Mỹ thuật sinh ra là để cho các cộng đồng dân cư, nếu không thể đạt được sự đồng thuận của 100% cư dân thì cũng cần đạt được sự đồng thuận của những người trong giới. Còn tượng đài nếu dựng ra mà ngay người trong giới, cư dân đều không đồng thuận, công trình đó chỉ để ghi lại dấu ấn một thời kỳ, không mang nhiều giá trị nghệ thuật, sẽ không có sức sống lâu bền trong lòng cộng đồng dân cư.

Hà Nội hiện nay đang thiếu rất nhiều công trình nghệ thuật công cộng nhưng mặt khác lại không nên xây dựng nhiều tượng đài. Đó có thể là một tổ hợp kiến trúc phong cảnh, một khu vườn tượng trang trí, có thể là một biểu tượng logo của tập đoàn công ty đặt ở nơi công cộng, hoặc những trạm bưu điện, nhà chờ xe buýt mang dấu ấn thời kỳ đó. Tượng trong thành phố không nên cứng nhắc phải là tượng đài, có nhiều hình thức đa dạng để trang trí không gian như tượng đường phố với một nhóm trẻ chơi đùa, một người đàn ông chơi đàn… Tượng danh nhân có thể ngồi trên ghế, không nhất thiết phải đặt trên bục bệ nghiêm trang. Nói chung có nhiều hình thức đa dạng, giải phóng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ.

Còn với những tượng đài dự định xây dựng nên làm mẫu phác thảo phóng tác theo tỉ lệ gần với tượng đài định làm. Sau đó đưa mẫu phác thảo để ở vị trí dự định đặt tượng một thời gian, thấy thích hợp thì làm, nếu chưa hợp thì bỏ. Các tác phẩm trước khi làm thật cần có sự trải nghiêm và cọ xát của thời gian và ý kiến của xã hội. Tốt nhất tượng đài nên làm nhỏ, tiết kiệm tiền, phù hợp với năng lực tạo hình của người nghệ sĩ. Hơn thế, tượng đài nên làm bằng đồng. Lý do trong tương lai, con cháu chúng ta thông minh hơn, sẽ có nhiều phương cách ứng xử phù hợp với thẩm mỹ cảnh quan và nhu cầu xã hội, nếu định làm việc khác thì tiết kiệm hơn, đỡ lãng phí”.