Tượng đài Hà Nội - Ký ức đô thị, nguồn lực kinh tế trong tương lai (1): Tượng đài ở Hà Nội theo thời gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội là thành phố dày đặc di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có không ít di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh. So với các di sản khác, tượng đài còn “quá trẻ” - mới chỉ xuất hiện ở Hà Nội đến nay chừng hơn 100 năm. Nhiều người, khi nhắc tới hệ thống tượng đài ở Hà Nội vẫn đùa rằng, Hà Nội phố nhỏ, ngõ nhỏ đến tượng đài cũng nhỏ. Nhỏ nhưng không có nghĩa vị trí của nó trong lòng thành phố nghìn tuổi này cũng nhỏ.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ trên trang Tripadvisor được giới thiệu tới du khách như một điểm đến không thể bỏ qua của Thủ đô Hà Nội

Tượng đài vua Lý Thái Tổ trên trang Tripadvisor được giới thiệu tới du khách như một điểm đến không thể bỏ qua của Thủ đô Hà Nội

Lời tòa soạn: So với các địa phương, Hà Nội có nghệ thuật dựng tượng đài trong không gian công cộng vào hàng sớm nhất cả nước, cùng với quá trình đô hộ của thực dân Pháp. Không gây ấn tượng bằng quy mô hoành tráng, số lượng áp đảo và càng không phải những bức tượng cường thực, tượng đài Hà Nội với ngôn ngữ hiện thực đơn sơ là hình ảnh nhận diện về thành phố, về quá khứ quật cường của Hà Nội một thời đạn bom.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tượng đài Hà Nội cần được nâng tầm bên cạnh chức năng tưởng niệm, làm đẹp cảnh quan nhằm mang lại nguồn thu cho thành phố, từ hoạt động đón và dẫn khách du lịch tới tham quan. Để có được điều này, tượng đài Hà Nội cần phải đẹp bằng việc huy động nguồn lực sáng tạo từ đội ngũ thiết kế. Điều đó càng trở nên ý nghĩa hơn khi Thủ đô vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố sáng tạo”.

Những tượng đài đầu tiên trong không gian công cộng

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội và họ đã cho dựng những tượng đài đầu tiên ngoài trời, đó là bức tượng Tổng trú sứ Pháp Paul Bert sau khi ông này mất vào cuối năm 1886. Tượng Paul Bert to lớn xòe tay che chở cho đứa bé người bản địa với ý nghĩa An Nam nằm dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp. Để đối trọng với hình ảnh có tính thực dân, năm 1894, Kinh lược của triều Nguyễn là Hoàng Cao Khải đã cho dựng tượng vua Lê ở phía Tây hồ Gươm (nay ở số 16 phố Lê Thái Tổ).

Từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954, thực dân Pháp cho dựng nhiều khối tượng, phù điêu và các tượng bán thân đặt rải rác ở các không gian công cộng trong thành phố. Đó là các khối tượng “Mẫu quốc”, “Sỹ, nông, công, thương” (theo cách gọi của người Việt khi đó) và nhiều khối tượng khác cùng các tượng bán thân một số Toàn quyền Đông Dương. Khối tượng “Sỹ, nông, công, thương” gồm 2 người lính Pháp một người cầm súng chĩa về hướng Cột Cờ, người kia tay cầm quả lựu đạn. Xung quanh là dân bản xứ tượng trưng cho các giới, trong đó có người nông dân vác cày, dắt trâu. Anh nông dân người nhỏ thó, còn con trâu thì to lớn với đôi sừng cồng kềnh. Mục đích dựng tượng khi đó của thực dân Pháp không phải tạo ra “văn hóa mới” cho Hà Nội mà thực chất tôn vinh và ca ngợi nước Pháp đã có công “khai hóa” Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, những khối tượng, tượng bán thân, phù điêu mà thực dân Pháp dựng lộ rõ màu sắc chính trị, không có giá trị cao về ngôn ngữ tạo hình, vì thế, sau một thời gian, nhiều khối tượng đã bị chính người Pháp phá bỏ. Sau năm 1954, nhiều tượng không còn. Duy nhất chỉ còn lại tượng bán thân Louis Pasteur, một nhà vi trùng học đã có công nghiên cứu và chế ra vaccine phòng bệnh tả.

Tuy hệ thống tượng đài thời kỳ này mang màu sắc thực dân, song xét về góc độ cảnh quan và văn hóa, tượng đài làm cho đô thị sống động hơn, văn hóa hơn.

Bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” ở bên chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” ở bên chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

“Chứng nhân” của lịch sử

Ở thời điểm hiện tại, xét về số lượng, Hà Nội có nhiều tượng đài, đặc biệt ở chỗ, trong số đó lại có nhiều khối tượng về lịch sử, nhất là về đề tài Cách mạng. Bên cạnh yếu tố về thẩm mỹ, du khách có thể nhận diện về lịch sử và biểu tượng của thành phố thông qua các hệ thống tượng đài. Đó là tinh thần bất khuất của người Hà Nội trong các cuộc kháng chiến, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”, là lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, các anh hùng, người có công.

Ngay tại hồ Hoàn Kiếm, không gian thiêng của Thủ đô, cụm tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một công trình không quá đồ sộ nằm sát tường đền Bà Kiệu đã thức tỉnh người xem về ngày 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Hà Nội cùng cả nước đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Trong phố cổ, còn có phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” lặng lẽ nằm giữa khu chợ sầm uất vào bậc nhất của Thủ đô - chợ Đồng Xuân. Dù đã 76 năm, nhưng nhìn bức phù điêu này, mỗi người như thấy cả một trận địa… được quân và dân Thủ đô bày binh bố trận tại nơi đây, nhằm chống trả các đợt tấn công của quân Pháp. Và không quá xa hồ Hoàn Kiếm, tại vườn hoa Hàng Đậu, tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mới là sự ghi dấu chiến công anh hùng của quân dân Thủ đô chiến đấu suốt 60 ngày đêm cầm chân giặc Pháp trong những ngày mùa đông năm 1946.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội đã chống trả các đợt oanh tạc của máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội bằng tinh thần dũng cảm, ai đi xa mà không nhớ câu hát “Ôi nhớ Thủ đô năm ấy, ta đánh giặc trên mâm pháo”. Các bức phù điêu kỷ niệm sự kiện bắt sống giặc lái Mỹ bên hồ Trúc Bạch, bắn rơi máy bay Mỹ tại Nhà máy điện Yên Phụ, phù điêu kỷ niệm sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ trên phố Nguyễn Thái Học và phù điêu về sự đoàn kết Công – Nông - Trí tại ngã tư chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng đã lưu lại cho thế hệ sau những chiến công của quân và dân Thủ đô trong những ngày Hà Nội đạn bom. Các bức phù điêu này thường có kích thước nhỏ, ngôn ngữ tạo hình tuy chưa “tuyệt mỹ” nhưng lại là chứng tích về một thời Hà Nội hoa lửa.

Khắc sâu trong tâm khảm về những đau thương, mất mát mà người Hà Nội đã trải qua trong đợt ném bom rải thảm B52 năm 1972 là bức tượng “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự

Khắc sâu trong tâm khảm về những đau thương, mất mát mà người Hà Nội đã trải qua trong đợt ném bom rải thảm B52 năm 1972 là bức tượng “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp, tác giả của bức phù điêu kỷ niệm sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ trên phố Nguyễn Thái Học nhớ lại, bức phù điêu được thực hiện để kỷ niệm sự kiện quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ tại phố Lê Trực (năm 1967) nhưng phải 10 năm sau vào năm 1977, bức phù điêu mới được dựng lên. Tác phẩm được thực hiện một cách gấp gáp trong điều kiện kinh phí eo hẹp, không có nhân lực và không có không gian cho tác phẩm. Ban đầu, thành phố định làm bia tưởng niệm nhưng sau rút xuống làm phù điêu gắn lên tường với kích thước nhỏ hơn vài lần so với bản thiết kế. Bức phù điêu này còn là minh chứng cho một thời gian lao và khó khăn của Hà Nội, đất nước vừa thống nhất, bao khó khăn bộn bề còn phải lo toan nhưng thành phố vẫn quyết tâm dựng bức phù điêu. Dù là đề tài cách mạng nhưng yếu tố mỹ thuật công cộng chẳng phải làm cho thành phố “sang” hơn sao?

Không chỉ có những chiến công, Hà Nội đã có một quá khứ đau thương, nhiều mất mát. Khắc sâu trong tâm khảm người dân Hà Nội về những năm tháng ấy là bức tượng “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” với hình tượng người mẹ bế con nhỏ trong tay, chết đứng trên đống đổ nát của phố Khâm Thiên bị bom oanh tạc. Có thể đọc sách, xem ảnh về những ngày mùa đông năm 1972 khi bom B52 rải thảm một số địa điểm ở Hà Nội, trong đó nặng nề nhất là phố Khâm Thiên. Bức tượng nhỏ thể hiện tình mẫu tử và tố cáo tội ác chiến tranh luôn mang đến cho người xem ở mọi thế hệ, mọi màu da, mọi sắc tộc sự rung cảm đến tận cùng. Mỹ thuật mang đến cho người xem tiếng nói của lương tri và giá trị của nền hòa bình. Công trình được làm bằng xi măng, của tác giả Nguyễn Văn Tự (năm 1973). Năm 2002, công trình đã được chuyển sang chất liệu đồng đúc.

Bức phù điêu ghi lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ tại Nhà máy điện Yên Phụ có kích thước nhỏ, ngôn ngữ tạo hình không tuyệt mỹ nhưng là chứng tích về một thời kỳ lịch sử của Thủ đô

Bức phù điêu ghi lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ tại Nhà máy điện Yên Phụ có kích thước nhỏ, ngôn ngữ tạo hình không tuyệt mỹ nhưng là chứng tích về một thời kỳ lịch sử của Thủ đô

Cố nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự từng chia sẻ, nhờ có mặt tại Khâm Thiên vào sáng 27-12-1972, ông đã được nghe câu chuyện đau lòng về cô con dâu nhà ông lang Thanh, được tìm thấy trong tư thế chết đứng, trên tay đang bế đứa con tròn một tháng tuổi. Hình ảnh ấy đã làm trái tim người nghệ sĩ phẫn nộ và đau đớn. Cái chết tức tưởi của người phụ nữ trẻ và đứa bé vô tội ấy đã ám ảnh ông. Với bức tượng được tạo tác, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự làm cho hình ảnh người phụ nữ còn mãi với thời gian. Bức tượng tuy không hoành tráng nhưng luôn luôn vinh dự xếp trong top đầu các tác phẩm tượng đài đẹp nhất Việt Nam.

Đến thời đổi mới, ở Hà Nội đã xuất hiện thêm các công trình tượng đài quy mô và hoành tráng, thể hiện cho sự phát triển về kinh tế của Thủ đô. Đó là bức tượng đài vua Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”… Dù còn nhiều ý kiến khen chê khác nhau nhưng nhìn chung tượng đài ở Hà Nội đã kể những câu chuyện bằng ngôn ngữ tạo hình, thứ ngôn ngữ mang lại cảm xúc thẩm mỹ khác với văn tự. Và tượng đài đang dần trở thành hình ảnh nhận diện mới của Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Hà Nội cần có nhiều không gian hơn cho tượng đài

Là người nghiên cứu về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã cho ra mắt độc giả nhiều cuốn sách khảo cứu về văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông về tượng đài Hà Nội.

- Phóng viên: Trong các tượng đài của Hà Nội, ông ấn tượng với công trình nào và có tác phẩm nào có thể lấy làm biểu trưng cho Thủ đô?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Tượng đài dựng ở các không gian công cộng dù sáng tác theo phương pháp nghệ thuật nào, ngôn ngữ tạo hình ra sao thì mục đích cuối cùng là vẫn tôn vinh, ngợi ca, tố cáo chiến tranh, tán tụng vẻ đẹp cuộc sống… Hà Nội có số lượng tượng đài tuy không nhiều so với yêu cầu của một đô thị lớn, song cũng được cho là thành phố có nhiều tượng nhất so với các tỉnh, thành phố khác. Tượng đài ở Hà Nội được dựng trong những giai đoạn khác nhau nên có những nét riêng, mang dấu ấn và quan điểm sáng tác của thời kỳ lịch sử ấy. Tôi ấn tượng với tượng “Nữ thần tự do” từng tồn tại ở Hà Nội về ngôn ngữ tạo hình, về tư tưởng của tác giả. Nhưng trớ trêu thay, ngay dưới chân tượng đài, thực dân Pháp đã chém đầu Đội Văn, một người Việt Nam yêu nước tham gia phong trào Cần Vương. Tôi cũng rất ấn tượng với bức tượng “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ”, không cần đọc những dòng chữ ghi lại tội ác của Mỹ, chỉ ngắm tượng cũng đã trào dâng lên xúc động. Mỗi tượng đài ở Hà Nội đều có ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ riêng nhưng có điểm chung là mang tính tôn vinh. Cá nhân tôi cho rằng tượng vua Lý Thái Tổ, người khai sáng kinh thành Thăng Long xứng đáng trở thành biểu tượng của Hà Nội. Dù còn những ý kiến khác nhau song đó là bức tượng được tạo hình đẹp. Tôi tin du khách các tỉnh, du khách nước ngoài khi đến Hà Nội không thể không chiêm ngưỡng bức tượng này.

- Trang thông tin du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor với nhiều mạng lưới hiện diện ở 34 quốc gia đã đưa tượng đài Hà Nội như một điểm đến của du khách khi đặt chân tới Hà Nội. Điều đó nói lên rằng, tượng đài Hà Nội hoàn toàn có thể mang lại nguồn thu cho thành phố từ hoạt động du lịch?

- Với người lần đầu tiên đặt chân đến một thành phố xa lạ thì kiến trúc và tượng đài sẽ cho họ cảm nhận văn hóa thành phố ấy thế nào. Thời kỳ mới mở cửa, các hoạt động du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các di sản tôn giáo, tín ngưỡng như: chùa, đền, đình, các nhà thờ Công giáo có giá trị kiến trúc. Các di sản văn hóa là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn, xem rối nước… cũng là điểm đến quan trọng trong các tour du lịch. Nhưng ngày nay các tour ở Hà Nội rất phong phú, có tìm hiểu văn hóa ẩm thực, thăm làng nghề thủ công, xem hầu đồng… Một số công ty du lịch đã đưa du khách tham quan tượng đài trong không gian công cộng, trong đó có tượng vua Lý Thái Tổ, phố Khâm Thiên, nên trang TripAdvisor đã lấy ý kiến và nhận được phản hồi tích cực từ du khách nước ngoài. Do vậy, họ đưa ra lời khuyên nên đến tham quan tượng đài nếu đến du lịch Hà Nội.

Nhìn rộng ra các thành phố khác trên thế giới, hoạt động du lịch luôn gắn liền với việc tham quan, thưởng lãm các tượng đài, các công trình nghệ thuật công cộng. Ví dụ, như đến Singapore, du khách bao giờ cũng muốn được tham quan tượng “Nhân sư”, đến New York thì nhất định không bỏ qua tượng “Nữ thần tự do”… Và từ những hoạt động dẫn và đón khách tới tham quan, tượng đài Hà Nội hoàn toàn có thể đem lại nguồn thu cho thành phố từ du lịch. Điều này cho thấy nếu Hà Nội dựng nhiều tượng đài có tính mỹ thuật cao thì nó sẽ là sản phẩm mới trong các tour quanh thành phố.

- Ông nghĩ sao về tượng đài trên địa bàn thành phố hiện nay?

- Hà Nội là Thủ đô, một đô thị ngót nghét 10 triệu dân và diện tích rất lớn thì số tượng đài, phù điêu như hiện nay là quá ít. Hiện tại có rất nhiều không gian công cộng còn trống và giá ở đó có tượng, có phù điêu thì thành phố sẽ không đơn điệu. Để có nhiều tượng và phù điêu, Hà Nội cũng nên tính tới xã hội hóa thu hút thêm nguồn kinh phí thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách vốn đã eo hẹp cho mảng này.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hương Thủy (Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục