Tượng đài Hà Nội - Ký ức đô thị, nguồn lực phát triển trong tương lai (2): Hà Nội chưa có quy hoạch không gian thẩm mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là địa phương có nghệ thuật dựng tượng đài trong không gian công cộng sớm nhất cả nước nhưng tượng đài Hà Nội thường được giới mỹ thuật, điêu khắc nhận định là khó đẹp, bởi hầu hết chưa quan tâm tới cảnh quan chung.

Liên kết rời rạc giữa điêu khắc và kiến trúc

Dựng tượng đài là bộ môn nghệ thuật tổng hợp của nhiều loại hình như điêu khắc, quy hoạch và kiến trúc. Vì thế, mỗi bức tượng được dựng trong không gian công cộng chịu tác động của nhiều yếu tố, không đơn thuần chỉ có bức tượng riêng rẽ. Nhưng thực tế lại cho thấy, hầu hết các tượng đài của Hà Nội đều chưa quan tâm tới cảnh quan chung. Tượng đài “Công - Nông - Binh” ở Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) là một ví dụ điển hình cho việc liên kết rời rạc của các loại hình nghệ thuật.

Đây là một công trình mang tính hoành tráng với chiều cao 8 mét và “ngốn” hết 35 tấn đồng. Tuy nhiên, sau khi chiêm ngưỡng công trình, nhiều người nhận thấy bức tượng được đặt không đúng vị trí, có cảm giác bức bối về không gian. Tượng như được “nhét” vào bên cánh trái của Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô mà không phải là được tính toán về không gian 3 chiều.

Công trình tượng đài “Công - Nông - Binh” ở Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội)

Công trình tượng đài “Công - Nông - Binh” ở Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội)

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét, tượng đặt ở vị trí mà mọi tầm nhìn đều bị vướng hoặc không nhìn thấy tượng. Làm tượng là để nhìn, nếu nhìn không được thì không có giá trị. Một không gian thoáng đãng vốn đã được thiết kế tỉ mỉ, khoảng sân phẳng, rộng làm quảng trường tương ứng với mái vòm và hàng cột kiểu Trung Á, thì đặt cái gì vào cũng hỏng, dù tượng đẹp đi nữa cũng xấu!

Hay tượng Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa từng là “điểm nóng” của dư luận một thời do cảnh quan xung quanh không phù hợp với tượng đài. Trong khi tượng Vua Quang Trung đẹp, bề thế và uy nghi thì nhà dân xung quanh khu vực dựng tượng đài với mái tôn đỏ, tôn xanh vô tình lại phá hỏng đi vẻ đẹp oai phong của tượng. Các nhà phê bình mỹ thuật đều cho rằng, bức tượng khá đẹp và đã đạt đến độ chín về nghề của nhà điêu khắc Vương Học Báo. Nhưng công trình tượng đài này lại có lỗi do không đồng bộ giữa quy hoạch và điêu khắc. Sau này, trước sự đóng góp ý kiến của giới chuyên môn, chủ đầu tư đã cho xây dựng thêm khu nhà thờ tưởng niệm ở khu vực đằng sau tượng đài ít nhiều đã khắc phục được phần nào lỗi đồng bộ này.

Các ví dụ trên đây để thấy, việc dựng tượng đài ở Hà Nội thường vấp phải ý kiến khen chê về đẹp xấu mà cái đập vào mắt người dân Hà Nội chính là lỗi về quy hoạch. Sự xuất hiện của các tượng đài sừng sững trong không gian công cộng sẽ tác động trực tiếp tới thị giác của người dân. Nếu công trình đẹp mắt, phù hợp với cảnh quan, họ sẽ đồng thuận. Còn ngược lại sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Điều này cũng dễ hiểu với sự ảnh hưởng của các công trình nghệ thuật trong thành phố. Nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình, giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, sự liên kết giữa các nhà quy hoạch kiến trúc và điêu khắc rất lỏng lẻo, dẫn đến việc, đáng lẽ phải quy hoạch một không gian thân thiện với cộng đồng thì người ta lại chỉ làm mỗi cái tượng.

Tại Hà Nội, công trình tượng đài Lênin được coi là mẫu mực cho sự hài hòa giữa cảnh quan và công trình. Phần trước tượng có không gian thoáng đãng, những người đứng ở bên kia đường Điện Biên Phủ có thể nhìn thấy tượng rõ ràng mà không bị vướng tầm mắt. Hơn thế, vị trí đặt tượng có sự liên kết với khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội, các đại sứ quán…

Tượng vua Quang Trung sau khi xây thêm khu tưởng niệm đằng sau đã khắc phục được phần nào lỗi về cảnh quan

Tượng vua Quang Trung sau khi xây thêm khu tưởng niệm đằng sau đã khắc phục được phần nào lỗi về cảnh quan

Không có quy hoạch thẩm mỹ, lấy đâu ra tượng đẹp?

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính cả diện tích mở rộng của Hà Nội, hiện nay, Thủ đô có 62 công trình tượng đài và tranh hoành tráng. Hệ thống tượng đài Hà Nội đã thể hiện nhiều đề tài khác nhau, tuy nhiên có thể tổng hợp thành 4 mảng đề tài chính là biểu trưng, biểu tượng như Đài Độc Lập, Hòa Bình, Chiến thắng, Công nhân, Phụ nữ ba đảm đang; Sự kiện lịch sử: Bắn rơi máy bay Mỹ, Bắt sống phi công Mỹ, tượng đài “Khu Cháy”, tượng đài “Tiếng bom Sấu giá”; Danh nhân gồm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, người có công như tượng Bác Hồ, Vua Lê, Vua Lý; Hữu nghị, danh nhân thế giới như tượng V.I.Lenin, Indra Gandhi, thi hào A.Puskin, Jose Martin, A.Yersin, Louis Pasteur…

Với số lượng 62 tượng đài, theo kiến trúc sư Nguyễn Luận, một chuyên gia kiến trúc-quy hoạch, rất khó để đánh giá con số này đã đủ cho các không gian công cộng của Hà Nội. Lý do bởi hiện nay, Hà Nội chưa có quy hoạch thẩm mỹ. Chúng ta đã có những quy hoạch tổng thể về kinh tế, xây dựng, giao thông, thông tin… nhưng lại chưa có một quy hoạch về các không gian thẩm mỹ của Hà Nội. Vì thế, không có cơ sở để nói là đủ hay thiếu về số lượng tượng đài.

Kiến trúc sư Nguyễn Luận chia sẻ, vai trò của quy hoạch thẩm mỹ sẽ định hướng cho sự xuất hiện của các công trình tượng đài phù hợp với cảnh quan như quy định về độ cao, về hướng, đặc biệt là ở các quảng trường. Cũng từ quy hoạch thẩm mỹ này sẽ cho biết, ở chỗ này cần có thêm tượng đài, công trình nghệ thuật làm đẹp, chỗ kia đã đủ.

“Khi chưa có quy hoạch thẩm mỹ trong thành phố, đừng bao giờ bàn cãi tượng đẹp hay xấu. Vai trò của tượng đài được thể hiện rõ ràng hơn đối với các đô thị ở châu Âu, cứ đi 500m lại có một công trình nghệ thuật hoặc tượng. Tượng đài là ký ức, là niềm hãnh diện của cư dân. Nói như vậy để thấy, tượng đài có vai trò lớn trong đô thị, chúng ta biết cách xác định vị trí của tượng đài trong thành phố sẽ xây dựng được hình ảnh về Hà Nội đẹp hơn, ấn tượng hơn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thời gian hình thành đô thị của Hà Nội mới được ngót nghét 100 năm. Nói chuẩn, đô thị Hà Nội mới bắt đầu hình thành từ năm 1990, làm sao đã có hình ảnh đô thị rõ ràng được. Vì vậy, tượng đài Hà Nội còn có những vấn đề này kia cũng có thể hiểu được. Vấn đề là chúng ta cần xác định cho đúng vai trò của tượng đài trong thành phố, quan tâm nhiều hơn tới tính quảng bá, tôn vinh qua các tượng đài”, kiến trúc sư Nguyễn Luận nói.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: “Tượng đài Hà Nội không hẳn là chưa tốt, mà chỉ là chưa tới”

- Phóng viên: Là tác giả có nhiều tượng đài trên cả nước, ông có nhận xét như thế nào về các công trình tượng đài của Hà Nội?

- Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Dựng tượng đài trong thành phố là để làm kỷ niệm, vừa là dấu mốc lịch sử để mãi mãi con cháu sau này nhìn thấy tượng đài ấy là biết giai đoạn lịch sử này đã xảy ra những việc, những bước ngoặt lịch sử nào. Tượng to hay nhỏ không quan trọng mà quan trọng là đặt cho đúng vị trí và nội dung cho trúng. Tượng vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm dù nhỏ nhưng về mặt lịch sử rất có ý nghĩa và người ta sẽ không bao giờ quên bức tượng ấy.

Tượng đài lịch sử Hà Nội bảo nó chưa tốt cũng chưa phải, vấn đề là chưa tới, cách đặt vấn đề phải sâu sắc hơn. Để làm tượng đài cho muôn đời phải thật thận trọng, đừng ẩu, nhất là những người duyệt hội đồng không chỉ có giáo sư mà còn cần có những tác giả làm tượng đài. Tượng dựng xong không phải cứ đặt lên là xong, mà phải tư duy, suy nghĩ sao cho tìm cách thể hiện độc đáo nhất và phục vụ đúng nội dung, thì tượng đài ấy mới có giá trị. Còn nếu cứ chơn chớt, cứ đặt bát hương lên có người đến cúng lễ là xong thì không phải. Những công trình ấy là văn hóa, là nghệ thuật. Ở trong cảnh quan công cộng, nếu chúng ta không chăm chút, để ý nó thì không bao giờ để lại một nền văn hóa cách mạng. Nếu cứ làm tùy tiện thì sẽ rất nguy hiểm.

- Để có một tượng đài đẹp cần có những yếu tố nào, thưa ông?

- Tượng đài muốn đẹp thì phải tìm ra ý tứ, tìm ra một biểu tượng, hình ảnh sáng láng phù hợp với nội dung đề tài ấy, và phải có tính cá biệt, riêng biệt của tác giả, nếu không tượng đài nào cũng giống tượng đài nào. Hơn thế, tượng đài cần phù hợp với cảnh quan xung quanh. Cái này cần có tiếng nói đóng góp của các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch. Cũng phải nói rằng, không phải ai cũng dựng được tượng đài, ngay cả các họa sĩ, các nhà điêu khắc được đào tạo cũng chưa chắc đã dựng được tượng đài. Cái đó là năng khiếu bẩm sinh và có sự nghiên cứu chuyên sâu. Và các thành viên Hội đồng nghệ thuật duyệt tượng, không phải ai cũng am hiểu về bộ môn nghệ thuật. Tượng đài sống mãi với dân tộc và cũng tốn tiền lắm nên các khâu thực hiện cần được thực hiện thận trọng. Cái tôi của tác giả cần được tôn trọng trong quá trình dựng tượng. Tác giả cần được hưởng các quyền lợi, chứ không phải các công ty trung gian. Chỉ khi tác giả được tham gia vào quá trình thi công, được hưởng các quyền lợi chính đáng, tác phẩm sẽ được chăm chút và không bị sai lệch khi phóng tác ra thực tế.

- Theo ông, số lượng tượng đài của Hà Nội đã đủ chưa?

- Tượng đài ở Hà Nội còn thiếu nhiều, nhất là mảng tượng trong công viên, tượng trang trí cho đường phố, nơi công cộng còn thiếu nhiều lắm! Những tòa cao ốc mọc lên đã bít tất cả những khoảng trống, không còn chỗ cho nghệ thuật đứng ở đó. Trong tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, người ta đang quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận, tới các công trình nhà ở, các trung tâm thương mại. Tượng đài làm đẹp cho thành phố vẫn chưa được đánh giá cao như vị trí nó xứng đáng được tôn vinh.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hương Thủy (Thực hiện)

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc: “Năng lực làm tượng đài của các nhà điêu khắc còn yếu”

“Tượng đài nói chung có thể chia làm 2 loại là tượng đài cường thực với tỉ lệ con người giải phẫu học rất chuẩn xác, thực đến mức độ giật mình và tượng đài tối giản (biến thành các khối hình). Nhưng các tượng đài của Hà Nội không thuộc cường thực cũng không ra tối giản mà nằm ở giữa 2 thể loại này. Điều này một phần là do năng lực điêu khắc của các nghệ sĩ chưa tới, tả thực nhưng dung nhan tượng chưa đẩy tới mức độ gây rung động cho người xem. Đừng nói do kinh phí eo hẹp nên các nhà điêu khắc chỉ làm được như vậy vì dựng tượng đài bao giờ cũng rất tốn kèm, tiền tỷ chứ chả ít.

20 năm nay, cuộc sống xô bồ khiến nhiều giá trị về văn hóa, thẩm mỹ chưa được đặt trọng. Trong đó, việc dựng tượng đài chưa được thực hiện bài bản và quan tâm đúng mức. Tượng đài là hình ảnh biểu trưng của thành phố, là những ký ức được lưu giữ cho con cháu mai sau. Nhưng sự ra đời của các tượng đài không phải là sự thi đua về nghệ thuật thật sự, vì thế rất khó để khuyến khích được người tài tham gia đóng góp cho thành phố.

Hà Nội đang phát triển “nóng” với nhiều khu đô thị mới, nhiều không gian vui chơi và giải trí cho người dân Thủ đô. Ở không ít những không gian như thế đã xuất hiện các bức tượng được dựng lên với mục đích làm đẹp, trang trí cho cảnh quan. Thậm chí, trong các không gian tư gia cũng có tượng. Quan điểm của tôi là chúng ta không nên đóng kín tất cả các xu hướng trong làm đẹp không gian. Ai có năng lực cứ để họ làm. Ví dụ, nếu tượng xấu, đặt trong không gian đô thị sẽ không có người mua. Trước nhiều ý kiến trái chiều, chủ đầu tư sẽ phải phá bỏ tượng đó đi để thay thế bằng các tác phẩm đẹp hơn, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người dân. Hãy cứ để lượng biến thành chất bằng sự kiểm chứng của thời gian, của con người. Các bức tượng không phù hợp sẽ buộc phải nhường chỗ cho các tượng đài hợp lý hơn”.

Thanh Xuân (Ghi)

(Còn nữa)