Tướng cướp khét tiếng đi bán đậu phụ tìm đường hoàn lương

ANTĐ - Dám nghĩ, dám làm và đầy khát vọng. Đó là lời nhận xét của người thôn Văn Minh đối với Quách Hữu Đức - người đàn ông cao lêu nghêu, mắt trũng sâu. Không ai có thể ngờ rằng anh ta từng là một tên cướp khét tiếng. Từng làm đau đầu công can xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà nội. Có đến thăm cơ ngơi của anh mới thấy được để có như ngày nay anh đã phải cố gắng thế nào. Tôi nghĩ rằng, nếu người nào ra khỏi nhà giam, cũng trở thành những người làm ăn lương thiện, thì thật phúc cho xã hội.

Con đường sa ngã

Tìm được anh thật không dễ trong cái trang trại rộng lớn vùng đồi thấp này. Khi tôi đến thì mẹ vợ anh bảo: “Đức đang ở dưới đầm”. Bà đang hướng dẫn tôi phải đến đó thế nào thì Đức “phi” xe máy về. Trước mặt tôi là người đàn ông tóc quăn, mắt trũng sâu và gầy, vẻ mặt đầy sương gió. Anh sinh năm 1961, là con cả trong gia đình 6 anh em nghèo ở thôn Văn Minh (Cam Thượng - Ba Vì). Lên 6 tuổi đã phải gánh vác những công việc nặng nhọc như chăn bò cắt cỏ, giúp đỡ mẹ bế em nhỏ. Cậu bé Đức hiếu động, từng đánh trâu vượt sông Tích và bị nước cuốn trôi uống no bụng nước đến 3 lần nhưng không chết. Các ông cao tuổi trong làng nói: “Thằng Đức 3 lần thoát khỏi cánh tay của Hà bá, lớn lên chắc chẳng vừa. Hoặc làm quan to hoặc làm tướng cướp”. Cậu Đức chẳng hiểu gì, ai ngờ điều đó như một định mệnh. Lớn lên, Đức thành tướng cướp. 

Thuở học trò anh thông minh, học giỏi, hát hay, luôn là một trong những học sinh xuất sắc, rất được quý mến. Ngày đi thi đại học thiếu nửa điểm vào Đại học Y, đủ điểm vào trường Đại học Sư phạm nhưng gia đình không có điều kiện cho đi học, anh vào bộ đội. Sau được nhận vào công tác tại Trung đoàn 544 - Quân khu Thủ đô. Phòng tham mưu đã xin anh về và giao cho chuyên phụ trách sơ đồ huấn luyện, cuối năm 1980 chuyển về Phòng Công binh và được kết nạp Đảng. Năm 1981 được Sư đoàn 354-QKTĐ cử đi học sỹ quan dài hạn tại Liên Xô. Lúc tương lai đang rộng mở thì bất ngờ gia đình xảy ra chuyện giữa bố và mẹ. Quách Hữu Đức bỏ lỡ cơ hội thăng tiến trên đường đời để về giúp đỡ gia đình, cưu mang các em.  Năm 1983 anh xin rời quân ngũ về làm bảo vệ ở Nông trường Dứa Suối Hai (Ba Vì) để gần gũi tiện chăm sóc em, sau đó lại chuyển sang Công ty Công trình Đô thị Sơn Tây. 

Chán nản vì gia đình tan vỡ, bố mẹ mỗi người mỗi nơi. Đức buông thả mình, chơi vơi trong đời với những đối tượng giang hồ đàn anh đàn chị. Chỉ thương các em nheo nhóc trong ngôi nhà rách nát chẳng thứ gì đáng tiền. Lúc này, một số đàn anh đàn chị ở Sơn Tây rủ Đức đi buôn đồng hồ giả. Sau còn tham gia một vụ giả kiều bào nước ngoài chiếm đoạt tài sản bị công an vây bắt, Đức và đồng bọn bỏ trốn. Khi cảm thấy chuyện đã lắng xuống, Đức đi buôn lốp ôtô. Cũng sa vào trộm cắp nên bị công an truy lùng, Đức trốn được. Cuộc sống chui lủi cùng cực, nhưng chẳng còn cách nào. Nhiều đêm Đức “đột nhập” về nhà xem tình hình của các em, đưa tiền rồi... chuồn trong nơm nớp lo sợ. Đôi ba lần nghĩ đến chuyện ra đầu thú, nhưng không làm nổi. Vì nghĩ chắc chắn mình sẽ đi tù, đi tù rồi các em sẽ sống ra sao. Đức quyết tâm phải tồn tại bên ngoài.

Hướng đến địa bàn hoạt động ở Hà Nội vì ở Sơn Tây người ta đã “nhẵn mặt”. Ở Hà Nội, Đức làm quen với nhiều đàn anh đàn chị và được “bảo lãnh” hoạt động. Anh không ngờ mình có thể trở thành tên cướp như vậy, đã từng làm bất kể điều gì trừ giết người. Công an Hà Nội truy bắt nhiều lần nhưng Đức khôn ngoan trốn thoát. Giữa lúc anh chênh chao giữa chuyện bỏ nghề cướp và đi làm ăn lương thiện thì bị Công an Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) bắt vì mang theo lựu đạn trong người.

Sa ngã ba bảy đường, đường hoàn lương chỉ một

Đó là lời Quách Hữu Đức nói với tôi. Anh bảo đường hoàn lương có thành công hay không là người đó phải chiến thắng chính mình. Đó là chiến thắng những ham hố, cám dỗ bên ngoài đối với bản thân. Với Đức, con đường hoàn lương được nhen nhóm từ sự ân hận và khao khát làm lại cuộc đời mình. 

Ngày đó, khi bị bắt anh được được vào Trại giam Hỏa Lò rồi chuyển vào Trại giam Lam Sơn (Thanh Hóa). Đức như bị trói chân trói tay, nuôi ý định trốn ra ngoài. Nhưng được sự quan tâm, giáo dục và tin tưởng của các cán bộ quản giáo và một số tù nhân tốt bụng khuyên nên cải tạo tốt. Muốn ra ngoài sớm chỉ có mỗi đường là cải tạo tốt chờ ân xá. Nhờ năng khiếu trong nhiều công việc như chăn nuôi, cấy lúa, làm thủ công mỹ nghệ, Đức càng ngày càng chiếm được lòng tin của quản giáo và một điều quan trọng hơn là anh được hưởng đặc ân tự do ra vào trại, được cử đi tiếp khách đến thăm trại và giao lưu văn nghệ. Bằng những cố gắng tận tâm tận lực anh được hưởng ân xá, ra tù trước thời hạn gần 9 năm trời.

Đầu năm 1996, anh được ra tù, trở về dắt theo người vợ xinh xắn chưa cưới và cậu con trai 5 tuổi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đây lại là chuyện tình đặc biệt của một phạm nhân và cô con gái của cán bộ Nông trường Thống nhất gần Trại giam Lam Sơn. Chị là Đào Thu Hương, thời gian Đức được tự do ra ngoài vừa đến tuổi cập kê. Anh chị gặp rồi yêu nhau. Tuy chưa cưới, nhưng hai người đã kịp có con. Điều này được bố chị Hương chấp nhận. Giờ cậu con trai đã học lớp 11. Họ cũng có thêm với nhau một cô con gái hiện đang học lớp 2.

Sau chén trà đặc, Đức thở một hơi dài sảng khoái và nói: “Thôi, không nói chuyện đó nữa”. Anh dẫn tôi đi xem cơ ngơi của mình. Vừa đi anh vừa giới thiệu cho tôi về khu đầm trũng Đượng Giang liền với khu đồi. Xưa kia nơi này bỏ hoang chỉ để cho dân chài lưới kiếm cá tôm qua ngày. Không ai nghĩ ra chuyện quy hoạch thành khu nuôi cá. Mấy năm sau khi ra khỏi nhà giam. Anh và vợ làm ruộng và ra tăng làm đậu, kiếm thêm tiền để lo cho các em và vực kinh tế gia đình nhỏ vươn lên. Thời gian này, vẫn còn nhiều kẻ ngày xưa là đồng đảng và một số “đầu trộm đuôi cướp” níu kéo anh trở lại đường cũ, anh dứt khoát không chịu, chỉ một mực nghĩ đến việc làm ăn lương thiện. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được, anh đi thuê đất, đền bù hoa lợi cho khoảng 100 các gia đình có ruộng xung quanh đầm và đổi những mảnh ruộng tốt của gia đình lấy ruộng trũng ở khu vực này dồn thành một khu liên hoàn. Với sự giúp đỡ của bạn bè, Công an xã Cam Thượng, Đức cùng một người bạn đầu tư trên 5 tỷ đồng vào mô hình vườn trại rộng tới 23 ha (anh là người trực tiếp trông nom, chăm sóc). 13 ha anh dành đào ao thả cá, chia thành 4 hồ lớn, 3 hồ nhỏ và 5 ao giống nuôi thả khép kín. Diện tích còn lại, anh xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, gà, chó với số lượng lớn. Chuồng nuôi lợn thịt siêu nạc liên doanh với Công ty Daphaco Nông sản Bắc Giang với quy mô lớn và hiện đại. Bên cạnh anh còn xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn nái. Tính theo cách như vậy, với giá lợn giống cao như năm vừa qua, gần 100 con lợn nái anh đang nuôi cho lãi hơn 100 triệu đồng. Quách Hữu Đức rất thích nói chuyện về kinh tế và quan điểm của Mác, là những kiến thức anh được học. Trong đầu anh còn ngồn ngộn bao nhiêu dự định. Sắp tới, anh tính toán mở rộng quy mô hầm rượu để biến nó thành một thương hiệu mang tên anh. Đồng thời, anh làm hồ nuôi ba ba và chuồng nuôi nhím thịt. Đó sẽ là những đặc sản được ưa chuộng.

Tôi nói với anh rằng bây giờ anh là người  thành đạt, làm một ông chủ được nhiều người yêu quý, anh có nghĩ đến những năm tháng tù tội. Anh Đức nói: “Tôi cũng rất nhớ, nhưng nhớ là để nhắc nhở mình. Tôi đã tìm và cứu được bản thân mình, sẽ chẳng bao giờ giết mình thêm một lần nữa. Như tôi đã nói, sa ngã có ba bảy đường, đường hoàn lương chỉ có một. Chính cái truyện Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải đã cho tôi tư tưởng để hoàn lương, và làm người. Tôi rất biết ơn ông nhà văn ấy”.

Hồ rộng và đồi xanh. Dưới hồ đầy cá, lợn bò đầy chuồng. Trên đồi keo tai tượng, bạch đàn sau 7 năm được chăm sóc giờ đã xanh tươi. Vùng đồi Gò Tre, Gò Hộc trơ đất, đầm Đượng Giang trũng thành khu vườn sinh thái xanh vút tầm mắt. Bạn bè, bà con các nơi đổ về tham quan học hỏi. Ai cũng ngỡ ngàng thán phục cái tài và nghị lực của một người đã từng làm cướp.

Hãy mở vòng tay

Điều làm anh Đức yên tâm trở về là sự dang tay đùm bọc của bà con lối xóm và cán bộ xã. Họ đã tạo điều kiện để anh giải quyết dồn điền đổi thửa, làm mô hình trang tại tiên tiến. Anh cũng mong chính sách của Đảng và Nhà nước ủng hộ, giúp đỡ những người dân lương thiện, để họ có hướng và cơ hội làm ăn. Cũng như tất cả mọi người, hãy mở rộng vòng tay giúp đỡ những người từng lầm lỗi. Họ cũng là con người, phạm vào lầm lỗi. Khi trở lại cuộc sống thường ngày còn nhiều bỡ ngỡ và mặc cảm, rất cần sự khích lệ kịp thời của đồng loại.

Giờ anh đã là một ông chủ, chẳng những làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động thường xuyên. Vào vụ có khi anh phải thuê đến 30 người. Lại là người tham gia nhiệt tình các chương trình làm từ thiện ở địa phương, đóng góp phần nhiều vào việc làm đường ở thôn văn minh.

Anh đã bỏ lỡ thời trai trẻ của mình nhưng chính khát vọng của một người từng lầm lỗi đã giúp anh dấn bước và trở thành người có ích.