Tuổi thơ bị tước đoạt

ANTĐ - Hàng triệu trẻ em đang hàng ngày hàng giờ bị tước đoạt tuổi thơ do là nạn nhân của các cuộc chiến tranh và xung đột đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Trẻ em bị sử dụng làm lính chiến trong cuộc xung đột ở Rwanda

Vấn đề trẻ em là nạn nhân của các cuộc chiến tranh và xung đột đang làm đau đầu cộng đồng quốc tế. Nhiều giải pháp, nỗ lực cấp độ toàn cầu đã được đưa ra song việc bảo vệ trẻ em trong chiến tranh và xung đột bạo lực hầu như không tiến triển bao nhiêu, khiến hàng triệu trẻ em vẫn bị bắt đi lính hoặc là nạn nhân của bạo lực...

Vì thế mà ngày 12-9, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về bảo vệ trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang Leila Zerrougui đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em. Theo bà Zerrougui, trẻ em đã trở thành nạn nhân chính trong các cuộc xung đột vũ trang do bị bắn giết, bị buộc phải cầm súng nơi chiến trận hoặc phục vụ chiến trường bị cưỡng bức tình dục...

Trước khi bà Zerrougui khẩn thiết kêu gọi phải có biện pháp cấp bách bảo vệ trẻ em trong các cuộc chiến tranh và xung đột, LHQ đã công bố một báo cáo điều tra dài 51 trang, lột tả những điều khủng khiếp mà trẻ em ở những khu vực có chiến tranh đang phải gánh chịu. Sau cuộc điều tra tiến hành từ tháng 1 đến hết tháng 12-2011, các quan sát viên LHQ đã lập ra một “Danh sách ô nhục”, trong đó liệt kê 23 quốc gia trên thế giới xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang. 

Bị điểm mặt chỉ tên trong “Danh sách ô nhục” trên có các bên đang tham gia xung đột ở Syria, Libya, Yemen, Sudan... Theo các quan sát viên LHQ, hiện có tổng cộng có 52 bên tham gia các cuộc chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới, từ các mạng lưới khủng bố khét tiếng như Al Qaeda đến Quân đội kháng chiến của lãnh chúa (LRA) ở Uganda hay những nhóm chiến binh ở CHDC Congo, Mali, Sudan, Somali... 

LHQ cũng đã liệt kê 6 tội ác mà trẻ em ở các khu vực có chiến tranh hoặc xung đột vũ trang đang phải gánh chịu. Đó là: xâm hại tình dục; bắt trẻ em đi lính hoặc lao động khổ sai; giết chết hoặc làm bị thương trẻ em; bắt cóc trẻ em; tấn công các trường học và các bệnh viện; ngăn chặn viện trợ nhân đạo.

Trong báo cáo, các quan sát viên LHQ đặc biệt lưu ý tới số phận trẻ em ở Syria, một lò lửa chiến tranh mới bùng phát song được xem là ác liệt nhất trên thế giới hiện nay. Một xu hướng rất đáng lo ngại khác được chỉ ra là ngày càng có nhiều trẻ em bị biến thành những kẻ đánh bom liều chết, trong đó chỉ riêng tại Pakistan và Afghanistan năm 2011 đã có 11 trường hợp trẻ em phải làm “bom sống”, đặc biệt có 1 em mới tròn 8 tuổi, mà các nhà điều tra LHQ phát hiện được. 

Để tăng cường hơn nữa việc bảo vệ trẻ em trong chiến tranh, bà Zerrougui cho rằng, các quốc gia thành viên LHQ phải xử hình sự đối với mọi loại tội phạm chống lại trẻ em, nhất là ở những nơi đang có chiến sự, và trả tự do ngay cho những cháu bé bị lôi vào các cuộc chiến vì bất cứ lí do gì.