Từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh

ANTĐ - Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đô thị, tôi quan tâm nhiều tới nội dung về phát triển đô thị trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 
Từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh ảnh 1

Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định tại dự thảo rằng, quá trình đô thị hóa ở nước ta những năm gần đây diễn ra khá nhanh và đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển lớn song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và thiếu tính kết nối. Tại nhiều địa phương, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ và có chất lượng thấp. Ở một góc độ nào đó, chúng ta chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn.

Thực tế này dẫn tới sự thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ đô thị hóa là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Tôi hoàn toàn đồng tình với con số tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40% được nêu tại dự thảo báo cáo. Đây là chỉ tiêu chúng ta cần phấn đấu đạt được trong 5 năm tới.

Để làm được điều này, chúng ta cần đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Cùng với đó, cần từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng, đô thị di sản, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị khoa học.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tôi tán thành các giải pháp dự thảo báo cáo đã nêu. Theo đó, cần đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng giao thông, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng ngành điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng đô thị lớn hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của một nước công nghiệp, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên với môi trường sống ở các khu đô thị, dân cư.