Từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên

QĐND - Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 472 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN), năm học 2012-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 giáo viên GDQP-AN cho các cơ sở có nhiệm vụ và từ năm học 2013-2014, các cơ sở này sẽ tuyển sinh đào tạo giáo viên GDQP-AN hệ chính quy tập trung 4 năm, góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP-AN.

Yêu cầu cấp thiết

Giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên góp phần hình thành nhân cách công dân, giáo dục lòng yêu nước, nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để bảo đảm chất lượng GDQP-AN thì đội ngũ giáo viên có vai trò nòng cốt. Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDQP-AN đã đạt được kết quả bước đầu. Từ năm 2003 đến năm 2011, toàn quốc đã đào tạo hơn 15.000 giáo viên GDQP-AN ghép môn và hiện đang đào tạo gần 2.500 giáo viên, song nhìn chung số lượng, chất lượng giáo viên cho môn học này còn nhiều bất cập; số giáo viên đào tạo chuyên ngành đạt chuẩn ít, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, kiêm nhiệm. Theo Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhu cầu giáo viên GDQP-AN còn thiếu khoảng 27.000 người. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng cho biết: “Đào tạo giáo viên GDQP-AN là đề án lớn, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định từ năm 2010, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo: Năm 2012 phải triển khai, tổ chức đào tạo tại một số cơ sở để rút kinh nghiệm...”.

Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra kiến thức QP-AN của sinh viên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: Duy Hồng

Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra kiến thức QP-AN của sinh viên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: Duy Hồng

Mặc dù việc triển khai Quyết định 472 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, song 3 năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng và các cơ sở đào tạo đã phối hợp giúp Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình khung giáo dục đại học ngành sư phạm GDQP-AN trình độ đại học, Chương trình đào tạo giáo viên GDQP-AN trình độ đại học và Chương trình đào tạo giáo viên GDQP-AN văn bằng 2 trình độ đại học. Đến nay, các cơ sở đào tạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định mở ngành đào tạo. Vụ Giáo dục Quốc phòng đã hướng dẫn Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, xác định nhu cầu, cử giáo viên đi đào tạo, làm căn cứ phân công chỉ tiêu và kiểm tra công tác chuẩn bị của các cơ sở đào tạo được giao thực hiện nhiệm vụ này…

Chuyên sâu và chuẩn hóa

Đào tạo giáo viên GDQP-AN trình độ đại học nói chung và đào tạo văn bằng 2 nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học này trong các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, có khả năng giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học và có hướng phát triển ở trình độ cao hơn. Yêu cầu là giáo viên phải thuần thục thao tác kỹ năng quân sự, sử dụng thành thạo vũ khí bộ binh và hiểu biết về các thiết bị quân sự khác; biết tiến hành công tác quốc phòng, quân sự địa phương trong các cơ sở giáo dục đào tạo….

Đào tạo văn bằng 2 giáo viên GDQP-AN là đào tạo theo địa chỉ, trên cơ sở kế hoạch cử giáo viên đi đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ. Thời gian đào tạo 2 năm với người có bằng tốt nghiệp đại học khối ngành sư phạm, được nhà trường và Sở GD&ĐT cử đi đào tạo; thời gian 18 tháng cho đối tượng là giáo viên đang giảng dạy tại các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn 6 tháng giáo viên GDQP hoặc giáo viên ghép môn GDQP. Năm 2012, Bộ GD&ĐT giao hơn 700 chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo thuộc khối trường quân đội là: Trường Đại học Chính trị, Đại học Trần Quốc Tuấn, Đại học Nguyễn Huệ, Đại học Trần Đại Nghĩa và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (nơi có Trung tâm GDQP-AN) tổ chức đào tạo để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai đồng loạt ở các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo. Từ năm học 2013-2014, các cơ sở này sẽ tuyển sinh đào tạo hệ chính quy, tập trung 4 năm…

Giờ học của thầy và trò Trung tâm GDQP-AN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Xuân Hòa
Giờ học của thầy và trò Trung tâm GDQP-AN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Xuân Hòa

Chương trình đào tạo văn bằng 2 được xây dựng chủ yếu là khối kiến thức ngành và cơ sở ngành; đối tượng đào tạo 24 tháng là 48/67 tín chỉ; đào tạo 18 tháng là 34/51 tín chỉ. Vì là đào tạo tập trung, kết hợp với rèn luyện, nên học viên đào tạo 24 tháng tại cơ sở đào tạo ngoài quân đội, phải có ít nhất 1 học kỳ học tập, rèn luyện tập trung tại trường đại học quân đội (với học viên đào tạo 18 tháng là 3 tháng tại trường đại học quân đội). Đại tá Đào Văn Chung, Phó giám đốc Trung tâm GDQP-AN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhận xét: Chương trình đào tạo giáo viên GDQP-AN được xây dựng khoa học, phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, chuyên sâu về trình độ chuyên môn của giáo viên...

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN năm học 2012-2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga yêu cầu các Sở GD&ĐT tuyển chọn, bố trí giáo viên GDQP-AN có hướng phát triển lâu dài đi đào tạo, đồng thời bảo đảm quyền lợi, chế độ cho giáo viên đi học theo quy định hiện hành. Đối với các đại học, học viện, trường cao đẳng, trung tâm GDQP-AN cho học sinh, sinh viên, ưu tiên tuyển chọn giảng viên đã tốt nghiệp các khóa đào tạo ngắn hạn 6 tháng hoặc dài hạn ghép môn GDQP-AN đi đào tạo. Với các trường trung cấp chuyên nghiệp phải chú trọng tổ chức biên chế và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP-AN, tuyển chọn, bố trí giáo viên GDQP-AN có hướng phát triển lâu dài đi đào tạo….

Thực tế việc cử giáo viên đi đào tạo còn gặp khó khăn, bởi một số giáo viên có nhu cầu thực sự, nhưng cũng có giáo viên ở vào tình thế “gượng ép” vì đã đạt chuẩn ở một chuyên ngành đào tạo, nhưng do không có nhu cầu phải chuyển sang giảng dạy GDQP-AN. Thời gian 2 năm học cũng là một khó khăn với giáo viên và gia đình... Đối với các cơ sở giáo dục, nếu cử giáo viên đã xác định biên chế, chuyên trách đi đào tạo tập trung sẽ rất khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường và giáo viên được cử đi đào tạo, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến và cơ bản thống nhất thực hiện theo phương thức đào tạo là: Hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian từ 3 đến 4 năm, mỗi năm học một học kỳ vào thời điểm tháng 6, 7, 8 và tháng 10, 11, 12. Các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo, nhất là các trường quân đội cần nghiên cứu phương thức đào tạo và quản lý cho phù hợp, tạo thuận lợi cho người học.

Do việc đào tạo văn bằng 2 giáo viên GDQP-AN triển khai chậm, nên năm 2012 chưa dự toán kinh phí, nhưng theo chỉ tiêu được giao, các cơ sở đào tạo sẽ được cấp bù vào ngân sách năm 2013. Về chính sách đối với học viên đào tạo giáo viên GDQP-AN quy định trong đề án, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng dự toán chi phí đào tạo tính trên 1 học viên như đối với học viên sĩ quan lục quân (trừ khoản phụ cấp lương); học viên được sinh hoạt, học tập nội trú, được cấp quân trang như học viên sĩ quan...

Vũ Xuân Dân