Tưng bừng trẩy hội

ANTĐ - Là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất Hà Nội, lễ hội Gò Đống Đa diễn ra từ mùng 5 Tết Âm lịch là dịp tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và cũng là dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789). 

Lễ hội Gò Đống Đa (mùng 5 Tết Âm lịch)

Tưng bừng trẩy hội  ảnh 1

Là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất Hà Nội, lễ hội Gò Đống Đa diễn ra từ mùng 5 Tết Âm lịch là dịp tưởng nhớ người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và cũng là dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789). Tại lễ hội, người dân sẽ được tham gia các trò chơi và chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đấu vật…

Lễ hội Chùa Hương (mùng 6 Tết Âm lịch)

Tưng bừng trẩy hội  ảnh 2

Thành thông lệ, cứ vào mùng 6 Tết Âm lịch, bà con Phật tử trên khắp mọi miền lại nô nức trẩy hội Chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất tại Việt Nam. Đến với khu thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), du khách xuôi dòng suối Yến, đi cáp treo vào thăm động Hương Tích - được mệnh danh là  “Nam Thiên đệ nhất động”, thành kính thắp hương tại chùa Thiên Trù… Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc như bơi thuyền, leo núi, xem các chiếu hát chèo, hát văn…

Lễ hội Cổ Loa (mùng 6 Tết Âm lịch)

Tưng bừng trẩy hội  ảnh 3

Được tổ chức vào mùng 6 Tết Âm lịch, lễ hội Cổ Loa diễn ra tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương  - người có công xây dựng nhà nước Âu Lạc, định đô tại Cổ Loa. Nhắc đến lễ hội Cổ Loa không thể không nhắc đến truyền thuyết về nỏ thần và mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước Văn, tế lễ và rước thần của “bát xã” - nơi thờ Thục Phán nhằm tưởng nhớ vị thánh linh, cầu an, cầu hạnh phúc cho mọi nhà.  

Lễ hội Gióng (mùng 6 và 8 Tết Âm lịch)

Ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng - một trong Tứ bất tử của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, Hội Gióng được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội. Trong đó, 2 lễ hội tiêu biểu là hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội - nơi sản sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, khai hội mùng 8 Tết Âm lịch và hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) - tương truyền là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời (mùng 6 Tết Âm lịch). 

Lễ hội đền Trần (14 tháng Giêng Âm lịch)

Tưng bừng trẩy hội  ảnh 4

Thường diễn ra từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đền Trần Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần. Điểm nhấn trong lễ hội là lễ Khai ấn - thu hút hàng vạn người dân từ khắp mọi nơi đổ về xin ấn cầu mong một năm mới thành đạt, phát tài. Sau ngày Khai ấn là các nghi thức quan trọng như lễ rước nước, tế cá. 

Lễ hội Lim (13 tháng Giêng Âm lịch)

Tưng bừng trẩy hội  ảnh 5

Được coi là lễ hội lớn nhất của quê hương Kinh Bắc, Hội Lim là nơi diễn ra nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Ngoài ra, phần hội cũng gồm nhiều trò chơi dân gian nổi tiếng như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - nơi các liền anh liền chị đi trên thuyền, thi đối đáp bằng những làn điệu quan họ đậm chất nghĩa tình. Lễ hội Lim được tổ chức tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, khai hội vào ngày 13 Tết Âm lịch. 

Lễ hội Yên Tử (10 tháng Giêng Âm lịch) 

Tưng bừng trẩy hội  ảnh 6

Lễ hội Yên Tử hàng năm thu hút hàng vạn Phật tử, tín đồ trong  và ngoài nước. Hành hương về non thiêng Yên Tử, du khách thành kính dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, tham dự lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng” cùng các hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng lân, võ thuật cổ truyền… Hội xuân Yên Tử mở màn vào ngày 10 tháng Giêng tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.