Tủi phận lao động giúp việc người Philippines bị ngược đãi ở Anh

ANTĐ - Luôn bị lạnh và đói, bị xúc phạm và cả bị quỵt lương… người lao động giúp việc Philippines gặp phải rất nhiều tình huống ngược đãi gây sốc dưới tay chủ sử dụng lao động giàu có người Vùng Vịnh sống ở London, nhưng họ vẫn âm thầm cam chịu, không dám trình báo vì lo bị trục xuất.

Tủi phận lao động giúp việc người Philippines bị ngược đãi ở Anh ảnh 1Nhiều phụ nữ Philippines xác định đối mặt với rủi ro khi quyết định đi xuất khẩu lao động

Sống trong tủi nhục

Adele (tên nhân vật đã thay đổi), 34 tuổi, người tỉnh Cavite của Philippines chọn đi làm giúp việc ở Arập Xêút vì gia đình cô rất cần tiền, bọn trẻ phải gửi người thân chăm sóc. “Khi tới Anh, mỗi ngày tôi phải đưa trẻ vào công viên Hyde Park, có khi đến 10h đêm. Tôi chỉ được đưa 5 bảng để cô chủ nhỏ ăn trưa, khi hỏi tiền ăn của tôi, bà chủ quát tháo và đưa cho tôi một cái bánh quy. Tôi luôn bị lạnh và đói”. Tệ hơn, Adele không được trả lương vì lần nào yêu cầu, bà chủ chỉ nói là hãy chờ.

Adele chỉ là một trong số gần 17.000 người, chủ yếu là phụ nữ đến nước Anh bằng thị thực lao động giúp việc cho người nước ngoài mỗi năm. Hai phần ba số hồ sơ xin thị thực này xuất phát từ các quốc gia Vùng Vịnh như ArậpXê út hay Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Khi trò chuyện với những đồng nghiệp khác người Philippines, Adele còn cười nói kể về những việc làm quá quắt của nhà chủ, nhưng cô bắt đầu rơm rớm nước mắt khi nhắc đến chuyện có thể bị đưa về nước. “Tôi đã khóc rất nhiều khi nghĩ đến chuyện bị gửi trả về Philippines. Tôi còn gánh nặng lớn về tài chính. Đôi lúc tôi nghĩ tốt hơn là ở lại làm di dân không có giấy tờ để có thể làm việc và gửi tiền về nhà”. 

Trong khi đó, Marie cũng nước mắt lăn dài khi kể về hoàn cảnh của mình. Người phụ nữ 24 tuổi này rời khỏi nhà khi mới 17, cô đã khai gian tuổi để có thể làm việc tại Qatar. Marie cho biết, cô cũng được đưa đến Đại sứ quán Anh tại Qatar để ký giấy tờ visa mà không được đọc nó. Rồi chị vén tay áo lên, để lộ vết sẹo do bỏng: “Tôi làm việc cho một phụ nữ lớn tuổi. Bà ấy thường xuyên nhục mạ tôi, gọi tôi là điên, là con chó hay con điếm. Một ngày bà ấy muốn tôi là quần áo, trong khi chờ bàn là nóng, bà ta cầm bàn là rồi ấn lên tay tôi”. Cuối cùng cô đã bỏ đi vì không thể sống mãi trong cảnh bị ngược đãi như vậy. Không dám trình báo cơ quan chức năng hay cảnh sát, cô đến ở nhờ bạn bè vài tháng, sống qua ngày bằng việc phát tờ rơi.

Trói buộc về pháp lý

Trước đây, người đi xuất khẩu lao động làm nghề giúp việc có quyền thay đổi công việc và gia hạn visa làm việc tại Anh. Tuy vậy, năm 2012, Chính phủ Anh áp dụng quy định visa phải gắn với chủ sử dụng lao động, điều đó có nghĩa là người giúp việc mà bỏ nhà chủ sẽ khó có cơ hội tìm việc khác và bị trục xuất về nước. Nhiều người đã chỉ trích cho rằng đây là “visa mang tính trói buộc”, rằng nó sẽ khiến phụ nữ bị mắc kẹt trong cảnh ngược đãi, họ sợ tố cáo vì biết rằng một khi làm như vậy thì sẽ không có quyền ở lại Anh tìm việc làm tiếp.

Bà Phoebe Dimacali, Chủ tịch Hiệp hội Người giúp việc Philippines cho biết, một giáo hội đã được mở ra 10 năm nay để giúp đỡ những nạn nhân bị ngược đãi. Trước kia, bà thường đi khắp công viên Hyde Park, tiếp cận những phụ nữ Philippines đang trông trẻ, nếu người nào rơi vào cảnh quá khổ, bà khuyên họ bỏ nhà chủ đó đi. Nhưng kể từ khi luật thay đổi, việc đó đã ngừng hẳn. “Nếu một người nào đó thực sự tuyệt vọng tìm đến, chúng tôi giải thích với họ về rủi ro khi chạy trốn khỏi nhà chủ. Họ sẽ rất khó tìm việc mới vì giấy tờ không có. Còn để chứng minh là nạn nhân của nạn buôn người thì thủ tục cũng rất phức tạp”, bà Dimacali cho biết. 

Những người làm nghề giúp việc vẫn gặp nhau ở nhà thờ tại London vào chủ nhật hàng tuần nói rằng, họ biết cả về rủi ro khi rời Philippines tới làm việc ở các nước Vùng Vịnh. “Mỗi ngày trên Facebook, chúng tôi đều nghe được những câu chuyện khủng khiếp từ Vùng Vịnh. Nào là có người bị đẩy khỏi cửa sổ tòa nhà cao tầng, rồi có người bị bàn là đè vào chân. Nhưng do cuộc sống quá khó khăn, ngay cả khi biết làm việc xa xứ thực sự nguy hiểm, chúng tôi vẫn chấp nhận rủi ro và hy vọng mình không trở thành nạn nhân”, bà Dimacali nói.