Túi nâng ngực PIP gây ung thư từng có mặt ở Việt Nam

ANTĐ - Nhãn hiệu túi nâng ngực này từng được đưa vào bán cho các cơ sở thẩm mỹ tại Việt Nam để cải thiện vòng 1 cho chị em.
Cơ quan quản lý y tế của Pháp khuyến cáo 30.000 phụ nữ Pháp phải tháo túi nâng ngực của Công ty Poly Implant Prothese vì chất lượng kém, dễ thấm nứt, dễ vỡ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Thông tin này khiến nhiều chị em hoang mang vì thực tế, sản phẩm trên đã từng được rao bán ở trong nước cách đây vài năm.

Cần đến bệnh viện kiểm tra

Sản phẩm được các nhà chức trách Pháp đề nghị tháo bỏ là túi PIP của công ty chuyên sản xuất túi nâng ngực Poly Implant Prothese. Lý do khuyến cáo phải phẫu thuật tháo bỏ là do Pháp  đã  ghi nhận ít nhất 3 trường hợp từng ghép túi PIP bị ung thư vú. Đáng chú ý là trường hợp bà Edwige Ligonèche, 53 tuổi, qua đời ngày 2/11 vì một dạng ung thư hệ bạch huyết cực hiếm được xác định tiếp xúc với túi PIP.

Túi PIP sử dụng silicon dùng trong công nghiệp, không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nên tỷ lệ thấm nứt cao gấp đôi so với những sản phẩm khác.

Theo báo cáo mới của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tỷ lệ mắc ung thư hệ bạch huyết (ALCL) ở phụ nữ nước này là 1/500.000, tỷ lệ xuất hiện ở ngực càng hiếm hơn. Tuy nhiên, FDA đã ghi nhận được 60 trường hợp nữ được ghép túi nâng ngực (của nhiều hãng khác nhau) trên thế giới bị ung thư dạng ALCL.

Như vậy các thông tin mới ở mức sơ khởi, nhưng cũng đã khiến người dân một số nước (trong đó có Việt Nam) lo ngại.  Qua tìm hiểu của phóng viên Báo GĐ&XH thì nhãn hiệu túi nâng ngực này từng được đưa vào bán cho các cơ sở thẩm mỹ tại Việt Nam để cải thiện vòng 1 cho chị em. Tuy nhiên vài năm gần đây, loại túi PIP này  không được giới làm thẩm mỹ trong nước ưa chuộng vì đã có nhiều loại túi của những hãng khác.

PGS. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn (Hà Nội) khẳng định, túi độn ngực PIP đã từng được chào mời ở Việt Nam. Nhưng từ trước đến nay, hầu như giới bác sĩ thẩm mỹ chính quy không dùng túi ngực này. Nó cũng không được nhập qua đường chính thức, nếu có thì đó là loại hàng xách tay trôi nổi. "Cũng từng có người gọi điện giới thiệu tôi nhập sản phẩm này cho khoa, nhưng sau khi tìm hiểu thấy không yên tâm về chất liệu làm túi nên khoa đã không nhập, không sử dụng", BS. Sơn cho biết.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo, nếu cơ quan chuyên môn tại Pháp đã thông báo về túi nâng ngực PIP gây ung thư thì những chị em trong nước ai đã đặt loại túi này cần phải đến cơ sở, bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra.

Viêm nhiễm khi vỡ túi nâng ngực

Theo TS.BS Lê Hành, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - BV Chợ Rẫy (TP HCM) thời gian gần đây, túi nâng ngực PIP không được các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chính quy dùng. Loại phổ biến nhất hiện nay là các hãng nổi tiếng của Mỹ và được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm định chặt chẽ.  Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một công trình nào trên thế giới chứng minh rằng dùng túi độn ngực PIP có thể gây ung thư trên người.

Còn PGS. TS Trần Thiết Sơn cho biết, nhu cầu phẫu thuật đặt túi ngực của chị em ngày càng tăng. Không chỉ những phụ nữ tuổi trung niên mà cả những em sinh viên, thậm chí 17 - 18 tuổi cũng đua nhau đi nâng ngực những mong đôi "bồng đào" được đẹp hơn. Nâng ngực bằng túi silicon là lựa chọn phổ biến của nhiều chị em. Chị em có thể phải đối mặt với vấn đề rủi ro là túi silicon bị vỡ. Nếu chẳng may túi silicon bị vỡ thì sẽ có thể gây ra tình trạng viêm của lớp vỏ xơ và hình thành mô sẹo trong vú. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các mô sẹo có thể dẫn đến đau, thay đổi trong đường viền hoặc hình dạng của vú. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh chuyện vỡ túi nâng vú silicone gây ra vấn đề nghiêm trọng, lâu dài về sức khỏe.

Nếu là túi silicon nâng ngực bị vỡ sau khi đặt thì dịch silicon thoát ra khỏi bao sẽ khiến bộ ngực bị sẹp, sờ cứng do silicon thoát ra đóng cục gây cứng, bên cao bên thấp, sẹo lồi. Một số phụ nữ có thể có các triệu chứng như: Đau, rát, ngứa, sưng, tê hoặc đỏ ở quanh vùng ngực bị ảnh hưởng hoặc nổi cục u cứng xung quanh mô cấy hoặc ở nách. Tuy nhiên, biến chứng này tùy thuộc vào từng cơ địa, kỹ thuật đặt túi, chất liệu túi, mức độ xoa bóp vú sau mổ và tình trạng chảy máu sau mổ. Khi bị vỡ chỉ cần phẫu thuật bỏ ra là không có biến chứng gì.

BS Lê Hành cho rằng, túi silicon bị vỡ sau khi nâng ngực cũng ít có khả năng gây ung thư vú. Nếu vỡ sẽ gây viêm nhiễm và tạo thành các viêm nang gây biến dạng ngực. Cho đến hiện tại, khoa chưa tiếp nhận một trường hợp nào cho thấy vỡ túi nâng ngực gây ung thư vú. Vì vậy, nếu ai từng dùng túi nâng ngực PIP nên đến viện để kiểm tra nhưng cũng không nên quá hoang mang.