Tuân thủ phán quyết của PCA về Biển Đông là tôn trọng công lý

ANTĐ - Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, trong khi Bắc Kinh có những phản ứng gây lo ngại sâu sắc.

Tuân thủ phán quyết của PCA về Biển Đông là tôn trọng công lý ảnh 1Tuân thủ phán quyết của PCA trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc là tôn trọng và hành động theo công lý quốc tế

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 12-7 đã lên tiếng kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế và tránh có các hành động làm gia tăng căng thẳng. Lời kêu gọi của người đứng đầu LHQ đưa được đưa ra ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về việc Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền với 80% diện tích vùng biển này của Bắc Kinh.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, trong khi đối thoại đang tiếp diễn nhằm giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình thì các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ, không thực hiện các hành động gia tăng thêm căng thẳng.

Ông Ban Ki-moon cũng bày tỏ hy vọng rằng việc tham vấn đang tiếp diễn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc dựa trên Tuyên bố về  ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) sẽ dẫn tới sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các bên có tranh chấp tại Biển Đông.

Lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ còn được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc - bên được dư luận quốc tế cho rằng thua trong vụ kiện của Philippines - không chỉ tuyên bố không công nhận tư cách của PCA lẫn phán quyết của tòa án này mà còn đang có những động thái khiến khu vực hết sức lo ngại.

Ngay trước thời điểm tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã có những hành động thể hiện sức mạnh hung hăng như điều máy bay hạ cánh ở hai đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa, đặt lực lượng ứng phó khẩn cấp ở Thủ đô Bắc Kinh vào trạng thái trực chiến…

Tại cuộc họp báo tổ chức ngay sau khi PCA ra phán quyết, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đe dọa về việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh cũng từng nhiều lần “úp mở” về việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, hòng đặt tất cả máy bay bay qua vùng biển này vào tầm kiểm soát.

Những phản ứng tiêu cực cùng động thái đáng lo ngại của Trung Quốc sau phán quyết của PCA càng cho thấy tính cấp thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bởi phán quyết được đưa ra chiểu theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, công ước được xem là Hiến pháp của cả thế giới về đại dương.

Ra đời từ năm 1899, PCA đã phân xử và ra phán quyết với hàng chục vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền trên đất liền trên biển khắp thế giới. Những phán quyết công bằng và khách quan dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế của PCA được các quốc gia và cộng đồng thế giới chấp nhận và tuân thủ, lấy làm cơ sở để đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Chính vì thế, không chỉ người đứng đầu LHQ mà cộng đồng quốc tế đều đã kêu gọi tuân thủ phán quyết của PCA trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tôn trọng, tuân thủ phán quyết này của PCA chính là tôn trọng và hành động theo công lý được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.