Tuân thủ nghiêm giãn cách để sớm “xanh hóa vùng đỏ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó”, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 17 và Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là điều kiện rất quan trọng để sớm “xanh hóa vùng đỏ” - nơi có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp - nhằm đưa đời sống kinh tế-xã hội của người dân Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.
Lực lượng chức năng của thành phố thiết lập các chốt kiểm soát để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Lực lượng chức năng của thành phố thiết lập các chốt kiểm soát để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội

“Ai ở đâu thì ở đó” để chặn đứng chuỗi lây lan của dịch bệnh

Sau thời gian chuẩn bị, TP Hà Nội từ hôm nay (8-9) bắt đầu thực hiện nghiêm việc kiểm soát, kiểm tra việc người dân ra đường, bất kỳ ai ra đường không có lý do chính đáng, không thuộc đối tượng được ra đường đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là việc làm cần thiết để thực hiện nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và 2 Chỉ thị 17 và Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP, Hà Nội đã đạt được những kết quả phòng chống dịch Covid-19 tích cực, đặc biệt là kiểm soát được tình hình, không để dịch bùng phát mạnh hơn. Dù biến chủng mới Delta rất nguy hiểm và dễ lây lan, song số ca mắc Covid-19 mới ở thành phố đã được kiềm chế dưới 100 ca mỗi ngày, các chuỗi lây lan, ổ dịch phức tạp đều đã cơ bản được kiểm soát.

Kết quả quan trọng của việc thực hiện giãn cách xã hội là thành phố đã hình thành những “vùng cam” và nhất là “vùng xanh” an toàn với dịch bệnh. Theo đó, “vùng cam” bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Tại vùng này, từ ngày 6-9 đã có thể đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi. “Vùng xanh” gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn “vùng đỏ” có nguy cơ dịch bệnh cao, là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện, “vùng đỏ” gồm 15 đơn vị hành chính: toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Nhằm sớm “xanh hóa vùng đỏ” để toàn thành phố có thể trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND TP ngày 3-9 đã ban hành Chỉ thị 20 nhằm triển khai các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, thực chất hơn. Lực lượng chức năng của thành phố đã xác định 6 nhóm đối tượng được phép ra đường kể từ 6h ngày 6-9 nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc di chuyển, một nguyên nhân hàng đầu khiến dịch bệnh có thể lây lan, thực hiện đúng nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

Dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để

Vì sự an toàn của người dân và của chính những người ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP và đặc biệt là sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thuộc đối tượng được phép ra đường và ra đường không có lý do chính đáng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, tại vùng 1 - vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị số 16, với nhiệm vụ trọng tâm là phải hạn chế lượng người ra đường để tránh lây lan dịch bệnh.

Nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố giao CATP Hà Nội tham mưu phương án cấp giấy ra đường cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin, bảo đảm nhanh, gọn, thuận tiện; lập các chốt kiểm soát, tổ chức kiểm tra lưu động trên các tuyến đường theo hướng siết chặt hơn nhằm hạn chế lượng người ra đường, thực hiện giãn cách triệt để ở vùng 1 - “vùng đỏ”. Tăng cường giãn cách xã hội một nghiêm ngặt, chặt chẽ “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà”, “ai ở đâu thì ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong” tại vùng 1 - vùng nội đô của thành phố là nhằm kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch, dần tiến đến xanh hóa toàn bộ các “vùng cam”, “vùng đỏ” hiện nay.

Việc siết chặt hơn giãn cách xã hội sẽ tác động, ảnh hưởng nhất định tới người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp chủ động tổ chức lại hoạt động, tăng cường làm việc trực tuyến, giảm bớt nhân công làm việc trực tiếp để chung tay với thành phố chống dịch. Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng kêu gọi người dân Hà Nội chia sẻ, ủng hộ các biện pháp của thành phố để quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, mọi chủ trương, chính sách nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thì không thể thực hiện thành công. Bí thư Thành ủy nêu rõ, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, sớm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố thì ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, cần có sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân Thủ đô.

Chủ trương lớn, biện pháp mạnh mẽ của thành phố về hạn chế tối đa di chuyển từ ngày 6-9 cũng là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến ngày 5-9 với các địa phương trên cả nước là “đã hy sinh phát triển kinh tế để thực hiện giãn cách thì dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội”. Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian giãn cách xã hội mà làm chập chờn thì mất cả hai: Không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Giãn cách xã hội phải làm triệt để, trong thời gian ngắn.