Tuân thủ nghiêm biện pháp chống dịch để ngăn chặn, kiểm soát Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước ta, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường với số ca nhiễm mới đã lên tới 4 con số mỗi ngày. Thế nhưng, chính trong lúc thử thách ngặt nghèo chống dịch này, chúng ta cần hết sức bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch.
Việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp TP.HCM sớm kiểm soát được đợt dịch Covid-19 hiện nay

Việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp TP.HCM sớm kiểm soát được đợt dịch Covid-19 hiện nay

Nhiều thách thức, khó khăn trong phòng chống dịch

Theo số liệu công bố của Bộ Y tế trưa 12-7, số ca mắc mới Covid-19 tại nước ta trong vòng 6 giờ (từ sáng đến trưa cùng ngày) đã lập đỉnh mới khi ghi nhận thêm 1.112 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1.105 ca ghi nhận trong nước. TP.HCM tiếp tục là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều và tăng nhanh nhất cả nước với 879 trường hợp; tiếp đó là Đồng Nai 82 ca, Tiền Giang 49, Đồng Tháp 38, Phú Yên 9, Bắc Giang 7, Hưng Yên 7… Đáng chú ý, TP Hà Nội sau thời gian nhiều ngày không có ca mắc mới hoặc số ca mắc thấp đã ghi nhận thêm 26 ca bệnh Covid-19 mới.

Cho dù phần lớn số trường hợp nhiễm mới công bố trưa 12-7, tổng số 998 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa song vẫn còn hơn 100 ca mắc mới chưa rõ nguồn lây, đang tiếp tục điều tra dịch tễ. Với việc có thêm 1.112 ca nhiễm mới, tổng số trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại nước ta đã lên tới 31.590 ca, trong đó có 9.275 ca đã khỏi bệnh và số ca tử vong là 123 trường hợp. Tính tới trưa này 12-7, nước ta có 22.195 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, TP.HCM tiếp tục là “điểm nóng” nhất. Theo đó, chỉ trong 4 ngày qua, thành phố là trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu của cả nước đã ghi nhận thêm gần 5.000 ca mắc Covid-19, trong khi đầu đợt dịch này, phải mất hơn 3 tháng (từ ngày 27-4 đến 3-7) mới đạt tới con số 5.000 ca nhiễm mới. Đặc biệt, 3 ngày nay, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đều trên 1.200 trường hợp mỗi ngày, trước tuần đầu tháng 7 chỉ ghi nhận khoảng 400-700 ca mắc mới mỗi ngày.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dịch lây lanh nhanh và khó kiểm soát là do biến chủng virus SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene virus các ca bệnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, biến chủng Delta đang chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4. Chủng này khiến cho các tỉnh phía Nam ghi nhận nhiều trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính với SARS-CoV-2 chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc, phơi nhiễm.

Biến chủng gây bệnh với kỳ lây nhiễm ngắn, có trường hợp sau phơi nhiễm 2-3 ngày đã có thể lây bệnh cho người khác. Trong khi đó, với mật độ dân cư rất cao tại thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, khó khăn.

Việc số ca mắc Covid-19 mới ở TP.HCM tăng nhanh không chỉ gây lo lắng cho người dân thành phố mà còn là nguyên nhân khiến dịch lây lan sang các địa phương lân cận ở Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Từ cuối tháng 6 tới nay, các ca mắc mới ở một số địa phương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… tăng rất nhanh.

Có những người đã tỏ ra mất bình tĩnh trước những trường hợp dương tính phát hiện tại địa phương, đơn vị. Trong đó có trường hợp công nhân một công ty ở tỉnh Bình Dương đã không hợp tác ở lại khai báo y tế, lẫy mẫu xét nghiệm mà bỏ về khiến dịch bệnh không những không được kiểm soát mà có nguy cơ lây lan thêm.

Chung sức, đồng lòng, quyết tâm dập dịch

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhanh ở TP.HCM, song Chính phủ, chính quyền các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ để sớm kiểm soát tình hình, trong đó đã thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương khác ở phía Nam, tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương mình cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm “bóc tách” các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, sớm nhất có thể để chặt đứt các chuỗi lây lan.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị, toàn TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, “giữ chặt vùng xanh an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ”, tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc người dân ra khỏi nhà không cần thiết. Theo Phó Thủ tướng, những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực, tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, TP.HCM sẽ kiểm soát được tình hình.

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc chữa trị các ca bệnh Covid-19, TP.HCM đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, dự kiến số giường sẽ tăng lên 30.000 và sẵn sàng có kịch bản cho 50.000 giường. Nhằm chi viện nhân sự cho công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, Bộ Y tế đã huy động đội ngũ gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực. Tương tự, Bộ Y tế và các tỉnh thành khác trên cả nước cũng sẵn sàng chi viện cho các địa phương phía Nam có số bệnh nhân gia tăng.

'Cùng với các giải pháp trên, Bộ Y tế cũng đã áp dụng thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn dịch lây lan từ TP.HCM ra các địa phương lận cận cũng như từ các tỉnh thành phía Nam ra các địa phương khác trên cả nước. Bộ Y tế chiều ngày 12-7 đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP.HCM về địa phương. Theo đó, điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 7 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Nhằm ứng phó với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, Hà Nội cũng áp dụng các biện pháp mới mạnh mẽ hơn. Thành phố quyết định, từ 0h ngày 13-7, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc gội đầu…; dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Với nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao như hiện nay, đây là biện pháp quan trọng để ngăn chặn, không để dịch bùng phát, lây lan rộng… Khi nào tình hình được kiểm soát, bảo đảm các điều kiện an toàn cho người dân, thành phố sẽ lại nới lỏng trở lại”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý: “Không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không sợ hãi, mất bình tĩnh trước dịch bệnh”. Chúng ta vì thế càng lúc dịch bệnh khó khăn, phức tạp càng cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch bởi chỉ có thống nhất ý chí và hành động để cùng chung sức đồng lòng mới có thể sớm ngăn chặn, kiểm soát đợt dịch phức tạp nhất hiện nay.