Từ vụ vật thể lạ rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang: Rác vũ trụ "bao vây" Trái đất

ANTĐ - Một số vật thể lạ hình cầu rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang dù không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng đã cảnh báo tình trạng rác thải vũ trụ gây nguy hại cho Trái đất. 

Từ vụ vật thể lạ rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang: Rác vũ trụ "bao vây" Trái đất ảnh 1

Ảnh do NASA chụp cho thấy, Trái đất đang ngộp thở bởi rác thải bao vây

Khó xác định chủ nhân vật lạ

Nhận định về vật thể lạ rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang những ngày vừa qua, GS Nguyễn Khoa Sơn, Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ Nhà nước cho rằng, đó có thể là bình chứa nhiên liệu của vệ tinh. Theo GS Nguyễn Khoa Sơn, trên vũ trụ có hàng nghìn vệ tinh hoạt động. Một số sau khi hoàn thành nhiệm vụ rơi vào bầu khí quyển Trái đất sẽ bốc cháy, trong đó có vệ tinh lớn cháy không hết trước khi rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên,  vật thể rơi xuống Yên Bái và Tuyên Quang còn nguyên vẹn, chứng tỏ nó rơi từ độ cao chỉ dưới 100 km. “Đây có thể là kết quả của một vụ phóng vệ tinh không thành công”, GS Nguyễn Khoa Sơn cho biết. 

Liên quan tới vụ việc, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thông tin, vật thể lạ hình cầu do Nga sản xuất nhưng rất khó để tìm ra chủ nhân thực sự của những vật thể này. Các vật thể này có thể là bình đựng khí nén chuyên dụng của các tên lửa đẩy hoặc tàu vũ trụ. Khi hết hạn sử dụng, chúng bị bỏ đi, bay lơ lửng trong không gian và khi có tác động của lực hút Trái đất thì rơi xuống mặt đất.

Cũng theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, dù các vật thể lạ này rơi xuống không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng chúng có thể uy hiếp đến an toàn hàng không nếu chẳng may rơi trúng, va chạm với máy bay. Bộ Quốc phòng sẽ tổng hợp thông tin về vụ việc và báo cáo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia để báo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có thông báo đến các quốc gia đang có chương trình, hoạt động nghiên cứu vũ trụ cẩn trọng hơn khi hủy bỏ các thiết bị đã qua sử dụng, đảm bảo an toàn hàng không và an toàn dưới mặt đất.

Nửa triệu vật thể lạ bao quanh Trái đất

PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết, Việt Nam chưa có thống kê về các trường hợp vật thể lạ rơi xuống, gây thiệt hại về người và tài sản. Trên thế giới, hiện tượng tương tự xảy ra nhiều bởi tình trạng rác thải vũ trụ đã ở mức báo động. Nhiều nước trên thế giới rất lo ngại thực trạng này. Ước tính, trên 29.000 mảnh rác vũ trụ có đường kính trên 10cm đang trôi nổi trong không gian.

Nếu tính cả những vật thể có đường kính dưới 10cm, con số này lên tới nửa triệu vật thể. Các vật thể này nếu rơi xuống Trái đất sẽ gây thiệt hại khó lường. Bởi vậy, các nhà khoa học trên thế giới từ nhiều năm qua đã và đang nghiên cứu các giải pháp để ngăn ngừa và giảm bớt hậu quả do rác thải vũ trụ gây ra. 

Cũng theo PSG. TS Phạm Anh Tuấn, NASA - cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ cho biết, những bức ảnh được chụp từ vũ trụ cho thấy, Trái đất được bao quanh bởi lớp hỗn độn rác thải, tồn tại song hành cùng các vệ tinh bay quanh quỹ đạo. Từ khi nước Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1 lên quỹ đạo vào năm 1957, đến nay, hiện có khoảng 6.000 vệ tinh nhân tạo đang quay quanh Trái đất, trong đó, Mỹ là quốc gia có số lượng vệ tinh nhiều nhất. Có tới 400 vệ tinh bay chệch ra ngoài quỹ đạo của nó và nhiều vệ tinh đã không còn hoạt động.  

Nói về mối nguy hại của rác thải vũ trụ, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, do các vật thể trôi nổi di chuyển với vận tốc hơn 28.000km/h nên dù là những vật thể có kích cỡ nhỏ hơn hòn bi cũng tạo ra sức tàn phá lớn. Khoảng 70% rác vũ trụ đang lơ lửng ở quỹ đạo thấp của Trái đất, tức vùng không gian có độ cao 2.000 km. Thế giới đã từng ghi nhận nhiều vụ va chạm giữa rác thải và các vệ tinh gây thiệt hại rất lớn.