Từ vụ nữ giám đốc dùng ảnh nhạy cảm tống tiền hiệu trưởng: Cưỡng đoạt tài sản có thể phải ngồi tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Cơ quan CSĐT -CAT Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Lan (36 tuổi, ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương) do có hành vi dùng ảnh nhạy cảm để tống tiền một hiệu trưởng.

Thông tin ban đầu cho thấy, Nguyễn Thị Lan (giám đốc Trung tâm khoa học giáo dục và đào tạo Đức Trí (một cơ sở tư nhân có trụ sở tại phố Lê Hoàn, TP Hải Dương) lưu giữ khá nhiều hình ảnh, video có nội dung nhạy cảm của chị Đ.T.K.T (hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Hải Dương).

Do vậy, đối tượng này đã yêu cầu chị T phải đưa 180 triệu đồng, nếu không sẽ phát tán những hình ảnh, video này lên mạng xã hội và cung cấp cho lãnh đạo TP Hải Dương.

Chị T đã trình báo sự việc tới cơ quan công an. Ngày 23-1, khi Lan đang nhận tiền của chị T ngay tại trường học thì bị bắt quả tang. Hiện Lan đã bị khởi tố để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Đối tượng Nguyễn Thị Lan (Ảnh: Báo Hải Dương)
Đối tượng Nguyễn Thị Lan (Ảnh: Báo Hải Dương)

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 170 BLHS 2015 về Tội cưỡng đoạt tài sản quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…thì bị phạt tù từ 3-10 năm….Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Về khách thể tội cưỡng đoạt tài sản, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Tội cưỡng đoạt tài sản cùng lúc xâm hại đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt phải giao tài sản.

Về mặt khách quan, tội cưỡng đoạt tài sản thể hiện ở hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiện hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội (như đe dọa hủy hoại tài sản, loan tin về đời tư, tố giác hành vi phạm pháp…của người bị đe dọa).

Tội cưỡng đoạt tài sản có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi, không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này – Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.