Từ vụ ngộ độc Pate Minh Chay: Nhà cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải chịu trách nhiệm ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ hàng chục người bị ngộ độc Pate Minh Chay, Luật sư Lê Hồng Vân-Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân và bồi thường thiệt hại.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các bệnh nhân bị ngộ độc đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) sản xuất và kinh doanh qua mạng.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người và dễ tử vong.

Hiện Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội tiến hành điều tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định.

Bệnh nhân bị ngộ độc nặng vì ăn Pate Minh Chay đang được điều trị

Bệnh nhân bị ngộ độc nặng vì ăn Pate Minh Chay đang được điều trị

Về trách nhiệm của các bên liên quan, Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định, người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm cũng quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm. Theo Điều 8 Luật này, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra.

Khoản 5 Điều 53 cũng quy định, tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Đối với vụ việc trên, để có căn cứ xác định trách nhiệm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào kết quả điều tra, động cơ, mục đích, thiệt hại…Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi gây ra mà tổ chức, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 BLHS 2015 sửa đổi - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Về xử lý hành chính, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, bên vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định.

Về trách nhiệm dân sự, trường hợp nguyên nhân gây ngộ độc là do sai phạm cá nhân khi sản xuất thì cá nhân này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Chi phí bồi thường thiệt hại gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại…

Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 BLHS.

Theo đó, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.