Từ vụ lộ thông tin tài khoản của Hoài Linh: Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin của khách khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, sau khi hình ảnh một sao kê tài khoản của nghệ sỹ Hoài Linh tại ngân hàng được phát tán trên mạng xã hội, mới đây, Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết đã tìm ra cá nhân làm lộ thông tin này, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.

Liên quan đến sự việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Theo quy định hiện hành, nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng trái quy định sẽ bị xử phạt ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong 3 trường hợp: khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép; theo yêu cầu của cơ quan chức năng Nhà nước, cơ quan pháp luật; phục vụ cho hoạt động nội bộ.

Quyền yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế…

Theo Luật Thi hành án dân sự, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác... đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin vể điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Còn theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ: “Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khấn cấp, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng"...

Nghệ sỹ Hoài Linh liên tục được nhắc đến về những lùm xùm xung quanh việc làm từ thiện

Nghệ sỹ Hoài Linh liên tục được nhắc đến về những lùm xùm xung quanh việc làm từ thiện

Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo mật thông tin - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Điều 14 Luật này nêu rõ, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp luật định.

Bên cạnh đó, Nghị định 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng…

Như vậy, theo Luật sư Thu, nếu việc cung cấp thông tin của khách hàng không nằm trong các trường hợp trên thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Điều 47 Nghị định này nêu rõ, cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần, lên tới 80 triệu đồng.

Ngoài ra, nhân viên ngân hàng sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng với mức cao nhất là chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại (nếu có). Khách hàng khi bị lộ thông tin có quyền yêu cầu phải chấm dứt vi phạm, yêu cầu xin lỗi và bồi thường, gây thiệt hại…