Từ vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị bắt: Làm, cấp giấy tờ giả có thể phải ngồi tù tới 20 năm?

ANTD.VN -Cách đây ít ngày, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô và một số đối tượng liên quan để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác.  

Sau sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, hành vi giả mạo trong công tác sẽ bị xử lý ra sao, khi vụ việc bị phanh phui, những tấm bằng đã cấp có còn giá trị, có bị thu hồi?

Xử lý nghiêm đối tượng làm, cấp giấy tờ giả

Liên quan đến tội danh trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 359 BLHS 2015 về Tội giả mạo trong công tác nêu rõ, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2-5 giấy tờ giả thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Trường hợp làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ từ 5-10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Hành vi làm giả bằng cấp cần bị xử lý nghiêm khắc (ảnh minh họa)

Phạm tội làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng.

Về cấu thành tội phạm trên, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội nhằm vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi:

 Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu là hành vi thêm bớt, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm cho giấy tờ, tài liệu không còn phản ánh đúng sự thực khách quan. Họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm cho nội dung của giấy tờ, tài liệu sai lệch.

Làm, cấp giấy tờ giả là hành vi làm ra hoặc đưa vào lưu thông các loại giấy tờ giả (các loại giấy tờ được in bằng khuôn mẫu giả, chữ kí giả, dấu chứng thực giả…); Giả mạo chữ kí của người có chức vụ, quyền hạn vào giấy tờ, tài liệu.

Hiệu trưởng bị bắt, bằng do Đại học Đông Đô cấp có còn giá trị?

Sau sự việc Hiệu trưởng và một số cán bộ Đại học Đông Đô bị khởi tố hình sự, nhiều người đặt câu hỏi, khi vụ việc bị phanh phui, những tấm bằng đã cấp có còn giá trị, có bị thu hồi?

Làm rõ nội dung này, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định một số người không thi tuyển, không tham gia học tập tại trường nhưng đã bỏ tiền ra để được nhận văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô. Việc cấp bằng mà không thực hiện thủ tục tuyển sinh, không đào tạo như vậy là hành vi làm, cấp giấy tờ giả.

Tuy vậy, các học viên học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của trường này trong khoảng thời gian đó có thể chia làm hai nhóm gồm những người  không thi tuyển và những người học thật, thi thật.

Đối với nhóm người không tham gia thi tuyển, không tham gia học tập mà bỏ tiền mua bằng tốt nghiệp thì cần nhanh chóng thu hồi toàn bộ số bằng đã cấp và hủy theo quy định. Bên cạnh đó, do những người mua bằng đã vi phạm pháp luật nên tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi, họ có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu họ không nhận thức được đó là bằng cấp giả, chưa sử dụng vào mục đích lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này chỉ bị xử lý kỷ luật theo quy định của nơi họ công tác, hoặc phạt hành chính.

Với  trường hợp đã biết rõ đó là bằng cấp giả nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng để chạy chức, chạy quyền, nhằm mục đích vụ lợi khác thì có thể bị xử lý về tội Làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan Nhà nước theo Điều 341 BLHS 2015 với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Còn đối với nhóm các học viên đã tham gia học tập, thi tuyển theo đúng nội dung, chương trình đào tạo đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt thì vẫn được xem xét cấp bằng theo đúng quy định. Tấm bằng họ nhận được vẫn có giá trị pháp lý bình thường – Luật sư Tiến Hòa nhận định.