Từ vụ bé trai lớp 6 tự tử: Làm thế nào để nhận biết trẻ có ý định tự sát?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vụ bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội nhảy lầu tự tử, mà nguyên nhân được cho là do áp lực học hành khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Điều được nhiều người quan tâm hiện nay là làm thế nào nhận biết trẻ có dấu hiệu muốn tự sát và cha mẹ phải làm gì để ngăn chặn?

Dấu hiệu nào để nhận biết trẻ muốn tự tử?

Tối 16-12 vừa qua, người dân sống tại chung cư Goldmark City (Hà Nội) bất ngờ phát hiện một bé trai rơi từ trên cao xuống nằm bất động. Nạn nhân sau đó được xác định là cháu T.T.D, 12 tuổi đang học lớp 6. Nguyên nhân ban đầu được cho là do làm bài thi không tốt nên D đã nhảy từ tầng 22 xuống.

Đáng buồn, đây không phải sự việc hi hữu. Cách đây không lâu, em N.T.H.T. (SN 2003, ngụ xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã nhảy cầu tự tử.

Trước khi có hành động dại dột này, cô bé đã để lại một bức thư trong cốp xe đạp điện, trong đó tự nhận mình là đứa vô tích sự chả làm được việc gì khiến cha mẹ hài lòng, “học hành thì chẳng ra sao cũng chẳng nhanh nhẹn và hoạt bát như những người khác”. Ngay sau khi đăng tải, lá thư này đã khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm.

Những vụ trẻ tự tử diễn ra thời gian qua cho thấy, nếu cha mẹ quá áp đặt, kỳ vọng vào con cái sẽ là gánh nặng vô hình khiến tâm sinh lý trẻ trở nên sai lệch, dẫn tới những hành động dại dột và hậu quả đau lòng.

Khi xe cứu thương đến, cháu bé học lớp 6 đã tử vong
Khi xe cứu thương đến, cháu bé học lớp 6 đã tử vong

Về dấu hiệu nhận biết trẻ đang có ý định tự tử, theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, bất cứ thay đổi đột ngột nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến kết quả học tập, sự có mặt ở trên lớp của trẻ đều phải được xem xét như: Trẻ thiếu quan tâm đến các hoạt động thường ngày; Suy giảm các kết quả học tập; Nỗ lực bị giảm sút; Mất tập trung trong lớp học; Liên tục vắng mặt mà không có lý do…

Các dấu hiệu trên cho thấy trẻ có nguy cơ bị lo buồn về mặt xã hội và tâm thần nên có thể có các ý tưởng tự sát và cuối cùng sẽ dẫn đến hành vi tự sát nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, tiền sử những lần tự sát trước kia cũng là một trong những nhân tố nguy cơ quan trọng. Trẻ trong trạng thái lo buồn có khuynh hướng lặp lại hành động tự sát.

Bên cạnh đó, một nguy cơ quan trọng khác là trầm cảm. Các suy nghĩ trầm cảm có thể xuất hiện ở tuổi vị thành niên và phản ánh quá trình phát triển bình thường, khi trẻ luôn phải lo lắng về các vấn đề trong đời sống sinh hoạt hành ngày.

Trẻ em bị lo buồn hoặc có nguy cơ tự sát thường luôn nhạy cảm với giao tiếp của người khác bởi chúng luôn thiếu quan hệ tin tưởng với gia đình và bạn bè trong suốt thời gian chúng lớn, chúng đã phải trải qua sự thiếu quan tâm, tôn trọng hoặc thậm chí không có cả tình yêu thương - Tiến sỹ Cẩm Tú nhấn mạnh.

Làm thế nào để ngăn chặn trẻ tự tử?

Cũng theo Tiến sỹ Cẩm Tú, tự sát không phải là một biến cố bất ngờ khó hiểu. Học sinh có ý tưởng tự sát bộc lộ cho những người xung quanh thấy đủ các dấu hiệu báo trước và cơ hội để can thiệp. Gia đình và nhà trường cần phát hiện học sinh có các rối loạn nhân cách và trợ giúp học sinh đó về tâm lý. Bên cạnh đó cần tăng cường mối quan hệ gắn bó hơn với trẻ bằng cách nói chuyện với chúng, cố gắng hiểu và giúp đỡ chúng.

Ngoài ra cần theo dõi và nhận biết sớm các thông điệp về tự sát qua cách nói chuyện hay sự thay đổi trong hành vi của trẻ, xoá bỏ các mặc cảm và khinh miệt về bệnh tâm thần và giúp loại trừ việc lạm dụng rượu và ma túy. Bên cạnh đó, phụ huynh cần hạn chế để các em tiếp xúc với các phương tiện có thể tự sát như thuốc độc, thuốc gây chết người, thuốc trừ sâu, dao và các vũ khí khác...

Đặc biệt, khi phát hiện con muốn tự tử, phụ huynh cần đánh giá mức độ mong muốn tự sát của trẻ để có sự hỗ trợ phù hợp, hãy cho con biết bản thân đang rất lo lắng và muốn giúp đỡ con, động viên con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình, chủ động lắng nghe tâm tư, tình cảm của con thai vì chỉ trích, la mắng. Điều này góp phần giúp trẻ cảm thấy suy nghĩ, cảm xúc của bản thân được tôn trọng.

Đối với những trẻ gặp rối loạn tâm lý như trầm cảm và tìm đến cái chết, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để được hỗ trợ.

Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần trang bị “hệ miễn dịch” cho con từ sự gắn kết vững chắc giữa bố mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân. Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ.

“Cha mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn trong học tập và cuộc sống” -Tiến sỹ Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.