Từ vụ bắt đường dây đánh bạc 30.000 tỷ đồng: Kẻ cầm đầu đường dây sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, lực lượng công an đồng loạt ập vào 15 điểm tại TP.HCM và Đồng Nai, bắt đường dây đánh bạc ăn thua 30.000 tỷ đồng. Nhiều người đặt câu hỏi, kẻ cầm đầu, tổ chức đường dây đánh bạc bị xử lý ra sao?

Cục cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an đã bắt 14 người để điều tra hành vi Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc.

Theo cơ quan điều tra, cầm đầu đường dây này là một số người Việt sống tại Campuchia. Còn tại Việt Nam có 7 người làm tổng đại lý, quản lý các tài khoản cá cược rồi cung cấp lại cho mạng lưới phía dưới nằm ở nhiều tỉnh thành.

Đường dây này hoạt động theo hình thức đánh bạc truyền thống, tín chấp, cá cược các môn bóng đá, đá gà, số đề trên các trang web Sobet.com, Bong88.com, SV288.com... Số tiền ăn thua rất lớn, mỗi tuần giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Những người trong băng nhóm được phân công nhiệm vụ cụ thể như đảm bảo kỹ thuật nhà mạng, xử lý khiếu nại của người chơi, giao nhận tiền thắng thua (trực tiếp hoặc chuyển khoản). Đến thời điểm bị bắt, số tiền thể hiện ăn thua ước tính gần 30.000 tỷ đồng.

Về trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hiện nay, điều kiện để các đối tượng tham gia đánh bạc trên mạng diễn ra khá đơn giản.

Việc sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet đã tạo điều kiện để hành vi tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc trái phép trên mạng internet với quy mô lớn, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Một trong các nghi can là đại lý cấp 1 của đường dây đánh bạc

Một trong các nghi can là đại lý cấp 1 của đường dây đánh bạc

Về hành vi đánh bạc, Điều 321 BLHS 2015 quy định, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này… thì bị phạt tiền từ 20 -100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông để phạm tội... thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Còn về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, Điều 322 BLHS 2015 nêu rõ, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt tiền từ 50 -300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, để phạm tội thì bị phạt tù từ 5 -10 năm.

Như vậy, theo quy định hiện hành, đánh bạc trái phép là hành vi thỏa thuận, cá cược, ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật. Với hành vi đánh bạc trái phép từ 5 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Thu nhận định.

Hành vi đánh bạc qua mạng internet và đánh bạc trực tiếp đều bị xử lý như nhau về tội tổ chức đánh bạc, tội đánh bạc.

Trong các đường dây đánh bạc nghìn tỷ, các đối tượng cầm đầu, đứng ra tạo các điều kiện vật chất thuận lợi để những người khác tham gia đánh bạc, tổ chức cho người khác đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 322 với khung hình phạt cao nhất là từ 5 -10 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước.