Từ vụ bắt cựu Bí thư Hải Dương: Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ có thể bị phạt tù tới 15 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ khởi tố, bắt cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, nhiều người đặt câu hỏi “người bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sẽ phải đối diện mức án cao nhất là bao nhiêu năm tù” ?

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Phạm Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Sau khi bắt tạm giam và khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường, hiện Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Phân tích hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 356 BLHS 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Phạm Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Phạm Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Theo đó, "lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và "vụ lợi" là dấu hiệu định tội. "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

"Vụ lợi” là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Về khách thể, tội phạm xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Về mặt khách quan, người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như một phương tiện phạm tội để thực hiện phạm tội để thực hiện tội phạm.

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ tức là không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. So với tội tham ô tài sản, phạm vi chức vụ, quyền hạn của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ rộng hơn (liên quan đến việc quản lý tài sản hoặc không liên quan). Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.