Tư vấn Pháp chưa thể đến Hà Nội, đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẫn "bất động"

ANTD.VN - Đến nay, tư vấn Pháp vẫn chưa thể sang Hà Nội để tiếp tục việc hoàn thiện đánh giá an toàn cho dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Thông tin với báo chí về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông cũng như việc Tổng thầu Trung Quốc “đòi” 50 triệu USD trước khi đưa vào vận hành thử toàn tuyến, Thư trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến nay, mới có 28 nhân sự Trung Quốc đến Hà Nội.

Trong đó, có 23 chuyên gia của Tổng thầu và 5 nhân sự của đơn vị Tư vấn giám sát dự án. Số nhân sự này đi tàu từ Trung Quốc sang Lào Cai, Việt Nam, rồi di chuyển bằng ô tô về khu depot Nhổn, Hà Nội để cách ly từ ngày 14-6 vừa qua.

Thời gian vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẫn trong vòng bí ẩn

Ngoài ra, còn hơn 100 nhân sự Trung Quốc nữa sẽ tiếp tục sang Việt Nam trong những ngày tới.

“Chuyên gia Trung Quốc thực hiện cách ly tập trung ở khu depot của dự án tại Hà Đông, không được tiếp xúc với bên ngoài. Thời gian cách ly là 14 ngày. Sở dĩ cách ly tập trung tại khu depot để tạo thuận lợi cho Tổng thầu tiếp cận công việc, xử lý hồ sơ dự án và các công việc tồn đọng trong thời gian qua” - Thứ trưởng Đông thông tin.

Đáng nói, ngoài các nhân sự Trung Quốc, các chuyên gia của Tư vấn Pháp hiện vẫn chưa thể sang Việt Nam. Bộ GTVT đang làm việc với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để xúc tiến các thủ tục đưa chuyên gia trở lại dự án.

“Đây là các nhân sự có vai trò rất quan trọng, họ thực hiện đánh giá dự án. Dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của Tư vấn Pháp”, ông Đông cho hay.

Tuy vậy, về thời điểm đoàn tư vấn Pháp có thể sang đến Việt Nam lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, chưa thể biết vì hiện nay việc đi lại giữa Việt Nam và Pháp khá khó khăn.

Về khoản tiền 50 triệu USD phía Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán thêm trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đến nay hai bên đã “hiểu nhau” và tích cực hợp tác. Mặc dù đây là số tiền nằm trong khối lượng dự án đã thực hiện, nhưng hợp đồng EPC đã ký kết quy định rõ việc thanh toán và khối lượng thanh toán.

“Bộ GTVT rất chia sẻ với khó khăn của Tổng thầu nhưng việc thanh toán số tiền này là không có cơ sở. Chúng tôi chỉ thanh toán theo hợp đồng đã ký và theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện tại phía Tổng thầu không còn nhắc tới việc thanh toán này nữa”- ông Đông khẳng định.

Liên quan tới “chốt hạn” hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong năm 2020 mà Thủ tướng đã yêu cầu, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bên liên quan để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật.

Theo tiến độ mới đây, tháng 3-2020 sẽ đưa vào vận hành thử  toàn tuyến, tháng 6-2020 bàn giao cho TP Hà Nội. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa thể biết tiến độ khi nào có thể vận hành thương mại trên tuyến.