Từ thông tin bằng “bao diêm” đến những chuyến đi vào “điểm nóng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Chân ướt chân ráo” vào Báo An ninh Thủ đô khi vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2007, ngoài bộ hồ sơ xin việc và vốn kiến thức thầy cô dạy 4 năm trong nhà trường còn lưu lại trong trí nhớ, tôi gần như không có chút kinh nghiệm nào để bắt đầu nghề báo.
Nhà báo Ngân Tuyền

Nhà báo Ngân Tuyền

1. Tôi bắt đầu nghề báo chậm nhiều nhịp so với bạn bè cùng khóa. Nhiều bạn bắt đầu với nghề báo rất sớm, người thì ngay năm thứ nhất đã có tin, bài đăng trên các báo, người chậm thì cũng năm thứ hai, năm thứ ba là có nhiều sản phẩm, thậm chí không ít bạn đã kiếm nhuận bút đủ để trang trải cuộc sống sinh viên nhờ tin, bài đăng trên các báo.

Còn tôi, đến hết học kỳ 2 của năm học thứ tư đại học, vẫn vùi đầu vào mớ sách, truyện từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đến Việt Nam và tất nhiên, nghề báo với tôi cho đến khi ấy vẫn còn khá mơ hồ. Đến khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Báo in đến nộp hồ sơ xin việc tại Báo An ninh Thủ đô vào một ngày cuối tháng 6-2007, tôi vẫn còn bỡ ngỡ và không hiểu mình đã vượt qua cuộc phỏng vấn với lãnh đạo tờ báo như thế nào (?!).

Tôi bắt đầu công việc phóng viên thử việc tại Báo An ninh Thủ đô từ đầu tháng 7-2007 tại Ban Kinh tế - Xã hội. Khỏi phải nói, ngày đầu tiên đến cơ quan, tôi đã bị choáng ngợp, nhất là với tốc độ xử lý tin, bài cũng như xử lý muôn vàn vấn đề thời sự diễn ra trong ngày của các anh, chị phóng viên trong ban để làm sao kịp lên mặt báo. Thực sự, tôi đã “sốc” và cầm chắc mình sẽ bị “loại” trong những tháng thử việc tại đây. Thời điểm đó, tôi đã có ý nghĩ bỏ cuộc, tìm một công việc khác phù hợp hơn với khả năng của mình và tôi nghĩ, tôi không có khả năng như nhiều giáo viên đại học của tôi vẫn nói “làm báo phải có tố chất” thì tôi không có được.

Sở dĩ tôi cầm chắc vậy vì ngay bản tin đầu tiên tôi thực hiện trong những ngày đầu thử việc, dù chưa đầy 300 chữ nhưng đã được Trưởng ban Kinh tế - Xã hội thời điểm ấy chỉnh lên chỉnh xuống, phải quay lại hiện trường lần 2 để phỏng vấn, để khẳng định tính chính xác của thông tin trước khi bản tin đó được xuất bản. Từ thông tin đầu tiên bằng “bao diêm” được đăng tải, tôi đã nỗ lực cố gắng mỗi ngày, học hỏi mỗi ngày cùng sự giúp đỡ, gợi ý từ các từ các anh, chị ở trong ban để có những tin, bài viết tiếp theo trên mặt báo. Nhờ những tích cóp nhỏ qua mỗi ngày, mỗi cái tin, bài viết và đặc biệt, tôi đã dần trưởng thành nhờ vào những chuyến công tác “để đời”, hành trang không thể thiếu trên chặng đường làm báo.

Phóng viên tác nghiệp trong chuyến công tác Trường Sa (tháng 5-2014)

Phóng viên tác nghiệp trong chuyến công tác Trường Sa (tháng 5-2014)

2. Thời điểm bắt đầu công tác tại Báo An ninh Thủ đô, tôi là một trong những phóng viên trẻ của Ban Kinh tế - Xã hội cũng như của báo. “Phóng viên trẻ thì phải xông pha” đó là hiển nhiên và cũng ngẫu nhiên khi tôi được cơ quan giao nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực thời tiết, thiên tai, bão lũ từ khi vào làm việc tại tòa soạn.

Trận lũ tối 3 rạng sáng 4-7-2009 đã cướp đi 10 sinh mạng tại bản Khên Lền (xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn), trong đó, có đến 9 nạn nhân bị vùi lấp dưới hàng chục nghìn m3 đất đá. Giữa sáng 6-7-2009, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Trưởng Ban giao nhiệm vụ, chuẩn bị tư trang để xuất phát đi Khên Lền sớm nhất có thể. Quá 12h trưa, tôi lên đường với 2 nam đồng nghiệp cùng cơ quan mà trong đầu không thể hình dung được, mưa, lũ quét ở vùng núi như thế nào cũng như trận lũ này thảm thương ra sao. Quá 20h tối, đoàn chúng tôi cũng đến được UBND xã Công Bằng với bữa tối qua quýt cùng một chỗ ngủ tạm trong nhà dân. Sáng hôm sau, chúng tôi theo chân một đoàn công tác đưa mì tôm, nước uống vào khu vực lán Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn tiền phương đặt tại hiện trường.

Nhưng, chỉ bám gót đoàn được một đoạn thì nhóm 8-9 phóng viên chúng tôi bị rớt lại phía sau. Quãng đường di chuyển từ ngoài xã Công Bằng vào thôn Khên Lền chỉ vài cây số nhưng mất khoảng 5-6 tiếng lội suối, luồn rừng quả thực khó khăn với nhóm phóng viên miền xuôi. Đường vào Khên Lền trời vẫn tí tách mưa, đường trơn và nhớp nháp bùn đất, tuyến đường độc đạo cheo leo giữa rừng núi, ai cũng chỉ biết cắm mặt thở dốc mà lê từng bước nặng nhọc.

Quá trưa, tất cả đều mệt, đói và khát thì bản Khên Lền cũng hiện ra trong tầm mắt, lúp xúp mấy căn nhà sàn xám xịt, ướt sũng sượt trong mưa. Đến khi bản Khên Lền hiện rõ thì ai nấy đều lặng người, tất cả đã tan hoang dưới lớp bùn, đất đá lổng chổng. Cả một vạt rừng núi bị nước cuốn trôi xơ xác, không ai nói với ai một câu, tất cả lầm lũi làm nhiệm vụ của mình.

Đêm ấy, đoàn chúng tôi không kịp trở ra và phải qua đêm ở một căn nhà sàn cùng một nhóm cán bộ, nhân viên sở chỉ huy tiền phương mà Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn lập ngay tại hiện trường. Khoảng 70 con người chen chúc, nằm ngồi la liệt trong căn nhà sàn bỏ không, cũng chẳng điện nước hay tín hiệu thông tin liên lạc. Và tôi, là nữ duy nhất trong khoảng 70 con người ấy. Giấc ngủ chập chờn đến thì tất cả lại nháo nhác bật dậy hò nhau chạy khi nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm, cũng may chỉ là một trận lũ quét nhỏ ở gần đấy.

Sáng hôm sau, nhóm phóng viên chúng tôi trở ra để còn kịp truyền tin bài về tòa soạn, quãng đường đi ra cũng phần nào đã quen với địa hình nên cũng đỡ bầm dập hơn. Mỗi người mang một tâm sự riêng và có những trải nghiệm riêng, nhưng với tôi, chuyến công tác mang nhiều ý nghĩa và những cảm nhận khó quên!

Bản Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn tan hoang sau trận lũ quét rạng sáng 4-7-2009

Bản Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn tan hoang sau trận lũ quét rạng sáng 4-7-2009

3. Tháng 5-2014, tình hình trên Biển Đông khá căng thẳng khi ngày 2-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Giữa tháng 7-2014, tôi có chuyến công tác ra Trường Sa kéo dài 11 ngày cùng đoàn lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội ra thăm và động viên cán bộ chiến sĩ trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đây là chuyến đi biển đầu tiên và cũng là chuyến ra biển xa, dài ngày nhất của tôi cho đến thời điểm này. Khi biết tin tôi sẽ đi công tác Trường Sa, nhiều đồng nghiệp đã tận tình chia sẻ một số kinh nghiệm hữu ích, nên mang theo những gì, làm thế nào nếu bị say sóng biển... Tôi tiếp thu hết những gì mà đồng nghiệp dặn dò, chia sẻ như một hành trang hỗ trợ trong suốt hải trình dài 11 ngày trên mặt biển.

Biển với tôi chưa bao giờ rộng và mênh mông đến nhường ấy. Thêm một may mắn nữa, tôi không bị say sóng biển, cũng một phần do biển tháng 5 khá êm chứ không ồn ào như về cuối năm, một phần khi tôi cùng một nhóm phóng viên nhanh chóng kết thân với nhau và khám phá ra “bí mật”, phòng điều trị ở tầng 1 tàu hải quân HQ 561 là nơi ổn định nhất, ít bị tác động bởi sóng biển nhất. Bởi vậy, đây là nơi tôi thường xuyên sang “trú ẩn”.

Mười ngày lênh đênh trên biển, hết tầm mắt cũng chỉ xanh thẫm một màu, điểm dừng chân chỉ là những phút ghé thăm các đảo như Tốc Tan B, đảo Đá Lát, đảo Đá Tây A hay An Bang bởi phải tranh thủ những lúc sóng êm tàu mới có thể ghé đảo.

Có đặt chân đến Trường Sa mới cảm nhận hết được tình yêu quê hương, đất nước của người Việt Nam, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác không suy chuyển. Từ những chiến sĩ trẻ như Phạm Văn Tuấn sinh năm 1994 nhưng đã có thâm niên làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát gần 13 tháng (đến thời điểm tháng 5-2014), đến những chỉ huy trẻ trên đảo Thuyền Chài C như Thượng úy Trần Văn Phúc (đến thời điểm tháng 5-2014) đều mang trong mình một nhiệt huyết dâng trào “vì Tổ quốc, vì nhân dân sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ nhiệm vụ nào mà Tổ quốc và nhân dân giao phó”. Trước họ, tôi thấy mình thật nhỏ bé.

Những ngày lênh đênh trên tàu HQ 561 giữa mênh mông sóng biển Trường Sa, được đến, được tiếp xúc với những chiến sĩ nơi ấy là chuyến đi “có một khó có hai” mà đến nay tôi vẫn nhớ từng cảm xúc, từng gương mặt đã gặp gỡ. Qua mỗi chuyến đi tác nghiệp như thế, tôi - người phóng viên trẻ đã được tôi rèn bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị để từng bước trưởng thành hơn, tiếp tục vững bước trên con đường báo chí sau này...