Tử tế và & tướng pháp học

ANTĐ - Lần ấy nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi làm một chuyến hành phương Nam dài ngày. Tại cửa làm thủ tục kiểm tra an ninh tại sân bay Nội Bài, mặc dù hành lý chẳng có gì nguy hại, ấy thế mà tôi bị các nhân viên an ninh rà soát đủ kiểu bằng máy soi, máy chiếu.

Nhà văn Suơng Nguyệt Minh

Đến lượt nhà văn Sương Nguyệt Minh, ông tỏ ra bối rối. Ông bối rối là bởi trong túi áo kí giả của ông có giấu một chai inox mỏng, loại 450cc, đựng rượu Kim Sơn, thứ rượu được nấu từ những hạt nếp đồng chiêm và những giọt nước chắt ra từ vú đá trên dãy Tam Điệp, Ninh Bình.

Một nữ nhân viên an ninh cầm chiếc máy rà kim loại tiến đến. Nhà văn Sương Nguyệt Minh mặt từ từ ửng đỏ, rõ là người có tật giật mình. Nhưng kìa! Thay vì dùng máy rà để “hơ” từ đầu đến chân vị hành khách khả nghi, cô nhân viên an ninh vô cùng xinh đẹp lại… nhìn nhà văn một cách trìu mến rồi cất giọng ngọt lịm mà rằng: “Mời anh qua!”.

Thoát hiểm một cách tình cờ, nhà văn mang cái bút danh “âm tính” này đáng lẽ phải hổn hển mừng. Nhưng không. Ông nheo mắt nhìn gương mặt đang bất bình của tôi ra chiều thương xót và mủm mỉm cười rất chi là đắc ý: “Tại cái mặt chú nhìn… không lương thiện!”.

Rồi ông thuyết trình một thôi một hồi về tướng pháp học, về nghệ thuật phân biệt đánh giá đối tượng... Cứ như lời ông thì cô nhân viên an ninh xinh tươi kia đúng là người có một nghiệp vụ tinh tường, nhìn một cái biết ngay ông là người tử tế. Tôi cãi, nghiệp vụ của cô ta rất xoàng, khi bác đỏ mặt lúng túng vì mang “hàng cấm”, cô ấy lại tưởng bác bối rối trước sắc đẹp của cô ta nên mới cho qua.

Chúng tôi không ai chịu ai, nhưng đều vui bởi nhờ có sự lơ là của cô nhân viên an ninh kia nên chúng tôi đã mang được chai rượu quý đến chót Mũi Cà Mau ngồi đối ẩm và đọc thơ: Rượu Bắc hà ngát chiều Đất Mũi/ Con thuyền say ngọn sóng lắc lư bay…

Lượt về, tại cửa kiểm tra an ninh sân bay, chẳng hiểu vì lí do gì mà “cái mặt không lương thiện” của tôi lại được các nhân viên an ninh bỏ qua. Còn nhà văn Sương Nguyệt Minh, dù phong thái có vẻ tử tế lắm, nhưng vẫn bị một cô nhân viên an ninh cũng không kém phần xinh đẹp gọi giật lại, bắt đứng lên bàn kiểm tra, chiếc máy trên tay cô rà sát sàn sạt khắp “hang cùng ngõ hẻm” trên người nhà văn một cách không thương tiếc. Sương Nguyệt Minh tỏ vẻ bức xúc ra mặt. Nhưng điều đó càng khiến khuôn mặt ông… khả nghi. Thế là túi hành lí của ông bị soi đi soi lại rồi cuối cùng thì bị yêu cầu phải mở ra kiểm tra. Và ôi thôi, 2 cân cá kèo khô cộng 4 chai nước mắm Phú Quốc xịn bị buộc phải bỏ ra gửi riêng ở khoang hành lý.

Nhìn nhà văn Sương Nguyệt Minh bước vào phòng chờ với khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, tôi mủm mỉm cười. Thấy thế ông quát: “Chú cười cái nỗi gì! Chú thoát kiểm tra chẳng qua là trình độ nghiệp vụ của nhân viên an ninh ở cái sân bay này quá kém!”. Rồi ông lại nói một thôi một hồi về tướng pháp học, về nghệ thuật phân biệt đánh giá đối tượng… Cứ như lời ông thì Nội Bài là sân bay Trung ương, còn T. chỉ là sân bay… địa phương. Mà địa phương thì mọi thứ bao giờ cũng kém hơn Trung ương một bậc là cái chắc!