Từ tấm HCV Olympic lịch sử: Thêm động lực để đầu tư mạnh mẽ

ANTD.VN - Đánh giá HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là “cột mốc vĩ đại”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam cho rằng chứa đựng trong đó là những bài học lớn, tạo ra tình thế mới cho thể thao Việt Nam.

- PV: Có nhiều gắn bó với môn bắn súng và thể thao Việt Nam nói chung, ông đánh giá thế nào về tấm HCV lịch sử mà Hoàng Xuân Vinh vừa đoạt được?

- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Là người chứng kiến quá trình phát triển của thể thao đỉnh cao Việt Nam trên con đường tiến tới đấu trường Olympic, tôi cho rằng HCV của Hoàng Xuân Vinh là kỳ tích lịch sử. Vinh đã thực hiện được điều nhiều người không dám tin vào, trong đó có cả người trong cuộc.

Gặp tôi trước đó, Vinh chia sẻ rằng sắp tới sẽ nhận nhiệm vụ quản lý, còn HLV Nguyễn Thị Nhung lo lắng hỏi tôi rằng liệu Vinh có tiếp tục thi đấu được nữa không vì khi làm công tác quản lý sẽ ảnh hưởng tới việc tập luyện. Tôi nói với Vinh, trong thế thao có “5 ăn, 5 thua”, cháu phải tin vào khả năng “5 ăn” và hãy “đánh” một trận cuối cùng. Chú hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp. Theo dõi Vinh thi đấu, tôi quá cảm phục. Thú thật tôi đã khóc sau lượt bắn cuối cùng. 

Cần mạnh dạn đầu tư để những tài năng trẻ như Ánh Viên có cơ hội “cất cánh” tại sân chơi lớn của thế giới

- Tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử, theo ông, nó có ý nghĩa như thế nào với thể thao Việt Nam?

- Trước hết, thành tích của Xuân Vinh cho thấy khả năng phi thường của con người Việt Nam. Qua đó thấy điều quan trọng hơn, rằng nếu các VĐV ưu tú khác được đầu tư đúng mức cũng sẽ gặt hái thành công tương tự. Chức vô địch Olympic của Xuân Vinh là cột mốc vĩ đại, nó tạo ra tình thế mới cho thể thao Việt Nam cũng như bài học vô cùng to lớn mà theo tôi thể hiện ở 3 mặt: 

Thứ nhất, thay đổi nhận thức. Không phải tất cả các nhà quản lý tin vào các tài năng trẻ để quyết định đầu tư. Song tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh khiến người ta tin rằng VĐV Việt Nam đủ sức tranh chấp huy chương Olympic. Điều này rất quan trọng bởi nếu anh không tin làm được điều ấy thì anh không đầu tư. Và tôi tin sau dấu mốc lịch sử này, không chỉ bắn súng mà các môn thể thao Olympic khác sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, mức đầu tư để VĐV Việt Nam vững bước tiến vào đấu trường Olympic còn chưa đủ. Để có HCV Olympic, VĐV xe đạp của Anh phải mất 39 triệu bảng Anh. Ở châu Âu, muốn giành HCV Olympic, người ta phải đầu tư mất 55 triệu USD. Hay VĐV điền kinh Lưu Tường năm 2000 xếp hạng Tư ở Olympic Sydney nhưng người Trung Quốc thấy rằng anh có thể trở thành nhà vô địch Olympic đã đầu tư mỗi năm 1 triệu USD đến Olympic 2004 có HCV.

Còn chúng ta hiện mới chỉ đầu tư tốt nhất cho Ánh Viên khi nhận ra tiềm năng của VĐV này, số còn lại, bao gồm của Hoàng Xuân Vinh đều chưa được đầu tư tương xứng. Vinh và đồng đội không có đạn để tập, thi đấu bia điện tử nhưng bắn tập toàn bia giấy… nên buộc phải tập huấn để tận dụng cơ sở vật chất hiện đại bên nước bạn, song kinh phí tập huấn thường rất eo hẹp.

Thứ ba, mọi người dân Việt Nam đều cảm thấy vinh dự khi đất nước có người đã giương cao lá cờ Tổ quốc trên đấu trường Olympic. Thể thao thành tích cao bản chất là sáng tạo ra những kỷ lục, thể hiện sự ưu việt, khả năng của một con người, của một dân tộc. Đó là điều rất quan trọng để tôn vinh con người Việt Nam chúng ta và là đòn bẩy để chúng ta đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho thể thao.

- Ngày 10-8 tới, Xuân Vinh sẽ bước vào thi đấu nội dung sở trường 50m súng ngắn nam. Ông kỳ vọng điều gì?

- Sau tấm HCV nội dung đầu tiên, Xuân Vinh sẽ có tâm lý thoải mái hơn ở nội dung 50m súng ngắn nam. Song điều đó không đủ để khẳng định Vinh sẽ có huy chương bởi Olympic là đấu trường rất khắc nghiệt.

Ngay ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam mà Xuân Vinh vô địch thì các đối thủ như đương kim vô địch thế giới, vô địch Olympic đều bị loại, đó chính là sự khắc nghiệt mà xạ thủ này sẽ phải đối mặt ở phần thi tới. Tất nhiên, đó cũng là cơ sở để xạ thủ này khẳng định bản lĩnh, như đã làm rất tốt ở loạt bắn cuối cùng 10m súng ngắn hơi nam trước đó.

- Xin cảm ơn ông!