Tự phong giáo sư: Chưa kết luận đúng - sai

ANTĐ - Sáng 21-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc họp khẩn với đại diện Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và các Vụ, Cục liên quan của Bộ trước vấn đề tự phong GS, PGS trong trường đại học. Thực tế cho thấy nhu cầu này là có thực, nhưng nhiều nhà quản lý cho rằng chưa đủ căn cứ pháp lý để thực hiện.

Tự phong giáo sư: Chưa kết luận đúng - sai ảnh 1Đại học Tôn Đức Thắng - cơ sở đào tạo đề ra việc tự phong GS, PTS tại trường

Họp khẩn về vấn đề tự phong GS, PGS 

Trao đổi với phóng viên ANTĐ chiều 21-9, ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc họp đột xuất với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ. Cuộc họp   bàn về vấn đề tự công nhận và bổ nhiệm GS, PGS trong trường đại học sau khi trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố chuẩn bị tự phong GS, PGS của riêng trường này. 

Ông Nguyễn Hải Thập cho biết, ngày 18-9, Cục đã yêu cầu trường Đại học Tôn Đức Thắng báo cáo cụ thể về sự việc này, tuy nhiên, cho đến ngày 21-9, Cục mới nhận được 2 văn bản gồm quyết định giao quyền tự chủ và quyết định về tiêu chuẩn phong GS, PGS của nhà trường. “Hiện chúng tôi đang chờ báo cáo cụ thể và những căn cứ pháp lý của trường khi công bố tự phong GS, PGS nên chưa có kết luận đúng hay sai” - ông Nguyễn Hải Thập cho biết.

Được biết, trường Đại học Tôn Đức Thắng dựa vào các tiêu chí, quy trình phong GS, PGS ở nhiều nước khác để đưa ra quy định về việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn trong đó có GS, PGS của trường. Việc bổ nhiệm nhằm phân công nhiệm vụ cho các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường.

Trên thực tế, việc tự phong GS, PGS là điều phổ biến ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Ở Nhật, một giảng viên đại học chỉ cần có bằng đại học và giảng dạy liên tục tại một trường 3 năm trở lên là đủ tiêu chuẩn xét công nhận PGS, đủ 5 năm trở lên thì được xét công nhận GS.

Tại Mỹ, giảng viên không có bằng tiến sĩ, không có trình độ đại học cũng có thể là GS nếu được Hội đồng GS trong trường công nhận. Tất cả những quyết định phong hàm, bổ nhiệm đều do các cơ sở giáo dục quyết định. Chức danh GS, PGS tại các nước nói trên đều được đi kèm tên trường chứ không chung chung như tại Việt Nam. Đây được coi là chức danh nghề nghiệp để làm việc, tương tự như các chức danh khác như bác sĩ, luật sư… 

Phải sửa luật để các trường tự phong GS, PGS

Ở khía cạnh pháp lý, các chuyên gia cho rằng mặc dù Luật Giáo dục đại học không đề cập tới vấn đề này nên có thể hiểu là không cấm các trường tự phong GS, PGS. Tuy nhiên, việc này cần được điều hành có tính pháp lý và Nhà nước phải sửa lại Luật Giáo dục đại học. Ngoài ra, còn có rất nhiều quy định sẽ liên quan trực tiếp tới vấn đề này cần được cân nhắc như Quyết định 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS”. Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, ông Bùi Mạnh Nhị cho rằng việc tự phong của trường Đại học Tôn Đức Thắng là chưa có cơ sở pháp lý. Nếu muốn làm thí điểm, nhà trường phải có văn bản đề nghị, có đề án trình bày rõ mục đích, tiêu chuẩn, quy trình và được cấp có thẩm quyền cho phép. 

Giải thích về quyết định của mình, trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, ở đây cần có sự phân biệt chức danh do Hội đồng chức danh nhà trường bổ nhiệm là GS chức vụ, còn GS của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong là học hàm. Tuy nhiên, theo GS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện đang tồn tại GS Nhà nước do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận thì sẽ khó phân biệt với GS ngành do nhà trường công nhận.

“Đại học Tôn Đức Thắng đi đầu nhưng có lẽ hơi sớm. Cần phải có chủ trương của Chính phủ, có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Nếu chưa có các căn cứ này mà đã tiến hành thì sẽ bị đánh giá là “vượt rào”. Thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã giao quyền cho các trường trong việc cấp học vị tiến sĩ sau một thời gian “độc quyền” với chức danh Tiến sĩ Nhà nước. Vì vậy các trường nên đợi sự chuyển giao này rồi hãy tiến hành” - GS Vũ Văn Hóa nhận xét.

Theo ông Nguyễn Hải Thập, hiện nay, trước xu hướng tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường cùng với việc một số văn bản, quy định sau một thời gian có hiệu lực đã bộc lộ bất cập thì bộ phận tham mưu của Bộ GD-ĐT đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá quy trình công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS. “Sẽ có đánh giá mọi mặt, đặt ra những cái được, cái mất trong việc giao quyền tự phong hàm GS, PGS cho các trường. Sau đó chúng tôi sẽ tham mưu Bộ trưởng báo cáo Quốc hội, Chính phủ và lấy ý kiến tham khảo của các trường và xã hội về vấn đề này” - ông Nguyễn Hải Thập cho biết.

Tin cùng chuyên mục