Tư nhân tham gia lĩnh vực công: Quy định đã có nhưng khó thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam - Dịch vụ đánh giá phù hợp" được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm nay (22/12) cho thấy, còn nhiều lĩnh vực công dù pháp luật cho phép sự tham gia của tư nhân nhưng thực tế không dễ để thực hiện.

Chưa có quy định chặt chẽ nên nhiều lĩnh vực, tư nhân vẫn chưa được tham gia

Chưa có quy định chặt chẽ nên nhiều lĩnh vực, tư nhân vẫn chưa được tham gia

Sáng nay (22/12), VCCI công bố báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam - Dịch vụ đánh giá phù hợp".

Theo báo cáo này, tại Việt Nam, có 20 ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ (quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP), gồm: sản xuất/mua bán vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành thuỷ điện đa mục tiêu, vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu, khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư, cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng, xuất bản…

Như vậy, về lý thuyết, các doanh nghiệp tư nhân được tham gia cung cấp tất cả những hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục này và danh mục cấm kinh doanh. Song trên thực tế, rất nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay tư nhân vẫn không được phép kinh doanh do chưa xây dựng được cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện.

Đơn cử như đầu tư hạ tầng sân bay, đường bộ, bến cảng, luồng tuyến đường thuỷ và hàng hải, khai thác than… tư nhân muốn tham gia vẫn phải được Nhà nước cấp phép và dựa trên các quy hoạch, quy định sẵn có.

Cụ thể hơn, đối với các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, theo Điều 49 của Luật Ngân sách Nhà nước, các cơ quan Nhà nước được phân bổ và giao dự toán ngân sách đối với các đơn vị trực thuộc, trong đó có cả các doanh nghiệp.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu một cơ quan Nhà nước có doanh nghiệp trực thuộc trong một lĩnh vực nào đó thì không cần tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá trong việc cung cấp dịch vụ. Như vậy, cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan Mhà nước đó.

Chẳng hạn như dịch vụ duy tu, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia, ngân sách được giao cho Bộ GTVT và lâu nay, Bộ này luôn giao cho Tổng công ty Đường sắt thực hiện mà không phải tổ chức đấu thầu.

Đại diện VCCI nêu quan điểm: "Việc một doanh nghiệp tư nhân có được phép tham gia cung cấp các dịch vụ này hay không thực tế vẫn dựa vào cơ chế xin cho chứ chưa có sự đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư một cách bình đẳng".

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, còn rất nhiều dịch vụ mà cơ quan Nhà nước nắm giữ. Trước quan điểm cho rằng việc cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công sẽ loại bỏ hoàn toàn vai trò của Nhà nước, lo ngại như giá cả tăng, chất lượng dịch vụ thấp, các vấn đề an sinh xã hội có thể không được bảo đảm, Chủ tịch VCCI cho rằng vai trò của Nhà nước khi đó, thay vì là người chèo đò thì cần chuyển thành người lái đò.

“Nhà nước không trực tiếp cung cấp dịch vụ, nhưng sẽ phải là người đặt ra pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đó. Nhà nước bảo đảm năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ, xử lý những trường hợp gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, chống độc quyền và bảo đảm an toàn cho dịch vụ”- Chủ tịch VCCI nói.