Tư nhân hào hứng mua đường sắt

ANTĐ - Trong bối cảnh đường sắt kinh doanh thua lỗ, thì một số doanh nghiệp lớn trong nước lại ngỏ ý muốn bỏ tiền mua lại quyền khai thác một số ga, tuyến.

Tư nhân hào hứng mua đường sắt ảnh 1Nhiều nhà đầu tư hào hứng xin mua ga, tuyến đường sắt

Sửa luật để hút tư nhân

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, cần phải xã hội hoá, chuyển nhượng quyền khai thác một số tuyến đường sắt, nâng cao chất lượng chạy tàu. Tuy vậy, muốn xã hội hóa, thu hút tư nhân tham gia thì cần phải rút thời gian hành trình. Dự kiến tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ rút từ 7,5 giờ xuống còn 5 giờ; tuyến Sài Gòn  – Nha Trang đang chạy khoảng 4,5 giờ xuống dưới 4 giờ... Đại diện VNR cho hay, một số dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa đang được các nhà đầu tư quan tâm như xây dựng trung tâm đường sắt  Logistic, cụm kho bãi ga Yên Viên, nhượng quyền khai thác đoạn Đà Lạt - Trại Mát…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, để đổi mới ngành đường sắt, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sửa Luật Đường sắt. Chủ trương chung là nhường quyền khai thác cho các doanh nghiệp trên nguyên tắc phải mang lại lợi ích cho Nhà nước - doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác tuyến Hà Nội - Lào Cai cho các nhà đầu tư. “Muốn phát triển, đường sắt phải được đầu tư đồng bộ, nhưng khó khăn nhất hiện nay là vốn đầu tư lớn, trong khi đó hạ tầng đường sắt được sử dụng hàng trăm năm nay, việc đầu tư xây dựng mới  rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin. 

Để đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, VNR vừa hoàn tất kế hoạch xây dựng phát triển giao thông đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng VNR cho biết, để giảm gánh nặng ngân sách, VNR đang nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, huy động nguồn lực tư nhân tham gia. Bên cạnh đó, VNR cũng hướng tới gắn kết kinh doanh vận tải đường sắt với kinh doanh vận tải ngoài đường sắt như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các nhà ga. “VNR sẽ tạo mọi điều kiện cho các đơn vị mở rộng hợp tác, liên danh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao thông nghệ”, ông Đới Sỹ Hưng khẳng định.

Vốn đầu tư khủng tư nhân vẫn xin làm

Giai đoạn 2016-2020, theo tính toán, ngành đường sắt cần khoảng 2.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án đang triển khai như cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM mất 1.400 tỷ đồng; khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1 với số vốn xấp xỉ 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng trong giai đoạn tới 2016-2020, VNR sẽ khởi công xây dựng khoảng 12 dự án hiện đại hóa đường sắt với số vốn khổng lồ khoảng 60.000 tỷ đồng. Một số dự án khác đáng chú ý như lập lại trật tự ATGT đường sắt, đường bộ ngốn khoảng 23.000 tỷ đồng; xây dựng hàng rào, đường gom giai đoạn 3 cần 13.000 tỷ đồng…  

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ngày 20-4, đại diện  Tập đoàn Vingroup đã ngỏ ý mua 3 nhà ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Bên cạnh đó, Vingroup cũng mong muốn được đầu tư vào các tuyến đường sắt Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng và đặc biệt muốn được đầu tư vào tuyến Hà Nội - Lào Cai. Đại diện Vingroup khẳng định, nếu được cấp phép, sẽ đầu tư những đoàn tàu tiêu chuẩn ngang với Singapore trong vòng 1 năm.

Ngoài Vingroup, Tập đoàn Sungroup cũng đề xuất mua lại quyền khai thác một số đoàn tàu trọng điểm trên tuyến có đông khách du lịch như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng. “Nhà nước chỉ quản lý điều độ chạy tàu, an ninh quốc phòng, đường sắt thuộc sở hữu toàn dân, các nhà đầu tư chỉ được phép thuê đất và phải sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch. Hiện các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng để đầu tư khai thác. VNR cần hoàn chỉnh các đề án, công bố công khai để mời gọi các nhà đầu tư…”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.