Từ Luyện và Dưỡng: Báo động về tình trạng suy đồi đạo đức

ANTĐ - Thời gian qua, khi dư luận chưa kịp hết bàng hoàng vì vụ án sát thủ Lê Văn Luyện giết người cướp vàng một cách man rợ thì một "Lê Văn Luyện thứ 2" lại xuất hiện khiến bất cứ ai trong xã hội cũng phải rùng mình, phẫn nộ và chua xót.

Nhìn lại hai vụ án mạng khủng khiếp này, Lê Văn Luyện và Nguyễn Hữu Dưỡng đều là những thanh niên trẻ khỏe, có gia đình đầy đủ, cuộc sống không đến nỗi tha hương cầu thực, đói rách. Nhưng cả Luyện và Dưỡng đều gây ra một tội ác tày trời đó là giết người cướp của. Khó có thể so sánh mức độ tội ác của hai kẻ sát nhân này xem ai tàn ác hơn ai bởi chúng đều đã thực hiện một hành vi giết người quá dã man, mất hết nhân tính.

Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng không thể phủ nhận dã tâm của hai kẻ sát nhân này vì chúng hành động là có mục đích và đều quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội của mình để đạt được mục đích. Điều đó chứng tỏ những kẻ như Luyện, Dưỡng đã không hề run sợ, hay ngần ngại khi phạm tội ác, khi giết người cướp của.

 Lê Văn Luyện và Nguyễn Hữu Dưỡng: Hai sát thủ gây án kinh hoàng để cướp vàng

 Lê Văn Luyện và Nguyễn Hữu Dưỡng: Hai sát thủ gây án kinh hoàng để cướp vàng

Ngoài hai vụ án kinh hoàng trên, thực tế xã hội vẫn còn biết bao kẻ mất nhân tính như Luyện và Dưỡng. Đã có hàng loạt vụ án mạng xảy ra khiến dư luận nhức nhối như vụ Kim Anh cắt cổ người tình, Nguyễn Đức Nghĩa giết và chặt xác người yêu, hay những vụ án con giết cha mẹ vì bị mắng, osin giết chủ để lấy tài sản.... Không nặng nề như trên, nhưng vẫn còn bao góc tối của xã hội đang ngày càng hiện hữu như nạn hiếp dâm trẻ em, nam nữ thanh niên đánh bạn hội đồng, vi phạm giao thông... Tất cả đều đã bị lên án, chịu hình phạt thích đáng, nhưng tại sao tội ác vẫn còn tồn tại? Tất cả những điều này khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng và giật mình tự đặt ra câu hỏi, phải chăng đạo đức của một bộ phận thanh niên đang ngày càng xuống cấp trầm trọng?

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, khi báo chí vẫn còn chưa ráo mực về vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang thì lại xuất hiện Nguyễn Hữu Dưỡng ở Hà Nội, chứng tỏ, Dưỡng không hề biết sợ, vụ án Lê Văn Luyện gây ra không hề tác động đến Dưỡng. Điều này đáng báo động về vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức của thanh niên hiện nay.

Theo ông Lâm, Dưỡng hơn Luyện ở chỗ là có học, có công ăn việc làm, bố mẹ Dưỡng cũng hiểu biết hơn bố mẹ Luyện, Dưỡng lại có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên để có tiền trả nợ, Dưỡng vẫn gây ra hành vi tội ác không kém gì Luyện. Có thể hiểu, lúc này dù có học, có thể am hiểu hơn về luật nhưng tất cả những yếu tố đó không đủ lớn so với dục vọng muốn cướp tài sản của Dưỡng, vì thế hắn đã quyết tâm giết chủ hiệu vàng để thực hiện mục đích của mình, lúc này Dưỡng đã mất hết nhân tính. 

Trong xã hội còn biết bao hành vi phạm pháp, đáng lên án! 

 Trong xã hội còn biết bao hành vi phạm pháp, đáng lên án!

Ông Lâm cho rằng, nhân cách của con người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ môi trường sống. Từ nhỏ thì chịu ảnh hưởng từ môi trường gia đình, lớn lên chịu ảnh hưởng của trường học, bạn bè... Chính vì thế, để dẫn đến các tệ nạn xã hội, hành vi tội phạm có nguyên nhân do sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, ngoài ra còn một số yếu tố bạn bè, môi trường làm việc... nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là từ gia đình và nhà trường - những môi trường gần gũi nhất đối với các em nhất.

Tuy nhiên, các trường học hiện nay mới chỉ dạy kiến thức bằng lý thuyết, việc thực hành còn rất nhiều hạn chế. Trường học có đưa môn đạo đức, môn giáo dục công dân vào các môn học tuy nhiên hầu hết đó chỉ là lý thuyết (chỉ là phần ngọn) còn phần gốc là chân giá trị đích thực thì hiện chưa có trường nào dạy được. Nếu chỉ là lý thuyết, các em sẽ rất nhanh quên, còn nếu được trải nghiệm một cách thực tế các bài học đó các em sẽ ghi nhớ rất lâu.

Cũng theo ông Lâm, biện pháp để giảm thiểu các trường hợp phạm tội ở thanh niên cần nhất là phải làm cho thanh niên hiểu và biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, pháp luật cũng cần đưa ra những hình phạt đủ sức răn đe đối với thanh niên. Một điểm đặc biệt nữa là phải sớm đưa các môn học về pháp luật vào nhà trường để học sinh hiểu và hạn chế tối đa được những hành vi sai trái.

Ngoài những biện pháp trên, song song với việc lên án những hành vi xấu của một bộ phận thanh thiếu niên, dư luận cần đưa ra, ca ngợi những tấm gương tốt, lối hành xử văn minh, nhân đạo để người trẻ có nhận thức đầy đủ hơn về giá trị sống đích thực. Một biện pháp cuối cùng là tạo nhiều sân chơi xen lẫn buổi sinh hoạt hướng nghiệp để thanh thiếu niên có thể vui chơi, học tập, kết bạn một cách lành mạnh.