Tự hào nhưng vẫn cần điều chỉnh

ANTĐ - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (Program for International Student Assesment) có quy mô toàn cầu, được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh ở tuổi 15. Kết quả thi của Việt Nam khá cao trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012, đứng trong tốp 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm 500. 

Dù sao, chỉ riêng việc tham gia PISA là một bước tiến tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục của nước ta. Kết quả mỗi đợt đánh giá của PISA được công khai trên thế giới. Nhiều nước đã không tham gia PISA vì không muốn bộc lộ sự yếu kém về kết quả làm bài của học sinh và thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng. Nhiều chuyên gia đã băn khoăn khi Việt Nam tham gia khảo sát PISA 2012, nhưng lúc bấy giờ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân quyết định tham gia để nhìn vào thực tế chất lượng giáo dục, không ru ngủ mình. Việc sẵn sàng vượt qua những e ngại trên đã là thách thức đối với Việt Nam. Những dữ liệu thu thập được từ PISA là cơ sở để so sánh “mặt bằng” giáo dục nước ta với quốc tế, giúp chúng ta biết được điểm mạnh, điểm yếu, có thể hội nhập được với thế giới hay không và cần bổ sung, điều chỉnh như thế nào… Thực tế, học sinh Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực giao tiếp, năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sống… Ngành Giáo dục đang từng bước điều chỉnh, chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng cho học sinh, gắn kiến thức trong trường học với việc xử lý các vấn đề trong cuộc sống - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết. Sắp tới, khi thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, học sinh phổ thông sẽ được quan tâm đến vấn đề này, những gì yếu kém sẽ được đào tạo bổ sung. Như nội dung phải xoáy vào những phần quan trọng, làm sao để con người phát triển tốt hơn, đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức lý tưởng, khoa học xã hội nhân văn, kỹ năng sống... cho học sinh.

Cũng chưa nên nhìn vào kết quả PISA mà nói là Việt Nam giỏi mà nên nói là giá trị con người Việt Nam có nhiều tiềm năng, nếu được đầu tư đúng mức và đúng phương pháp thì cái tiềm năng đó mới có thể phát huy hết hiệu quả. Câu hỏi được đặt ra là tại sao các em học sinh Việt Nam xếp hạng cao trong PISA, nhưng đầu ra sinh viên thì lại kém hơn nhiều so với các nước khác? Đúng là ở bậc phổ thông, học sinh Việt Nam rất giỏi, giành hết giải nọ giải kia, nhưng lên đến bậc đại học và sau đại học thì lại quá kém. Bởi thế, chưa thế nhìn vị trí xếp hạng ở bảng này mà vui mừng quá sớm, trái lại phải thấy buồn vì tại sao một giai đoạn trong khâu làm ra sản phẩm đã tốt hơn nhiều nước, mà sản phẩm cuối cùng lại “chưa đâu vào đâu”. Người Mỹ sẽ không có lý do nào để tự đánh giá mình quá khắc nghiệt dựa vào vị trí của học sinh nước họ trên các bảng xếp hạng. Với nền giáo dục Mỹ, chỉ cần giới trẻ Mỹ đừng quá tụt lại phía sau, vị thế so sánh của các em trên bảng xếp hạng các kỳ thi quốc tế sẽ không còn quan trọng bằng việc xây dựng được phương pháp dạy và học hiệu quả, nhằm tạo nguồn nhân lực cần thiết cho quá trình phát triển. 

Đó chính là sự giải đáp cho câu hỏi “Tại sao học sinh mình giỏi  nhưng sao đất nước mình ngày càng nghèo hơn các nước có HS không giỏi hơn mình?”. Cần nhìn nhận tổng thể nền giáo dục của ta hiện nay đang còn có nhiều vấn đề về chất lượng để điều chỉnh phù hợp, nếu chỉ vì đạt được một kết quả khả quan của một đợt đánh giá trong phạm vi hẹp như trên mà “ngủ mơ trong chiến thắng” thì cuối cùng cũng không giúp đất nước được nhiều cho mai sau.