“Tự hào khi anh ấy là lính đảo Trường Sa!”

ANTĐ - “Chị xa anh bao nhiêu cái Tết rồi?” - Tôi hỏi. Người phụ nữ ngồi đối diện đáp lại: “Phải hỏi rằng chúng tôi có được mấy cái Tết bên nhau mới đúng chứ!”. Vậy đó, câu nói của chị Nguyễn Mai Uyên (SN 1978), “hậu phương” của Đại úy Nguyễn Trung Phương, quyền Cụm trưởng đảo Trường Sa Lớn cũng chính là nỗi niềm của chị; chị bảo chia sẻ vậy nhưng không muốn các anh ngoài đó biết để an tâm công tác, chiến đấu. Chị quen rồi, sự xa cách dù tủi thân nhưng xen trong đó là niềm tự hào vì “Anh ấy là người lính đảo Trường Sa”…

1....Chị Uyên khóc! Chị xin lỗi và bảo chẳng biết nước mắt từ đâu ra mà ngậm ngùi thế này. Chị bảo cả anh lẫn chị đều ngại lên báo, đặc biệt là anh, chị phải thuyết phục anh mãi và coi đây là món quà nhân ngày Tết Thiếu nhi dành cho con, để con lúc nào cũng tự hào về bố ở đảo Trường Sa anh mới chịu. Chị Uyên bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình - làm vợ một người lính Hải quân như thế.

“Nếu tính cả thời gian yêu và cưới, đã hơn chục năm rồi chúng tôi sống xa nhau. Trong 10 năm làm vợ, chỉ vài lần anh được ăn Tết ở nhà. Những lúc chưa nhận nhiệm vụ ra công tác ngoài đảo, anh đóng quân ở đơn vị vùng 4 hải quân tại căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa thì tôi vào tận Cam Ranh thăm anh ấy, thậm chí có năm còn ở lại đón Tết. 10 năm trước tôi vào Cam Ranh còn hoang vu lắm, phương tiện đi lại không được thuận lợi như bây giờ, điều kiện của các anh ngoài đó cũng vô vàn khó khăn, bủa vây. Sau đó, anh lên đường đến đảo Đá Đông, tiếp đến là đảo Cô Lin với chức vụ Đảo trưởng và ngày 22-12-2013, anh chuyển sang công tác tại đảo Trường Sa Lớn với chức vụ quyền Cụm trưởng. Khi tôi có bầu rồi sinh hạ bé Trung Hiếu thì anh không có nhà, đây là quãng thời gian vất vả nhất. Lúc sinh cháu bị thiếu ô-xy lên não, nhiệt độ cơ thể cháu hạ xuống còn 32 độ chuyển sang cấp cứu theo dạng “tử thần đã gọi đi và bác sĩ cũng đã lắc đầu”. Các bác sĩ bảo không hiểu sao mà cháu vẫn sống được, thật kỳ diệu. Hai mẹ con cứ ăn nằm trong bệnh viện đến nửa tháng trời, cũng may lúc đó anh đang ở Cam Ranh, khi được gia đình báo tin anh đã xin đơn vị về chăm hai mẹ con được khoảng 2 tuần anh lại đi. Chứ lúc đó mà anh ngoài đảo thì nếu vợ con có mệnh hệ gì thì cũng chẳng thể về được… Khi anh nhận nhiệm vụ ngoài đảo con mới được 1 tuổi, ngày anh về thăm thì con đã được 3 tuổi. Sau 2 năm xa nhà, anh đến trường đón con, bố con chẳng nhận ra nhau. Tôi bảo: “Con chào bố đi!” thì cháu ngẩng mặt lên hỏi tôi: “Đây là bố hả mẹ?”. Khi nghe con nói câu đó tôi tủi thân khủng khiếp!”... Nói đến đây giọng chị Uyên một lần nữa nghẹn lại. Tôi biết mặc dù cố nén lại cảm xúc của bản thân nhưng chị cũng chẳng thể ngăn được nước mắt…

2. Lấy chồng là lính Hải quân, giờ lại đang công tác ở ngoài Trường Sa xa xôi, chị có suy nghĩ gì không? Và trước khi cưới chị có tưởng tượng ra hết những khó khăn sẽ đến với bản thân mình? - Tôi hỏi. “Tôi biết chứ, bộ đội không thể có điều kiện vật chất như những người khác. Trước khi lấy nhau tôi đã ra thăm anh ở đơn vị và hiểu hết những khó khăn, vất vả. Tôi yêu và lấy anh vì cái tình, chấp nhận gian khó để có nhau. Tôi lấy anh vì muốn truyền cho anh một ngọn lửa tinh thần không bao giờ vơi nguội để anh tiếp tục công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Cái nghĩa vợ chồng lớn lao lắm, chúng tôi sống với nhau hoàn toàn về mặt tinh thần, động viên nhau mọi lúc có thể để vơi đi nỗi nhớ bởi khi công việc của vợ, nhiệm vụ của chồng cuốn đi thì không sao, nhưng mỗi khi trùng lại hoặc đêm đến  là cả một cuộc “chiến đấu” với nỗi nhớ. Khi mọi người hỏi tôi chồng làm gì, tôi đáp: Bộ đội. Ước gì mọi người chỉ dừng lại ở đấy thôi chứ đừng hỏi sâu thêm là đơn vị nào, ở đâu, tôi lại đáp: Trong miền Nam. Mọi người lại thốt lên ôi sao xa xôi quá! Hỏi kỹ hơn khi biết anh đang công tác ở ngoài đảo Trường Sa còn cảm thấy xa hơn nữa. Với họ là vậy nhưng với tôi là niềm tự hào khi anh ấy là người lính đảo Trường Sa… 

Mỗi khi có lịch anh sẽ về thăm nhà là tôi lại hồi hộp đếm từng ngày, chờ, đón… Tình cảm đáng quý ấy có khi mọi người không được thì tôi lại có. Có chồng công tác nơi đảo xa, làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, những người phụ nữ như chúng tôi đều được thời gian tôi luyện, cũng gần 40 tuổi rồi, chúng tôi đã đi qua gần hết tuổi thanh xuân đẹp nhất của người phụ nữ, sự hy sinh nhấn chìm gian truân, sự khó khăn, nỗi vất vả. Nói vậy cũng chẳng thấm vào đâu so với các anh, cả tuổi trẻ và tôi tin mãi mãi sau này nhiệm vụ lúc nào cũng được các anh đặt lên hàng đầu để hoàn thành nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng mà Đảng và Quân đội giao phó”. 

3. “Bao năm làm lụng, tích cóp, rồi nhờ hai bên nội ngoại tôi cũng mua được một ngôi nhà cấp 4, rộng 30m2, mừng lắm. Anh ở xa, mọi chuyện trong nhà tôi đều phải tự quyết định. Thế mới có chuyện thật mà như đùa rằng có hôm anh điện thoại về hỏi tôi: “Nhà mình địa chỉ ở đâu vợ nhỉ?”; hóa ra có người trong đơn vị hỏi nhà ở đâu mà anh cũng chỉ biết ở mạn khu vực Cầu Giấy. Tôi thoáng buồn sau cuộc điện thoại ấy nhưng lại nghĩ vì nhiệm vụ của anh nên mới thế.

Đã là vợ lính thì sự chấp nhận và chịu đựng hy sinh. Tôi luôn tự nhủ trong lòng, nếu có chuyện gì xảy ra phải biết chấp nhận. Cũng may mà trời thương cho tôi cậu con trai nên cũng khuây khỏa. Những tháng ngày xưa nuôi con nhỏ một mình đầy gian nan cũng vượt được qua. Ngày mới chuyển đến ngôi nhà mới mua, lủi thủi ngày qua tháng rồi đến năm lúc nào cũng chỉ có hai mẹ con, nhiều người dân sống quanh đó còn đồn đại những lời lẽ không hay về tôi. Cũng tủi. Nhưng rồi mọi người cũng hiểu. Tôi đào tạo cháu như trong quân đội, 3 tuổi đã tự lập. Lúc 3 tuổi cháu bị sốt phải vào Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ yêu cầu phải đi siêu âm chụp chiếu, cháu thì nặng mà tôi lúc đó cơ thể có hơn 40kg không thể bế được con. Tôi đã nói với cháu rằng: “Mẹ không thể nào bế con được, con phải tự lập, phải tự lo cho mình”. Thế là cháu nó cứ cùi cũi bước đi, từ lúc đó về sau lúc nào cháu cũng luôn ý thức được rằng không bao giờ được dựa dẫm vào ai, phải tự lo cho bản thân mình, bố không có nhà thì mình phải là người đàn ông. Đặc biệt tôi không phải đưa con đi học và đón con về, từ nhà đến trường khoảng 700, 800m, cháu tự đi tự về ngay từ lớp 1 đến giờ vì mẹ còn phải đi làm. Tôi hài lòng vì con tự lập, ý thức, có như vậy cháu mới đứng vững được trong tương lai”...

“Chị có viết nhật ký không?” - Tôi hỏi. “Không, những lúc buồn tôi không nói được với chồng tôi viết thư. Nhiều lúc muốn khóc nhưng phải dặn lòng không được nói ra, chỉ động viên các anh thôi. Nhưng cuộc sống vợ chồng có nhiều chuyện, mình bức xúc mình cũng muốn chia sẻ với anh, để được anh động viên nên tôi lại viết ra thành thư, nhưng tôi không gửi, gấp lại để đấy! Bây giờ tôi không còn sợ cái cảm giác đón anh về và tiễn anh đi, chứ ngày xưa khi anh đi tôi hụt hẫng lắm, đưa anh ra ga tàu nỗi buồn nén lại trong lòng, về nhà thì khóc thầm chỉ bản thân mình biết. Lại câu chuyện ngày xưa, khi còn ở đảo Đá Đông còn chưa có điện thoại di động, mỗi lần muốn gọi điện về cho vợ anh phải sang một đảo lớn hơn ở gần đấy mới có điện thoại bàn gọi về. Khi về đảo Cô Lin rồi Trường Sa Lớn thì ngày nào anh cũng gọi điện về nói chuyện với vợ con. Có những cuộc điện thoại của vợ chồng tôi mà nói chuyện với nhau chỉ khóc, gào thét cũng có vì nhớ, tôi nhớ anh, anh nhớ con. Nỗi nhớ của tôi thật không gì diễn tả nổi. Giờ cứ 6h sáng là tôi tỉnh giấc, khi mở mắt ra lúc vẫn còn nằm trên giường công việc đầu tiên của tôi là phải đọc thông tin trên mạng xem tình hình biển đảo ngày hôm nay thế nào, có căng thẳng không… Khó khăn rất nhiều nhưng phải biết vượt qua, với tôi mỗi lần vượt qua là một lần hạnh phúc!”.

 “Lúc nào cũng trong cảnh đi xe một mình, nhiều khi đi trên đường tôi ước gì mình được ngồi đằng sau ngắm phố, ngắm các cửa hàng quần áo. Tôi nói với Hiếu, ước gì con lớn thật nhanh để đèo mẹ đi chơi, để mẹ được ngồi đằng sau, nhanh vậy cũng phải 10 năm nữa...”, chị Uyên tâm sự. Rồi cũng rất nhanh chị gạt suy nghĩ ấy sang một bên và nói: “Nhưng những mong ước đó của tôi cũng nhanh chóng qua đi vì tình yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của chồng, tôi sẽ tiếp tục cố gắng để anh yên tâm công tác, để anh luôn tự hào về mẹ con tôi nơi đất liền!”.