Từ hành động vô ý thức

ANTĐ - Xôn xao ngày đầu tiên của kỳ thi Đại học năm 2012, về việc có hay không đề thi môn Toán bị lộ. Xôn xao là bởi ngay trong thời điểm các thí sinh đang làm bài thi, nội dung đề thi Toán đã xuất hiện trên mạng Internet. Bộ Giáo dục, rồi cơ quan công an đã phải vào cuộc để làm rõ và giải tỏa băn khoăn của dư luận. Rốt cuộc, người được xem là “tác giả” đưa đề thi môn Toán lên mạng Internet được xác định. Mối băn khoăn của dư luận bước đầu được giải tỏa: đề thi không bị lộ!

Câu chuyện lộ hay không lộ đề thi môn Toán đã bộc lộ thực tế tương đối phổ biến hiện nay: Đó là một bộ phận không nhỏ người sử dụng Internet đã và đang không nhận thức được những nguyên tắc “không thể” trong “thế giới ảo” này.

Vụ “đẩy” đề thi môn Toán lên mạng được “tác giả” giải trình với cơ quan chức năng thành thật đến mức… ngây ngô rằng: Khi ngủ dậy, vào mạng Internet, bắt gặp một địa chỉ website đăng nội dung đề thi môn Toán nên “tác giả” đã bê nguyên xi nội dung đó vào facebook. Từ đó, nội dung đề thi môn Toán đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Internet. Người chính thức góp phần khiến dư luận xôn xao những ngày qua được xác định là sinh viên một trường đại học chuyên về công nghệ thông tin. Hành động vô ý thức của sinh viên này sẽ khiến anh ta có thể phải chịu xử lý về hành vi làm lộ - lọt bí mật tài liệu; nếu thời điểm “đẩy” nội dung đề thi lên Internet được cơ quan chức năng xác định chưa quá 2/3 thời gian làm bài của thí sinh.

Đã có rất, rất nhiều những phiên tòa, những sự trả giá xuất phát từ hành vi vô ý thức mà Internet bị trưng dụng làm công cụ chuyển tải. Sử dụng Internet, bên cạnh những tiện ích, đòi hỏi mỗi người phải có nhận thức, kiến thức pháp luật tối thiểu, phải phân định được đâu là điều mà đạo đức xã hội đồng tình hay phê phán. Một phút ngẫu hứng, một hành động vô ý thức, một sự thiếu hiểu biết luật pháp, người sử dụng Internet sẽ có nguy cơ chịu sự phán xét của pháp luật về hệ lụy họ gây ra.

Tin cùng chuyên mục