Từ đôi chân "hỏng" đưa làng nghề Việt ra thế giới

ANTĐ - Bây giờ ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mây tre đan lớn, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã trở thành một điển hình của ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội và có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới. Vì vậy, Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn của nghệ nhân Nguyễn Việt Trung chỉ là một doanh nghiệp quy mô trung bình. Nhưng ít ai biết ông chủ của doanh nghiệp này - một nghệ nhân khuyết tật chính là người tiên phong hồi sinh làng nghề trong thời điểm khó khăn nhất, đồng thời đưa sản phẩm mây tre đan Phú Vinh vững bước ra thị trường thế giới. 

Từ đôi chân "hỏng" đưa làng nghề Việt ra thế giới ảnh 1

Chuyện đời nghệ nhân khuyết tật

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (SN 1953) dáng người nhỏ thó, chân bước tập tễnh với đôi giày “dị dạng” cao tới 15 phân. Đây là hậu quả mà ông phải gánh chịu sau một trận bạo bệnh hồi nhỏ. Hồi đó cậu bé Trung mới 14 tuổi, sau một trận sốt li bì thì toàn bộ xương ống chân phải tự nhiên cứ vỡ vụn. Gia đình hoảng hốt đưa đi viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh lao xương, phải mổ bỏ toàn bộ xương cẳng chân phải. 

Đang tuổi ăn tuổi lớn lại phải nằm liệt giường với chiếc chân chỉ còn da và gân lủng lẳng, cậu bé Trung và cả gia đình rơi vào tuyệt vọng. Mất gần 2 năm điều trị mà bệnh tình không thuyên giảm, gia đình đành đưa cậu về với lời dặn của bác sĩ “có gì ngon thì cho ăn”. “Lúc đó tôi nghĩ chắc bác sĩ cho mình về chờ chết. Gần 2 năm liệt giường lưng bị hoại tử thối thịt, hở cả xương ra. Xương cột sống thì cứng không cử động được, ngồi dậy cũng buốt đến tận óc chứ nói gì đến tập đi. Thế nhưng không muốn mọi người lo lắng cho mình nên về nhà tôi cứ phải tỏ ra lạc quan. Còn đôi tay, tôi vẫn đánh đàn, thổi sáo, vẫn làm công việc đan lát phụ gia đình”, ông Nguyễn Văn Trung nhớ lại.

Quyết tâm không đầu hàng số phận, cậu bé Trung bắt đầu tập ngồi, tập đi lại, từ nằm một chỗ đến ngồi thẳng được lên đã là một kỳ tích của cậu bé. Ngồi được rồi thì cậu bảo bố mẹ bắc hai cây tre dọc nhà để vịn tập đi. “Trời thương nên sau nhiều tháng luyện tập, tôi đã có thể vịn vào 2 cây tre đi lại được. Đôi chân cũng có dấu hiệu hồi phục, tôi được gia đình đưa đi viện điều trị để xương chân mọc trở lại. Tôi đã có thể chống gậy để đi lại được. Đến nay, chân phải của tôi đã có xương, chỉ ngắn hơn chân trái chừng 15cm”, ông Nguyễn Văn Trung kể lại. Vốn nổi tiếng khéo léo nên ngay khi có thể chống gậy đi lại được, ông Trung được mời tham gia Ban quản lý HTX mây tre đan Phú Vinh với nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật. Hàng ngày, những cán bộ HTX thay nhau tới nhà đón Trung đi làm rồi hết giờ lại đưa về.

Thổi gió vào nghề

17 tuổi, được phân công phụ trách kỹ thuật cho HTX, ngay trong năm đó,  sản phẩm mây tre đan của đội sản xuất do Nguyễn Văn Trung làm Đội trưởng đã giành giải Nhất “Cuộc thi tay nghề giỏi ở làng Phú Vinh”. Ở vị trí của mình, ông luôn trăn trở với câu hỏi tại sao bà con trong HTX làm rất nhiều nhưng thu nhập lại không đáng bao nhiêu. Hồi đó, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta chủ yếu là Liên Xô (cũ) và Đông Âu, sản xuất kỳ công nhưng giá thành lại thấp. Nghĩ mãi, cuối cùng ông đề đạt ý tưởng sáng tác một loạt mẫu mã mới, phù hợp với thị trường, đồng thời phân công các thành viên trong tổ kỹ thuật, mỗi người sáng tác một ít, nếu mẫu nào bán được nhiều sẽ có thưởng.

Lần đó, Tổ kỹ thuật sáng tạo được tất thảy 60 mẫu và kết quả thành công ngoài mong đợi, 48 mẫu trong số đó được khách hàng đặt mua với số lượng cực kỳ lớn. Bắt đầu từ thời điểm đó, năm 1973, HTX mây tre đan Phú Vinh như được thổi một luồng gió mới, bà con vô cùng phấn khởi vì các sản phẩm dễ làm hơn, thu nhập cao hơn, trong làng từ người già đến trẻ em đều tham gia sản xuất, HTX thu hút được tới trên 1.000 lao động. Năm 1977 HTX Phú Vinh đã được tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) công nhận là lá cờ đầu của tỉnh. Từ đó, Nguyễn Văn Trung được bà con trong làng quý mến, gọi là anh cả của làng nghề. 

Năm 1977, Nguyễn Văn Trung được HTX trích quỹ cho đi học ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Đến ngày tốt nghiệp với năng lực thật sự của mình, ông được mời ở lại làm giảng viên. Năm 1982, ông có đề tài thiết kế, sáng tạo mẫu mã mây tre đan làm đồ chơi trẻ em, được các đối tác Nhật Bản rất ưa chuộng. Ông được Ủy ban Khoa học Nhà nước cử đi làm chuyên gia nghiên cứu xử lý cây nguyên liệu ở Mỹ La tinh. Những đề tài và sự hỗ trợ của ông được Bộ Công nghiệp nhẹ Cuba đánh giá rất cao. Đi nhiều nước, cuối cùng ông “chốt” ở lại CuBa để giúp nước bạn phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ năm 1982 đến 1987. Trước khi về nước, ông đã làm tặng nước bạn bức chân dung vị lãnh tụ Fidel Catro trong thời gian 19 ngày, bằng chất liệu mây, bức chân dung này hiện vẫn đang được trưng bày tại Văn phòng Chính phủ Cu Ba. 

Đưa mây tre đan ra thế giới

Năm 1987, ông Trung về nước, được Chủ tịch tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) xin từ ĐH Mỹ thuật công nghiệp về giảng dạy tại ĐH Mỹ nghệ Hà Tây, giữ chức Phó Hiệu trưởng. Đúng lúc đó, Nhà nước mở ra cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp, hầu hết các HTX đều bị xóa bỏ khiến những người dân làm trong HTX vô cùng khó khăn. Ông Trung nhớ lại: “Hồi đó HTX Phú Vinh giải tán, trước kia những người làm trong HTX được bao cấp nên ruộng đất chia hết cho người ngoài HTX. Giờ họ không có ruộng đất, thị trường xuất khẩu lại gần như bị xóa sạch vì lúc đó Liên Xô (cũ) và Đông Âu cũng sụp đổ. Bà con chỉ biết làm cái rổ, cái rá, cái làn, cái túi đem đi khắp các nơi ở Hà Nội bán, còn lại đi làm thuê, cày thuê”.

Không nỡ nhìn cảnh làng nghề sắp bị xóa sổ, ông Trung đã xin nghỉ tại ĐH Mỹ nghệ Hà Tây, về thành lập Tổ hợp mỹ nghệ Đan mây Phú Vinh, kéo toàn bộ 25 thành viên trong tổ kỹ thuật của HTX trước đây về cùng làm. “Năm đấy vất vả lắm. Khi tôi đề nghị thành lập tổ hợp, huyện yêu cầu phải cam kết đảm bảo cuộc sống của tất cả số lao động ấy. Cũng may tôi có đồng lương chuyên gia nên dồn tất cả cho mọi người sáng tác mẫu mã rồi đem ra Hà Nội bán. Tôi mượn một kiot ở Hàng Gai để làm cửa hàng. Thật may mắn, mặt hàng mây tre đan được rất nhiều khách nước ngoài yêu thích, làm đến đâu bán hết đến đó”, ông Trung kể.

May mắn lại đến với tổ hợp mỹ nghệ của ông khi có một người khách Đài Loan đi qua cửa hàng, ông khách này rất thích thú với sản phẩm mây tre đan và ngỏ ý muốn về thăm cơ sở sản xuất của ông. “Tôi liền mời ông khách về nhà, ăn bữa cơm. Sau khi nghiên cứu các sản phẩm, ông khách đã ký luôn 2 container. Hồi ấy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ra nước ngoài chưa có tiền lệ, nên tôi phải khó khăn lắm, chạy khắp các nơi để lo đủ thủ tục xuất khẩu 2 container hàng đầu tiên”.

Có đơn hàng xuất khẩu, ông Trung kéo thêm những bà con trong HTX cũ về làm. Tổ hợp mỹ nghệ của ông không chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng mà còn gửi mẫu trực tiếp ra nước ngoài cho khách hàng lựa chọn. Các nhà nhập khẩu quốc tế bắt đầu tìm đến Phú Vinh ngày một nhiều, bắt đầu từ năm 1992, tại xã Phú Nghĩa xuất hiện thêm một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ với quy mô lớn. Chỉ trong 1 năm, toàn xã có tới 15 doanh nghiệp đứng ra sản xuất, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ. Riêng tổ hợp mỹ nghệ của ông có tới 29 tổ vệ tinh để sản xuất hàng.

Ông Trung nhớ lại, từ năm 1994, mây tre đan ở Phú Vinh bước vào thời kỳ vàng son, lúc nào trong làng cũng như một ngày hội, những container nườm nượp về lấy hàng. Đỉnh cao là tầm năm 2006-2007, ở Phú Vinh, người người làm mây tre đan, nhà nhà giàu vì mây tre đan. Nhưng lúc đó lại phát sinh vấn đề khác: “Khách đặt hàng nhiều, ở Phú Vinh nhà nhà đua nhau làm, đua nhau xuất khẩu, nên chất lượng không đồng đều, hàng đẹp cũng lấy, hàng dở cũng lấy để đủ số lượng. Có những đơn vị mất hàng mấy container vì bị khách phạt hay không trả tiền. Lúc đó tôi lại nghĩ đến việc phải đào tạo để giúp người lao động có tay nghề đồng đều”. Đó cũng là lý do chính để ông thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh. Đến nay Trung tâm dạy nghề của ông mỗi năm đào tạo nghề mây tre đan cho hàng nghìn lao động. 

Nghề thủ công mỹ nghệ ở Phú Vinh nói riêng và trên cả nước nói chung đều đang ở giai đoạn trầm lắng do cả những lý do khách quan và chủ quan. Ông Nguyễn Văn Trung, vì thế lại càng thêm trăn trở. Ông bảo, mới đây ông đã cùng với Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ hoàn thành đề án và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn mác thương hiệu làng nghề Phú Nghĩa. Nhưng trăn trở lớn nhất của ông là làm sao giữ được giá trị nhãn mác ấy, vì đa phần các cơ sở vẫn sản xuất tự do, nhỏ lẻ, họ chỉ nghĩ họ làm cái nào bán được chứ không nghĩ cùng nhau đóng góp để giữ thương hiệu của làng nghề.